3 triệu sản phẩm từ thứ "bỏ đi" được cung cấp cho hơn 40 nhãn hàng thời trang nổi tiếng

Quốc Hải Thứ tư, ngày 13/03/2024 15:32 PM (GMT+7)
Theo Công ty CP Kết nối Thời trang (Faslink), tính đến nay công ty đã cung ứng gần 3 triệu sản phẩm từ vải sợi cà phê cho hơn 40 nhãn hàng thời trang, như: Owen, Yody, Coolmate, Routine...
Bình luận 0

"Sắp tới, Faslink sẽ triển khai dự án thu gom bã cà phê tại Việt Nam theo tiêu chuẩn của Singtex, đơn vị cung cấp vải sợi "xanh" hàng đầu tại Đài Loan (Trung Quốc), với mục tiêu tạo ra các sản phẩm dệt may bền vững từ cà phê Việt Nam", bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Faslink chia sẻ như thế tại buổi giới thiệu "The Journey of Coffee to Fashion" (Hành trình từ cà phê đến thời trang), diễn ra sáng nay (13/3), tại TP.HCM.

3 triệu sản phẩm từ thứ "bỏ đi" được cung cấp cho hơn 40 nhãn hàng thời trang nổi tiếng - Ảnh 1.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân (giữa), Tổng Giám đốc Faslink chia sẻ về việc sản xuất vải sợi từ bã cà phê. Ảnh: Quốc Hải

Cơ hội mới cho thứ tưởng chừng phải "đổ bỏ"

Theo bà Xuân, hành trình đưa vải sợi làm từ bã cà phê gần hơn với thời trang Việt Nam của Faslink khởi đầu từ năm 2017, khi doanh nghiệp chính thức hợp tác nghiên cứu cùng Singtex (đơn vị cung cấp vải sợi "xanh" hàng đầu tại Đài Loan) để ra mắt sản phẩm áo sơmi cà phê đầu tiên trên thế giới, và thương mại hóa tại Việt Nam.

Giai đoạn 2021-2023 là thời kỳ phát triển của vải sợi S.Café®, khi Faslink liên kết với các đối tác dệt may nội địa, ứng dụng rộng rãi nguồn vải sợi S.Café® cho các sản phẩm, như hàng jeans, quần tây... Tính đến nay, Faslink đã cung ứng gần 3 triệu sản phẩm từ vải sợi cà phê cho hơn 40 nhãn hàng thời trang, như: Owen, Yody, Coolmate, Routine...

Bã cà phê sau khi qua sử dụng sẽ được nghiền thành bột mịn và trộn cùng những nguyên liệu khác (rác thải nhựa tái chế...), trải qua quá trình sản xuất biến đổi dạng bột thành dạng xơ, rồi đến sợi và cho ra thành phẩm là loại vải cà phê chất lượng nhất, vừa thoáng khí và thân thiện với môi trường...

Nay, mối liên hệ với Singtex sẽ trở nên chặt chẽ hơn khi "ông lớn" vải sợi "xanh" từ Đài Loan này sẽ hỗ trợ Faslink cùng phát triển bền vững ngành may mặc và thời trang Việt Nam thông qua công nghệ vải sợi S.Café®.

"Faslink sẽ là đơn vị cung ứng vải sợi S.Café® mang công nghệ độc quyền của Singtex tại thị trường Việt Nam. Do đó, sắp tới Faslink sẽ triển khai dự án thu gom bã cà phê tại Việt Nam theo tiêu chuẩn của Singtex với mục tiêu tạo ra các sản phẩm dệt may bền vững từ cà phê Việt Nam", bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO Faslink chia sẻ.

3 triệu sản phẩm từ thứ "bỏ đi" được cung cấp cho hơn 40 nhãn hàng thời trang nổi tiếng - Ảnh 2.

Đại diện Công ty Singtex, đơn vị cung cấp vải sợi xanh hàng đầu tại Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ về quy trình làm sợi vải từ bã cà phê. Ảnh: Quốc Hải

Ông Jason Chen, Tổng giám đốc, Nhà sáng lập Singtex, chia sẻ Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới và tiêu thụ hơn 2,5 triệu túi cà phê mỗi năm, lượng bã cà phê bỏ đi là rất lớn.

"Tại sao các bạn không sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hợp lý nhất để vừa mang lại kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường", ông Jason Chen đặt vấn đề và khẳng định sẽ hỗ trợ Faslink nói riêng, ngành may mặc và thời trang Việt Nam nói chung hướng đến mục tiêu phát triển "xanh" và bền vững.

3 triệu sản phẩm từ thứ "bỏ đi" được cung cấp cho hơn 40 nhãn hàng thời trang nổi tiếng - Ảnh 3.

Vải từ bã cà phê được nhiều hãng thời trang trên thế giới sử dụng. Ảnh: Quốc Hải

Theo ông Jason Chen, đất nước Việt Nam được biết đến với quy mô trồng cà phê lớn trên thế giới, cùng với đó sản xuất sợi vải cà phê cũng được dự đoán rất giàu tiềm năng trong ngành công nghiệp may mặc.

"Chất liệu này không chỉ làm thỏa mãn về mặt thời trang mà còn là sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường", ông Jason Chen nhận định.

3 triệu sản phẩm từ thứ "bỏ đi" được cung cấp cho hơn 40 nhãn hàng thời trang nổi tiếng - Ảnh 4.

Chiếc đồng hồ này có giá 24.439 USD với phần dây được làm từ vải sợi bã cà phê. Ảnh: Quốc Hải

Vải sợi cà phê sẽ trở thành lĩnh vực sản xuất giàu tiềm năng

Trên thế giới hiện nay, vải sợi cà phê hiện đang được tin tưởng và lựa chọn bởi những nhãn hàng nổi tiếng trên toàn thế giới, như Puma, Nike, Hugo Boss… Đây chắc chắn là cơ hội tốt để ngành công nghiệp sản xuất vải cà phê không ngừng phát phát triển trong tương lai.

Xuân cho hay, trị trường trang phục tính năng toàn cầu tính đến năm 2023 lên tới hơn 627 tỷ USD, trong đó thị trường cho ngành thời trang bền vững có giá trị hơn 33 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo CEO Faslink, thời trang bền vững ở Việt Nam vẫn còn nhiều thử thách và khá mới. Chưa kể, đầu tư cho "xanh hóa" doanh nghiệp dệt may là cả một quá trình và tốn kém chi phí, không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư.

Đặc biệt, bài toán khó hiện nay là làm thời trang bền vững không còn là xu hướng để các doanh nghiệp có thể lựa chọn làm hay không làm mà đây là yêu cầu bắt buộc để thích ứng với thị trường hiện nay. Bởi, phát triển bền vững ở thời điểm hiện đã trở thành chiến lược hành động quốc gia của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

"Trên thế giới, dệt may là lĩnh vực bị nhiều ý kiến cho rằng gây ô nhiễm top 2 chỉ sau ngành khai thác dầu mỏ. Vì vậy, ngành dệt may phải thay đổi cho phù hợp với thời cuộc, và xu hướng phát triển dòng sản phẩm sợi và vải từ bã cà phê là một lựa chọn chính xác và rất tiềm năng", bà Xuân chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem