Bánh canh tép rim từ xứ đá núi về chốn thị thành

Trần Thái Hoãn Thứ năm, ngày 02/12/2021 06:30 AM (GMT+7)
Nghe nói tới nhiều đá núi, Hà Giang là địa danh đầu tiên thường được nhiều người nghĩ tới. Nhưng ít ai biết ở tuốt dưới đồng bằng Nam bộ cũng có một nơi rất nhiều đá, nhiều núi: Thoại Sơn, núi Sập, An Giang.
Bình luận 0

Vẫn khá tò mò về miệt đó, nên bữa ngang con đường đông đúc ở quận 4 (TP.HCM) thoáng thấy biển ghi bánh canh Thoại Sơn, lòng chợt chộn rộn, tấp xe. Rồi hít hà với cái món đơn sơ nhưng quá đỗi đậm đà mà người Thoại Sơn đã mang lên đất Sài Gòn.

Bánh canh tép rim từ xứ đá núi về chốn thị thành - Ảnh 1.

Tô bánh canh tép rim mộc mạc xứ Thoại Sơn về chốn Sài thành. Ảnh: T.T.H

Ngoài sự cuốn hút bởi cái tên, món tép rim mà đi chung với bánh canh là lần đầu tiên tôi thấy, dù ăn gần "mòn miệng" các loại bánh canh Việt. Tôm tép đem rim thì chẳng lạ, nhưng thường đi với xôi nóng, cơm nóng hay đâu đó trong món mỳ Quảng, ít nước sền sệt của phiên bản gốc chứ không phải các tô mỳ Quảng nước lèo lềnh khênh ở Sài Gòn thường chủ yếu là xương giò… Nhưng chắc nhiều người sẽ hỏi tôm rim sẽ phối thế nào đây trong món bánh canh lõng bõng nước.

Đơn sơ là cảm giác đầu tiên khi nhìn tô bánh canh nước trong leo lẻo, không cục giò hay con ghẹ, càng cua… Một chút huyết, da heo, mấy lát nạc mỏng tới mức dễ bay trong gió… thêm vô mang tính bonus cho có hơn là góp vị. Chỉ nổi bật là mấy con tép rim vỏ trong veo lấp lánh sắc đỏ hồng nằm trên những sợi bánh canh bột gạo trắng tinh, lấm tấm xanh nhúm hành ngò xắt nhỏ.

Lùa mấy cọng bánh canh vô muỗng nước lèo xâm xấp, gắp con tép nhỏ bỏ lên trên... khẽ khàng nghiêng muỗng. Đã đời làm sao khi vẫn cảm nhận từng kết cấu hương vị đặc biệt từ con tôm rim giòn giòn, ngọt ngọt mặn mặn. Nước lèo đậm đà. Những sợi bánh bột gạo mới trụng chín tới sừn sựt dẻo dẻo … quyện vào nhau trong sự góp công của rau thơm làm tăng thêm vị ngọt thơm, đậm đà.

Bánh canh tép rim từ xứ đá núi về chốn thị thành - Ảnh 2.

Thơm lựng, hấp dẫn chảo tép rim, hồn cốt làm nên hương vị lạ của tô bánh canh. Ảnh: T.T.H

Công phu thâm hậu ẩn sau món tép rim mới chứng tỏ thực lực của của bếp. Cũng nói rõ thêm tý về chuyện tôm tép, ở các khu vực khác, với kích cỡ ngón tay út em bé này chúng vẫn được kêu là tôm. Nhưng ở dân miền Tây, kích cỡ không phải là vấn đề, tôm  là tôm mà tép là tép. Hỏi chủ quán cho chắc thì biết đó là con tép bạc, nên "quán mới ghi là bánh canh tép rim đó, đâu kêu tôm rim".

Con tép bạc có nhiều ở vùng nước lợ, sông ngòi khu vực đồng bằng Nam bộ, phân bố từ Vũng Tàu đến mũi Ông Đốc, Ông Trang (Cà Mau)... Tép nguyên con rim xong vỏ vẫn mềm chứ không cứng ngắc, dễ mắc răng như vỏ tôm sú.

Nhưng bí quyết để rim tôm vừa có độ giòn, nhưng không dai, vẫn ngọt thịt… là câu chuyện thú vị khác ít bà nội trợ "tân tiến" làm được. Ngoài các mẹo ướp muối, đường, tiêu theo tỷ lệ gia truyền, kỹ thuật canh lửa khi lớn lúc nhỏ làm sao để con tép không bị chai mà vẫn giòn… chính người đứng bếp khoe là chỉ dùng mỡ heo để rim, để dậy mùi thơm và giòn ngọt như vậy.

Ăn xong tô bánh canh rim xứ đá núi quay xe đi lại mơ mòng tiếp ngày về lang thang Núi Sập, Thoại Sơn, nơi sản sinh ra món này. Giờ bánh canh tép rim được nhiều bạn trẻ ở đó giới thiệu là món nên thử khi xuống thăm quê mình. 

Nhưng nếu chưa đi được, nhất là những ngày còn chưa xong dịch bệnh, cớ sao không trải nghiệm món ăn xứ lạ đậm đà ngon ngay tại Sài thành này?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem