Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Phải khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Bạch Dương Thứ ba, ngày 25/04/2023 13:45 PM (GMT+7)
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, điều quan trọng nhất hiện nay là thành phố phải đánh giá lại mình một cách toàn diện và sâu sắc, đâu là tác động bên ngoài, đâu là tác động bên trong; việc nào từ trên xuống, việc nào từ cấp dưới để tìm ra giải pháp phù hợp, thích ứng và đồng bộ.
Bình luận 0
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Phải khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm - Ảnh 1.

Bí thư Nguyễn Văn Nên gặp gỡ các cựu chiến binh. Ảnh: Nguyễn Nam

Ngày 25/4, Thành ủy, UBND, HĐND TP.HCM đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023). Đến dự có các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh lực lượng vũ trang, nhân sĩ trí thức.

Ngày 30/4/1975 là cột mốc lịch sử, chính trị trọng đại của đất nước và TP.HCM, khi đúng 11h30 phút, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ, kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để mỗi người dân ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới và nhận thức sâu sắc hơn những giá trị, những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thời gian càng lùi xa, tầm vóc và ý nghĩa càng tăng thêm nhiều giá trị đã trở thành biểu tượng rực rỡ của sự nghiệp kháng chiến thần thánh suốt 30 năm.

Qua 48 năm, từ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tiếp nối mạch nguồn truyền thống cách mạng, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều thử thách, chung tay xây dựng và phát triển thành phố đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2021, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, khốc liệt của đại dịch Covid 19, thành phố đã gồng mình chiến đấu để vượt qua thử thách lịch sử này. Sau dịch Covid-19, kinh tế TP.HCM có bước khởi sắc trong năm 2022 nhưng đến quý 1/2023 có nhiều chỉ tiêu thấp, tăng trưởng GRDP chỉ tăng 0,7%, tiến độ giải ngân đầu tư công chậm.

"Nguyên nhân thì nhiều, có khách quan và chủ quan nhưng "thuyền to, sóng lớn", địa phương có một độ mở như TP.HCM thì bị ảnh hưởng nhiều hơn những nơi khác", Bí thư Nên nhìn nhận và cho biết, ngoài nguyên nhân từ bên ngoài, lãnh đạo thành phố đã tập trung kiểm điểm nghiêm túc và tìm nguyên nhân bên trong; trong đó đã nhận thấy nổi lên một số nguyên nhân chủ yếu.

Trước hết, đó là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém và quá tải, chưa được khắc phục thời gian dài. Việc triển khai các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế chậm.

Thứ hai, đó là hệ thống thể chế vừa thiếu, vừa không đồng bộ, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, chuyển đủ số chưa đạt yêu cầu.

Thứ ba, xử lý những vụ việc tồn đọng chưa dứt điểm thì một số vụ việc lớn khác lại xảy ra, tăng thêm khó khăn, phức tạp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường ngân hàng, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán, tín dụng…

Thứ tư, nguồn nhân lực nói chung, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế và bất cập tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; tâm lý cầm chừng, né tránh, sợ sai phạm đã và đang làm ảnh hưởng một số hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thành phố.

Bí thư Nên khẳng định, điều quan trọng nhất hiện nay là thành phố phải đánh giá lại mình một cách toàn diện và sâu sắc. Đâu là tác động bên ngoài, đâu là tác động bên trong; việc nào từ trên xuống, việc nào từ cấp dưới để tìm ra giải pháp phù hợp, thích ứng và đồng bộ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã nhận diện, dự báo và thống nhất đề ra hàng loạt giải pháp để vực dậy nền kinh tế, trong đó chủ động chuẩn bị mọi kế hoạch, phương án phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, cảnh giác không để dịch bệnh tái diễn.

Chủ động phối hợp các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại kỳ họp tháng 5/2023. Đồng thời chuẩn bị các đề án, kế hoạch trình HĐND TP.HCM ban hành triển khai ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, thủ tục hành chính; dồn sức lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh chi tiêu công và kích cầu tiêu dùng nội địa; cùng doanh nghiệp bàn giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, du lịch.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, chuyển đổi số trên các lĩnh vực; tăng cường đối thoại, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Bí thư Nên khẳng định quyết tâm đưa triển khai Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung vào thực tiễn của cuộc sống, tạo niềm tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. 

"Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành hành động quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quyết tâm khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân trì trệ, đùn đẩy, ngán ngại, né tránh, không dám hành động làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công vụ", Bí thư Nên nói.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Phải khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm - Ảnh 3.

Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ các cựu chiến binh, nhân sĩ trí thức trong buổi gặp mặt. Ảnh: Nguyễn Nam

Về một số nhiệm vụ dài hạn, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cho biết Thành ủy sẽ tập trung triển khai 3 chương trình hành động về thực hiện 3 nghị quyết 29, 31, 24 của Bộ Chính trị.

Song song đó, rà soát, sắp xếp, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp; tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện; hoàn thành đề án về chính sách, giải pháp tạo động lực cho bộ máy chính quyền đô thị của TP.HCM.

Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; phát triển gắn với chỉnh trang đô thị, thu hút nguồn lực cho các dự án giao thông, nhà ở xã hội, môi trường; đặc biệt là các dự án giao thông liên vùng có tính chất trọng điểm để tạo bước đột phá về hạ tầng như vành đai 3, 4, tuyến metro 2, 4, 5…

Bí thư Nên cho biết, theo dự báo của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thì chưa có tín hiệu lạc quan trong lúc này, trong đó suy thoái kinh tế không phải ngoại lệ. "Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế chủ động để tìm cơ hội với tâm thế của một chiến binh để vượt qua thử thách", Bí thư TP nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem