Cách tính lương giáo viên từ 1/7/2024 mới nhất: Thầy cô vui mừng

Tào Nga Thứ ba, ngày 02/01/2024 13:57 PM (GMT+7)
Sau cải cách tiền lương, cách tính lương giáo viên từ 1/7/2024 sẽ thế nào đang là chủ đề được giáo viên cả nước quan tâm.
Bình luận 0

Trong năm 2024, nhiều chính sách trong lĩnh vực giáo dục về tiền lương, thưởng, chế độ cho nhà giáo sẽ được thực thi. Điểm nổi bật được quan tâm là việc cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm bắt đầu từ ngày 1/7/2024.

Vậy, cách tính lương giáo viên từ 1/7/2024 sẽ thế nào?

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, bảng lương sẽ thiết kế cơ cấu mới gồm: Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương). Ngoài ra, bảng lương sẽ bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Theo Nghị quyết, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.

Lương giáo viên sẽ được tính theo công chức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).

Việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo (hệ số x mức lương cơ sở) như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương.

Cách tính lương giáo viên từ 1/7/2024 mới nhất: Thầy cô vui mừng- Ảnh 3.

Cách tính lương giáo viên từ 1/7/2024 được nhiều giáo viên quan tâm.  Ảnh: Cô trò Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa, Hà Nội trong tiết học trải nghiệm. Ảnh: T.N

Giáo viên vui mừng đón nhận tin cải cách tiền lương

Cô Ngô Thị Hường, sinh năm 1987, vào biên chế từ năm 2010 và hiện là giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất của Trường THCS Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đón nhận tin cải cách tiền lương sắp tới, cô Hường hào hứng chia sẻ với PV báo Dân Việt: "Đây là một niềm vui lớn với tôi cũng như nhiều giáo viên khác. Dù chúng tôi được thêm ít hay nhiều thì việc thay đổi tiền lương cũng giúp cho giáo viên có thêm tiền chăm lo cho gia đình hơn và thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành với đời sống giáo viên. Chúng tôi rất vui và hạnh phúc vì điều này".

Cách tính lương giáo viên từ 1/7/2024 mới nhất: Thầy cô vui mừng- Ảnh 4.

Cô Bùi Thị Phương Dung, giáo viên Toán Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Cô Bùi Thị Phương Dung, giáo viên Toán Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ: "Tôi có theo dõi về việc cải cách tiền lương và rất vui mừng khi Chính phủ có những thông tin chỉ đạo quyết liệt về việc này sau khi trì hoãn nhiều năm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Việc cải cách tiền lương góp phần cao trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập... 

Với cương vị giáo viên tôi thật sự hy vọng với lần cải cách này, lương của giáo viên sẽ được tăng lên đảm bảo công bằng, khách quan đúng vị trí việc làm, nâng cao đời sống cho giáo viên để các thầy cô yên tâm công tác, phát huy hết sức mạnh trong sự nghiệp trồng người. Ngoài ra giải quyết được những bất cập, tồn tại về mức lương hiện nay".

Mặc dù vậy, thầy Phạm Quốc Toản, Phó ban chuyên môn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội thẳng thắn: "Nhìn chung giáo viên công lập rất mong chờ cải cách tiền lương. Giáo viên tư thục thì cứ dạy tốt, hoạt động hiệu quả là lương sẽ cao. 

Theo tôi rất khó trông vào đồng lương khi mọi thứ đều leo thang. Quan trọng là mối tương quan với giá cả thị trường. Và trong giáo dục tôi quan tâm hơn đến môi trường làm việc, với đồng nghiệp, lãnh đạo, phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh. Lương cao mà "Tôn sư trọng đạo" ngày càng mai một thì cũng giáo viên cũng chán với nghề".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem