Cây xăng có được tự ý đóng cửa?

Phi Long Thứ năm, ngày 10/02/2022 07:51 AM (GMT+7)
Nhiều cây xăng tự ý đóng cửa trong những ngày qua, có hiện tượng găm hàng để chờ ngày điều chỉnh giá bán. Việc tự ý đóng cửa cây xăng có được phép hay không, chuyên gia pháp lý đã phân tích về vấn đề này.
Bình luận 0

Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ trong ngày 8/2 có hàng loạt cây xăng ở các tỉnh Đồng Nai, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đắk Lắk treo biển hết hàng nghỉ bán. 

Việc tạm ngưng hoạt động của nhiều cây xăng do nhiều nguyên nhân như: Không có đủ nguồn cung do lượng tiêu thụ xăng dầu của người dân tăng cao, không có đủ nhân lực.

Cây xăng có được tự ý đóng cửa? - Ảnh 1.

Cây xăng trên địa bàn Hà Nội tạm ngưng bán hàng không rõ nguyên nhân. Ảnh: HC

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, ngay trên địa bàn Hà Nội cũng có một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa từ trước Tết. Khi phóng viên vào hỏi chủ cây xăng lý do vì sao đóng cửa và bao giờ thì bán trở lại thì bị chủ cây xăng xua đi, không trả lời. Ngoài ra, chủ cây xăng này cũng che luôn cả số điện thoại trên biển cây xăng.

Trao đổi với Dân Việt, ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Hiện đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra các cây xăng trên địa bàn trong những ngày qua có đóng cửa không và đóng cửa có lý do không. 

"Việc các cây xăng đóng cửa cũng có nhiều lý do và họ chỉ gửi giấy xin phép đóng cửa tới Sở Công Thương", ông Kiên nói. 

Ông Kiên cũng cho biết danh sách có tổng bao nhiêu cây xăng và trong đó có bao cây xăng được Sở Công Thương chấp thuận cho tạm đóng cửa trong những ngày qua phải hỏi Sở Công Thương. 

Còn hiện trên địa bàn Hà Nội, dù lực lượng quản lý thị trường có kiểm tra nhưng chưa phát hiện trường hợp nào găm hàng nên chưa có trường hợp nào bị xử phạt trong những ngày qua.

 PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính phân tích: Nguyên nhân khan hiếm xăng cũng có nhiều, trong đó phải kể tới việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động và chỉ hoạt động đủ công suất vào ngày 20/2 tới. Do đó, nguồn cung cũng bị ảnh hưởng nên có nhiều cây xăng không đủ hàng để bán.

Cây xăng có được tự ý đóng cửa? - Ảnh 2.

Một cây xăng tại Hà Nội treo biểm tạm ngừng không rõ lý do, số điện thoại trên biển cây xăng cũng được che lại. Ảnh: HC

Mặt khác, giá xăng dầu thế giới trong thời gian qua đã tăng mạnh, trong khi kỳ điều chỉnh giá xăng lần này là vào ngày 11/2 nên không loại trừ trường hợp nhiều cây xăng vẫn còn hàng nhưng găm hàng lại. 

"Quy định của các đơn vị kinh doanh xăng dầu là bể chứa phải đủ dự trữ từ 20 đến 30 ngày nên theo tôi không có chuyện cả loạt cây xăng đã hết hàng được. Thanh tra Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường cần phải vào cuộc kiểm tra, nếu phát hiện còn hàng mà găm không bán cần xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật. Vì xăng dầu là mặt hàng bình ổn, việc găm hàng nhằm trục lợi là vi phạm pháp luật", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Trước đó, ngày 28/1, Bộ Công Thương có công điện yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác quản lý, thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: Xăng dầu không chỉ là mặt hàng thiết yếu mà còn mang tính chiến lược, quan trọng liên quan lĩnh vực vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, hoạt động an ninh quốc phòng, cấp cứu... sản xuất và các lĩnh vực quan trọng khác. 

Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có kế hoạch, phương án dự trữ, cung ứng đảm bảo đầy đủ, liên tục, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.


"Tại Khoản 21 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 02/01/2022 cũng quy định rõ, thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng (cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng).

Như vậy, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không được phép tự ý đóng cửa, ngừng bán hàng khi chưa được Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản", Ls. Trần Tuấn Anh nói.

Ls Trần Tuấn Anh cũng cho biết: Trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện những cửa hàng xăng dầu tự ý đóng cửa, ngừng bán hàng mà không thông báo, không được sự chấp thuận của Sở Công Thương, có dấu hiệu của việc găm hàng, tạo sự khan hiếm để tăng giá xăng dầu thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 35 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP của Chỉnh phủ với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. 

Ngoài ra, không có biện pháp xử phạt bổ sung hay khắc phục hậu quả. Như vậy, có thể thấy, mức xử phạt đối với hành vi này chưa tương xứng với hậu quả mà hành vi này có thể gây hại cho xã hội, còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe.

Trên thực tế, đã có nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ xăng dầu bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, nhưng vì mức xử phạt quá nhẹ khiến tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Cũng theo Ls Trần Tuấn Anh, tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 99/2020/NĐ-CP đã quy định rõ thẩm quyền xử phạt cũng như nguyên tắc phối hợp giữa các ban ngành trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật của thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng như phát hiện, xử phạt những trường hợp vi phạm quy định.

Theo dó, Sở Công Thương không chỉ có quyền quản lý giấy phép cũng như phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử phạt mà chính đơn vị Thanh tra Sở Công Thương cũng có thẩm quyền trong việc xử phạt những hành vi vi phạm.

Khi trực tiếp thấy hoặc có thông tin về đơn vị bán lẻ xăng dầu đóng cửa, những cơ quan hoàn toàn có quyền trực tiếp đến tận nơi yêu cầu các đơn vị bán lẻ xăng dầu này xuất trình những giấy tờ, tài liệu như giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh, giấy đăng ký thời gian bán hàng, giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và những giấy tờ khác chứng minh đơn vị này được phép ngừng bán hàng như thông báo, văn bản của Sở Công Thương cho phép ngừng bán hàng.

Như đã nói ở trên, việc ngừng bán lẻ xăng, dầu cần phải có văn bản chấp thuận của Sở Công Thương, do đó, trong trường hợp các đơn vị này không xuất trình được đầy đủ giấy tờ, tài liệu chứng minh thì các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường hoàn toàn có thể xử phạt theo quy định của pháp luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem