Chị Thùy “siêu nhân”

Thứ năm, ngày 14/04/2022 18:55 PM (GMT+7)
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thùy hiện công tác tại Phòng Điều dưỡng (Bệnh viện K). Chị luôn được đồng nghiệp nhắc tới với sự tận tâm, nhiệt tình.
Bình luận 0

Là người gắn bó với bệnh viện hơn 20 năm, sự cống hiến của chị đối với bệnh nhân, bệnh viện được nhiều người cảm phục, còn đồng nghiệp thì gọi chị với cái tên thân mật: Thùy “siêu nhân”.

“Tả xung hữu đột” giữa tâm dịch

Hơn 20 năm công tác tại Bệnh viện K, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thùy có 12 năm công tác tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, sau đó chị chuyển công tác tới một số đơn vị như: Khoa Ngoại bụng I, Khoa Hồi sức cấp cứu. Chị đã quen với hình ảnh những người bệnh ung thư diễn biến nặng, luôn cần tới sự chăm sóc đặc biệt.

Nhiều đêm chị thức trắng cùng đồng nghiệp giành giật sự sống mong manh cho người bệnh trong từng giây phút... Sau 20 năm trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh, cuối năm 2019, chị chuyển công tác về Phòng Điều dưỡng (Bệnh viện K) với nhiệm vụ tập trung phát triển, nâng cao chuyên môn của đội ngũ điều dưỡng viên tại các đơn vị, và quan trọng hơn là truyền cho các điều dưỡng viên nơi đây cảm hứng, tình yêu nghề, sự tận tâm vì người bệnh.

Tháng 5/2021 là thời điểm khó khăn của Bệnh viện K, khi cả 3 cơ sở của bệnh viện cùng phong tỏa để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hơn một tháng là khoảng thời gian hơn 3.000 người bệnh cùng người nhà và cán bộ y tế đồng hành, sẻ chia với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao cùng vượt qua dịch bệnh. Khi tình hình dịch bớt căng thẳng, các cán bộ được luân phiên trở về nhà, riêng chị xin ở lại để đồng hành với các bệnh nhân và đồng nghiệp, đến khi hết cách ly mới về nhà.

Bởi vậy, cùng làm việc với chị nhưng các đồng nghiệp luôn cảm phục và gọi chị là: Thùy "siêu nhân”. Bởi người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn ấy luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ. Giữa những ngày hè nóng bức, chị mặc trang phục bảo hộ kín mít từ sáng sớm đến chiều muộn để vận chuyển đồ nhu yếu phẩm lên từng khoa, phòng cho người bệnh và đồng nghiệp. Mồ hôi khiến bộ quần áo bảo hộ trên người chị ướt sũng, kính chắn giọt bắn mờ đi, và đâu đó đôi lần mồ hôi lẫn với những giọt nước mắt vì nhớ nhà, thương con. Chị cố giấu tất cả sau nụ cười động viên, lạc quan khi đến đưa đồ cho người bệnh: "Các bác cùng cố gắng nhé, sẽ sớm được trở về nhà thôi ạ".

Chị Thùy “siêu nhân” - Ảnh 1.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thùy trong một lần tình nguyện hiến máu. Ảnh: HÀ TRẦN


Ngày Bệnh viện K vượt qua tâm dịch, chị cũng chưa trở về nhà. Chị kể: "Lúc ấy, con gái lớn nhà tôi chuẩn bị thi, nếu về nhà, tôi sợ cháu sẽ có suy nghĩ bất an là phải thi riêng phòng với các bạn khác. Đặt mình vào vị trí các phụ huynh khác, tôi thấy sẽ không yên tâm nếu phụ huynh của bạn học cùng lớp với con mình vừa trở về từ tâm dịch. Vì thế nên tôi quyết định ở lại cách ly để mọi người cùng an tâm. Quan trọng nhất là giữ an toàn cho sức khỏe của các con và để các con không bị ảnh hưởng tâm lý".

30 ngày thực hiện nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm lên các khoa, phòng cho nhân viên y tế và bệnh nhân, chị luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tỉ mẩn, cẩn thận khi xếp đồ, phân loại; khoa này cần thêm bao nhiêu quạt, khoa kia chưa đủ nước, khoa này nhiều bệnh nhân mới mổ nên thêm cháo, sữa... Chị luôn chăm chút, tỉ mỉ như chăm người thân của mình ở bệnh viện. Hết ca trực, chị lại tới từng khoa lâm sàng để tham gia hướng dẫn, hỗ trợ công tác chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, nhất là các khoa có ca bệnh liên quan đến Covid-19.

Ngày nào cũng vậy, mỗi khi chứng kiến hình ảnh đồng nghiệp chuẩn bị đồ để về nhà sau khi hết thời gian cách ly, chị lại rơm rớm nước mắt. Mẹ nào cũng thương con, nhưng tình thương của chị thật khác, không ôm ấp vỗ về, không chạy tới ngay với con để ríu rít nô đùa, chị thầm lặng hy sinh, và sâu thẳm trong trái tim mình chị từng suy nghĩ, hành động dù nhỏ thôi cũng là hướng về các con. Chị chia sẻ: “Tôi luôn tự nhủ: Rồi mình cũng sẽ được về, chỉ là muộn hơn mọi người ít ngày thôi. Cố gắng thêm chút nữa để mọi người đều được yên tâm”.

Tiếp tục cuộc chiến...

Chị Thùy vừa về nhà ít hôm thì cũng là thời điểm “nước sôi lửa bỏng” của các đồng nghiệp phương Nam, khi họ phải căng mình chống dịch. Trong thời điểm cả nước cùng chi viện, hướng về miền Nam, lại là cánh tay nhỏ bé của chị xung phong đầu tiên xin đi chi viện. Chị nằm trong đoàn công tác số 1 của Bệnh viện K chi viện TP Hồ Chí Minh.

Những ngày trực tiếp “chiến đấu” tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh, chị không khỏi xót xa: "Chưa bao giờ tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến vậy. Tại nơi cam go này, các nhân viên y tế đã trực tiếp chứng kiến và đau đớn, bàng hoàng khi để “tuột” mất bệnh nhân. Nhưng sau tất cả, những nỗi niềm ấy phải gác lại thật nhanh. Tất cả phải tập trung cao độ vào mục tiêu lớn hơn là giành lại sự sống cho những người bệnh rất nặng đang ở bên cạnh”.

Sau hai tháng chi viện miền Nam, Bệnh viện K có đoàn công tác mới đến nhận nhiệm vụ thay đoàn công tác số 1. Chị Thùy có tên trong danh sách cán bộ trở về Hà Nội, nhưng một lần nữa chị tiếp tục xung phong ở lại. Chị tâm sự: “Công tác ở đây hai tháng, tôi đã dần quen với công việc, nhất là hiểu rõ hơn việc chăm sóc người bệnh cấp cứu, vì thế tôi ở lại sẽ hỗ trợ phần nào cho đoàn công tác mới”.

Chị Thùy lại tiếp tục lặng lẽ cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm ấy, đó là cố gắng giành giật sự sống cho từng người bệnh. Nhiều ca mổ cấp cứu tưởng như mọi thứ đã kết thúc, nhưng may mắn đã mỉm cười. Bao mệt mỏi với chị và các đồng nghiệp lại tan biến. Không chỉ hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân ngay giữa tâm dịch, nhiều bệnh nhân phải mổ cấp cứu, thiếu máu, chị Thùy lại sẵn sàng hiến máu cho bệnh nhân.

Cùng thời điểm ấy, chồng chị cũng thực hiện nhiệm vụ tại Nhà máy A45, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân. Anh cũng vào công tác tại tâm dịch Đồng Nai. Khoảng cách địa lý giữa hai vợ chồng rất gần nhau, nhưng cả hai tháng công tác, vợ chồng chị chỉ gặp nhau qua màn hình điện thoại.

Sau hơn 3 tháng "chia lửa" cùng các đồng nghiệp phương Nam, khi dịch tạm lắng, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thùy mới trở về Hà Nội. Chị Thùy bộc bạch: “Nếu hỏi tôi có mệt không thì đúng là rất mệt, nhưng không vì thế mà chúng tôi nản chí, chùn bước. Chúng tôi luôn vì các bệnh nhân của mình”.

Nữ điều dưỡng ấy cũng như bao người mẹ, người vợ khác; họ cũng có niềm riêng của mình, nhưng niềm vui lớn nhất của chị là “trao đi”. Chị biết, giữa tâm dịch là căng thẳng, áp lực, nguy cơ lây nhiễm, nhưng chị và đồng nghiệp vẫn lặng thầm gánh trên vai sứ mệnh chữa bệnh cứu người. Chị không ngại gác lại hạnh phúc, riêng tư, xa người thân để vào Nam ngày đêm tận tình chăm sóc bệnh nhân... Câu chuyện của chị để lại nhiều cảm phục với các đồng nghiệp tại Bệnh viện K. Những hy sinh âm thầm của chị là bài học, là tấm gương sáng để các cán bộ, nhất là thế hệ trẻ của bệnh viện học tập, noi theo.

Diệp Châu (Theo QĐND) (www.qdnd.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem