Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, bà nội “mót” từng chai nhựa để nuôi cháu ăn học

Bảo Yến Thứ bảy, ngày 27/04/2024 07:27 AM (GMT+7)
Thương người cháu chịu nhiều thiệt thòi vì bố mất sớm, mẹ bỏ đi, mỗi ngày, bà Thi đều phải đi “mót” từng chai nhựa để kiếm chút tiền lẻ nuôi cháu ăn học.
Bình luận 0

Bà nội vừa là cha, vừa là mẹ

Nhắc đến bà Lê Thị Thi (SN 1957) ở Tổ dân phố Hợp Tiến, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ai cũng xót thương cho số phận hẩm hiu của bà. Chồng mất sớm, bà tần tảo nuôi 2 con khôn lớn. Khó khăn cũng vơi dần khi 2 người con của bà trưởng thành biết lo lắng cho mẹ. Năm 2010, mảnh đất cũ của mẹ con bà bị thu hồi để làm dự án nên được đền bù đất tái định cư và một số tiền đủ để xây căn nhà. Niềm vui lớn hơn khi gia đình nhỏ chào đón người cháu đầu lòng là Phan Lê Anh Tuấn (SN 2013).

Những tưởng từ đây bà sẽ được sống ngày tháng tuổi già an nhàn, hạnh phúc bên con cháu, thế nhưng hạnh phúc ấy quá đỗi mong manh. Khi Anh Tuấn vừa được một tuổi thì mẹ cháu bỏ đi biệt xứ. Năm 2017, ông Trời đã cướp đi người con trai thứ 2 của bà. Vừa hết cảnh chịu tang con trai thứ, năm 2020, bà lại chịu cảnh “người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh” khi con trai cả - bố Anh Tuấn bị tai nạn qua đời. Người mẹ già khóc cạn nước mắt lần lượt tiễn 2 đứa con ra đi. Đứa cháu còn non nớt kể từ đấy do một tay bà chăm sóc.

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, bà nội “mót” từng chai nhựa để nuôi cháu ăn học- Ảnh 1.

Bữa cơm đạm bạc của bà cháu bà Thi.

Bảy tuổi, Anh Tuấn trở thành đứa trẻ mồ côi bố, thiếu vắng tình yêu thương của mẹ. Gần 70 tuổi, bà Thi trở thành chỗ dựa duy nhất, vừa là cha, vừa là mẹ của Anh Tuấn. Nhìn người cháu nhỏ gầy gò, đen đúa, bà Thi lại quặn thắt: “Mới mấy tuổi đầu mà thằng bé không biết mặt mẹ, không còn được thấy cha. Mỗi lần nhìn cháu ngủ mà tôi khóc không thành tiếng”.

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, bà nội “mót” từng chai nhựa để nuôi cháu ăn học- Ảnh 2.
Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, bà nội “mót” từng chai nhựa để nuôi cháu ăn học- Ảnh 3.

Cậu học sinh nghèo thiếu tình yêu thương cha mẹ vẫn miệt mài đi tìm con chữ.

Anh Tuấn vẫn mang một ước mơ giản đơn nhưng sẽ không bao giờ thành hiện thực: “Mỗi lần nhìn bạn bè đi học có bố mẹ đón, hay khi nghỉ lễ Tết được bố mẹ đưa đi chơi, mua sắm quần áo đẹp, con ước mình được như vậy. Nhưng bố mất rồi, mẹ cũng bỏ đi, giờ con chỉ có bà thôi”.

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, bà nội “mót” từng chai nhựa để nuôi cháu ăn học- Ảnh 4.

Mùi quần áo mới là một điều lạ lẫm với Anh Tuấn.

Nhặt ve chai nuôi cháu

Bà nội dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng để có tiền nuôi cháu Anh Tuấn đang học lớp 4C – Trường Tiểu học Kỳ Long (xã Kỳ Long) mỗi ngày bà Thi vẫn phải lang thang trên đường kiếm sống. Thức dậy từ 4 giờ sáng, bà nhóm lửa chuẩn bị bữa sáng với củ khoai hay một gói mì tôm cho cháu ăn để đi học. Khi Anh Tuấn đến trường, bà cũng cầm chiếc bao tải đi ra khỏi nhà bắt đầu công việc của mình.

Không kể ngày nắng mưa, hay gió rét, bà lang thang khắp các đường làng lối xóm và bãi rác gần nhà để gom từng vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, bìa giấy... Trưa về, bà cháu lại ăn gói mì tôm hay bát cháo loãng để chiều bà lại tiếp tục công việc. Mỗi lần bán ve chai sau 2-3 ngày nhặt, bà có được khoảng vài chục ngàn đồng.

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, bà nội “mót” từng chai nhựa để nuôi cháu ăn học- Ảnh 5.

Dù tuổi già không còn đủ sức khỏe, bà Thi vẫn gắng gượng đi nhặt ve chai để nuôi cháu ăn học.

“Có ngày may mắn tôi được người ta thương cho thùng lon bia, nước ngọt, chai nhựa bán được hơn giá là mừng. Hay có người thương cho miếng thịt, miếng cá thì bà cháu cũng được bữa ăn thịnh soạn hơn” - bà Thi chia sẻ.

Nhắc đến cậu học trò nhỏ đáng thương của mình, cô giáo Lê Thị Mận – Giáo viên chủ nhiệm lớp 4C Trường Tiểu học Kỳ Long chua xót: “Anh Tuấn là một cậu bé ngoan. Tuy nhiên, mỗi lúc ai đó nhắc đến hoàn cảnh của em, Anh Tuấn lại lặng lẽ ngồi một góc khóc. Em còn quá nhỏ để chịu đựng nỗi đau này”.

Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, bà nội “mót” từng chai nhựa để nuôi cháu ăn học- Ảnh 6.

Những lúc rảnh rỗi, Anh Tuấn cùng phụ bà nhặt ve chai.

Ở với bà nhưng bà không biết chữ nên không thể chỉ dạy cho cháu, cậu học sinh lớp 4 phải tự mình giải quyết những khó khăn trong học tập. “Nhiều lúc có những bài toán khó con không biết hỏi ai, nếu bố còn sống thì bố sẽ chỉ cho con” – Anh Tuấn lau vội giọt nước mắt.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, ông Trần Văn Chung – Chủ tịch UBND xã Kỳ Long bày tỏ nỗi trăn trở trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Thi: “Cuộc sống bà cháu cũng chỉ có bữa rau bữa cháo nuôi nhau. Chính quyền địa phương cố gắng có những phần quà tặng quan tâm, động viên bà cháu mỗi dịp lễ Tết. Thế nhưng về tương lai lâu dài, rất mong Báo Dân Việt và các nhà hảo tâm tạo điều kiện giúp đỡ để 2 bà cháu vượt qua khó khăn, để cháu Anh Tuấn tiếp bước đến trường”.

Giờ đây, động lực sống của bà Thi là đứa cháu. Bà có mong muốn duy nhất là đủ sức khỏe để tiếp tục làm “nghề ve chai”, chỉ tiếc rằng tuổi đã cao, lúc trái gió trở trời, mình mẩy lại đau nhức. "Tôi sợ chẳng may khi tôi không còn, cháu nó không biết nương tựa vào ai" – bà Thi thở dài.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Bà Lê Thị Thi (SN 1957) ở Tổ dân phố Hợp Tiến, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

Địa chỉ liên hệ cô giáo Lê Thị Mận – Giáo viên chủ nhiệm lớp 4C Trường Tiểu học Kỳ Long

Số điện thoại: 0962.208.685

Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 27424


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem