Chủ tịch Hội Nông dân Bắc Giang Nguyễn Văn Thi nói về 10 cái được của công tác Hội và phong trào nông dân

Khương Lực Thứ năm, ngày 27/07/2023 14:31 PM (GMT+7)
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong 2 ngày 27-28/7. Nhân dịp này, ông Nguyễn Văn Thi - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã có những chia sẻ với phóng viên Dân Việt về những dấu ấn của nhiệm kỳ vừa qua và giải pháp, khâu đột phá cho nhiệm kỳ mới.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tập trung, nổ lực thực hiện các chỉ tiêu công tác Hội và phong trào nông dân; trong đó, tập trung vào xây dựng, củng cố tổ chức Hội; hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào "Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; tham gia các phong trào thi đua, trong đó có việc cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới...

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thi: Chủ động tham mưu 4 đề án, tạo ra nhiều dấu ấn đột phá - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thi - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang. Ảnh: N.Q

-Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ vừa qua?

- Nhiệm kỳ 2018-2023 công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh Bắc Giang đạt được kết quả nổi bật, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Thứ nhất: 

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cho các cấp Hội Nông dân trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt 4 Đề án, đó là: Đề án "Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang góp phần thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai đoạn 2021 - 2025"...

Bên cạnh đó, Hội còn chủ động tham mưu, đề xuất các Đề án "Phát triển vùng Ba kích tím hàng hóa tại huyện Sơn Động giai đoạn 2022 - 2026";  Đề án " Xây dựng tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025"; Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025". 

Cùng với đó, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã ban hành 2 Nghị quyết, 1 Đề án đó là: Nghị quyết  về "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên tuyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh giai đoạn 2019 - 2023"; Nghị quyết về "Nâng cao vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân giai đoạn 2020 - 2023"; Đề án " Xây dựng điểm mô hình Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, giai đoạn 2020 - 2022.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thi: Chủ động tham mưu 4 đề án, tạo ra nhiều dấu ấn đột phá - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thi - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang giới thiệu các nông sản tiêu biểu với Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng. Ảnh: Thu Hồng

Thứ hai: 

Hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023: 13/13 đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra, trong đó một số chỉ tiêu đạt cao như: phát triển hội viên (310,2%), xây dựng mô hình kinh tế tập thể (190,2%), hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (155%), tuyên truyền, chủ trương chính sách cho trên 157.000 hội viên, nông dân,…

Thứ ba: 

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân có nhiều đổi mới, ngày càng hiệu quả: các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng kịp thời chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khích lệ, động viên nông dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nông dân với Đảng và Nhà nước.

Thứ tư:

Xây dựng tổ chức hội vững mạnh: các cấp Hội đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân với phương châm "vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân", lấy lợi ích của hội viên nông dân làm động lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thông qua các chương trình, đề án, xây dựng các mô hình, các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ để tập hợp nông dân. 

Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã kết nạp mới hơn 15 nghìn hội viên, nâng tổng số lên trên 250 nghìn hội viên; cán bộ hội được trẻ hoá, được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hoá về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác hội. 

Đến nay, 100% Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở có trình độ đại học và trên đại học; 94,6% có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 90% cán bộ chủ chốt hội nông dân cấp huyện và 62,3% cán bộ chủ chốt hội nông dân cơ sở tham gia cấp ủy.

Thứ năm:

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững hiệu quả thiết thực: thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế trang trại, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng sản xuất Vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất cam lòng vàng ở Lục Ngạn; vùng chăn nuôi gà đồi, chè bản ven ở Yên Thế; vùng sản xuất rau chế biến ở Tân Yên, Lạng Giang; vùng sản xuất gạo thơm hàng hóa ở Yên Dũng... 

Thông qua thực hiện phong trào đã góp phần thúc đẩy việc thành lập nhiều tổ hợp tác, HTX, hình thành nhiều tổ dịch vụ, tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong nhiệm kỳ, đã có 553.315 lượt hội viên đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bình xét hằng năm có 428.617 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tỷ lệ  bình quân đạt 77,5% so với số hội viên đăng ký.

Thứ sáu:

Tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân quảng bá và và tiêu thụ sản phẩm: các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, xúc tiến các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp để kết nối đưa sản phẩm của nông dân tiêu thụ tại các hội chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.

Trong nhiệm kỳ đã phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử cho 2.472 hộ; Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc và bao bì cho sản phẩm ba kích tím Thanh Luận (Sơn Động) và khoai sọ Khám Lạng (Lục Nam); tổ chức các hội nghị tọa đàm giữa doanh nghiệp, các HTX với nông dân trong liên kết tiêu thụ nông sản, tham gia "Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại tỉnh Sơn La năm 2022" đạt giải Nhất nội dung tạo hình từ trái cây; kết nối, hỗ trợ tiêu thụ trên 5.000 tấn nông sản các loại trong đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thi: Chủ động tham mưu 4 đề án, tạo ra nhiều dấu ấn đột phá - Ảnh 4.

Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, xúc tiến các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp để kết nối đưa sản phẩm của nông dân tiêu thụ tại các hội chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Ảnh: Khương Lực

Thứ bảy:

Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, chi, tổ hội nghề nghiệp có hiệu quả: trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 97 hợp tác xã, 289 tổ hợp tác, 87 mô hình liên kết; 462 tổ hội và 71 chi hội nông dân nghề nghiệp trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và kinh doanh dịch vụ. 

Qua đó đã hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên thông qua việc cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng quy mô hoạt động của kinh tế thành viên góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho nông dân.

Thứ tám:

Tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt nhiều kết quả tích cực: các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; tham gia các hoạt động chỉnh trang nông thôn, tham gia xây dựng "con đường kiểu mẫu", đảm nhận "con đường tự quản"; các chi hội nhận các công trình nạo vét kênh mương, san lấp đường nội đồng để bổ sung vào nguồn quỹ hoạt động. 

Trong nhiệm kỳ, hội viên, nông dân tự nguyện hiến trên 5.000 m2 đất; đóng góp trên 51 tỷ đồng, 5.000 ngày công lao động; sửa chữa, bê tông hóa trên 3.770 km đường giao thông nông, trên 1.000 km kênh mương nội đồng…

Thứ chín: 

Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh: tổng nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân trên 69 tỷ đồng tăng trên 14 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ; phối hợp với Với Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý 979 tổ tiết kiệm và vay vốn với 33.630 thành viên, dư nợ trên 1.863 tỷ đồng tăng 562 tỷ đồng so đầu nhiệm kỳ; với Ngân hàng NNPTNT quản lý 1.096 tổ cho 23.436 hộ vay, dư nợ trên 2.900 tỷ đồng, tăng 473 tỷ đồng so đầu nhiệm kỳ. Quản lý 7 dự án nguồn vốn vay Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm với tổng số tiền 1.960 triệu đồng. Phối hợp với Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông cung ứng được trên 37.000 tấn phân bón trả chậm cho nông dân.

Thứ mười: 

Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: các cấp Hội đã giới thiệu cho Đảng 1.560 hội viên ưu tú để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, số lượng hội viên, nông dân ưu tú ngày càng tăng. Tích cực tham gia các đoàn giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội Nông dân tỉnh tổ chức 8 đoàn giám sát công tác quản lý nhà nước đối với UBND các huyện, thành phố và UBND 35 xã, thị trấn; chủ trì tham mưu tổ chức Hội nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với hơn 200 cán bộ, hội viên nông dân. 

Hội đã tham gia tổ chức 2 hội nghị tiếp xúc, đối thoại của đồng chí Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh với gần 500 cán bộ, hội viên, nông dân. 

Các cấp Hội đã phối hợp tham mưu tổ chức trên 200 cuộc đối thoại người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với cán bộ, hội viên, nông dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn qua đó tạo sự đồng thuận của nông dân với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.

Với những thành tích đã đạt được, nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu nhiệm kỳ 2018-2023, UBND tỉnh nhiều lần biểu dương, khen thưởng.

-Một trong những dấu ấn trong nhiệm kỳ qua là Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động tham mưu và được cấp uỷ, chính quyền tỉnh Bắc Giang tin tưởng giao thực hiện nhiều Đề án quan trọng hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả những Đề án quan trọng?

- Nhiệm kỳ qua, điểm nhấn nổi bật của Hội Nông dân tỉnh là đã tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả 4 đề án liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp, chủ thể thực hiện và thụ hưởng là nông dân, trong đó Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025" là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ, được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ, khẳng định vai trò của các cấp Hội Nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Thảnh quả lớn nhất của các đề án là đã làm thay đổi "tư duy, nếp nghĩ, cách làm" của người nông dân từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp"; tự nguyện tham gia kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Có được kết quả này là do Hội Nông dân tỉnh đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt từ công tác tham mưu xây dựng nội dung đề án đến quá trình triển khai thực hiện, cụ thể:

Thứ nhất, đối với công tác tham mưu xây dựng các đề án, hội bám sát quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh; tình hình thực tế từng lĩnh vực của mỗi đề án và nhu cầu, mong muốn tổ chức lại sản xuất của nông dân trong tỉnh; trong các đề án thì người đối tượng thực hiện và thụ hưởng đều trực tiếp là nông dân.

Thứ hai, trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các đề án phải gắn liền với chương trình, kế hoạch công tác của cấp uỷ và chính quyền địa phương, trong đó hội phải tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo xuyên suốt, liên tục. Hội Nông dân các cấp chủ trì phối hợp với chính quyền thực hiện. Hoạt động tuyên truyền được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hội thi; tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về tình hình triển khai thực hiện các đề án gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị; biên soạn các nội dung trọng tâm của các đề án tuyên truyền trên website của Hội, fanpage, các nhóm zalo.

Thứ ba, trong triển khai thực hiện các đề án, các cấp hội xác định đây là những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, gắn liền với công tác hội và phong trào nông dân; là các chỉ tiêu thi đua chính đánh giá chất lượng hoạt động và thi đua của hội; xác định Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn liền với thực hiện các đề án, chủ thể nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Thứ tư, xác định nhân tố con người quyết định sự thành công và hiệu quả của mỗi đề án. Do đó, cán bộ Hội Nông dân các cấp phải là những chuyên gia, cố vấn, tư vấn trực tiếp cho các chủ thể trong triển khai thực hiện các đề án; quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực, tư duy cho chủ thể.

-Trong 5 năm qua, phong trào " Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tiếp tục lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tỉnh Bắc Giang tham gia. Ông có thể cho biết kết quả và những hiệu ứng tích cực mà phong trào mang lại cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn?

- Đây là phong trào thi đua trọng tâm, xuyên suốt được các cấp hội chỉ đạo triển khai thực hiện bằng nhiều cách làm hiệu quả, lan tỏa sâu rộng trong nông dân tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế theo định hướng quy hoạch, cây, con chủ lực của tỉnh và lợi thế ở từng địa phương; sản xuất theo hướng liên kết,  chuyển từ sản xuất theo số lượng sang chú trọng chất lượng gắn với thị trường, từ sản xuất phân tán sang tập trung, hình thành và mở rộng những vùng sản xuất chuyên canh. 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thi: Chủ động tham mưu 4 đề án, tạo ra nhiều dấu ấn đột phá - Ảnh 5.

Nhờ bán cả vạn quả trứng/ngày cho nhà máy của Công ty Samsung Việt Nam, ông Nguyễn Văn Mùi ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) - nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho trang trại nuôi vịt của mình. Ảnh: Khương Lực

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 104.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; hết năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới quốc gia còn 3,81%; thành lập và duy trì hiệu quả mô hình câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả ra đời, tác động tích cực đến đời sống của người dân địa phương như mô hình chăn nuôi lợn theo hướng nông nghiệp tuần hoàn của ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Mô hình sản xuất khoai tây tại xã Bảo Đài (Lục Nam). 

Mô hình sản xuất khoai tây liên kết của HTX Quang Trung, xã Lan Giới (Tân Yên) cho thu nhập 120 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất rau cần tại xã Hoàng Lương, Hoàng Thanh (Hiệp Hòa) cho thu nhập 490 triệu đồng/ha....

-Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?

- Với tinh thần "Đoàn kết – Dân chủ - Sáng tạo – Hợp tác – Phát triển", các cấp hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đoàn kết tập hợp đông đảo hội viên nông dân; xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phát huy vai trò của hội trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, nhiệm kỳ 2023-2028 Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền vận động, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của hội đến với đông đảo hội viên, nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó chú trọng hình thức đối thoại, tư vấn pháp luật giúp nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đời sống; phát hiện, nhân rộng điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng các sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới.

 Hai là, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hội, tập trung xây dựng, củng cố tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ hội nông dân các cấp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ hội có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ năng lực, am hiểu nông nghiệp, nông thôn, sâu sát nông dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động hội và phong trào nông dân đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành Hội Nông dân các cấp, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Ba là, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động dạy nghề và dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, phát triển các hình thức kinh tế tập thể; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, gắn với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề cho nông dân; tăng cường hướng dẫn xây dựng và duy trì, nâng cao các sản phẩm OCOP; nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị và từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bốn là, thực hiện tốt vai trò đại diện cho giai cấp nông dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát, phản biện xã hội theo quy định; chăm lo đời sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Tham mưu với cấp ủy đảng, phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

-Ông có đề xuất gì với các cấp ủy Đảng, chính quyền để tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp trong tỉnh thực hiện tốt những giải pháp trên?

- Đề nghị cấp uỷ, chính quyền tiếp tục tạo điều kiện cho các cấp Hội Nông dân thực hiện phát triển kinh  nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

-Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem