Cộng đồng người Hoa tưng bừng tổ chức diễu hành nhân ngày Tết Nguyên tiêu

Hoàng Ba Đình Thứ hai, ngày 06/02/2023 08:38 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm dài vắng bóng vì đại dịch Covid-19, ngày 5/2 (tức nhằm ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão), cộng đồng người Hoa tại TP.HCM đã tổ chức lễ Nguyên tiêu rầm rộ hơn bao giờ hết. Trong đó đã có buổi diễu hành nghệ thuật đường phố với 20 đoàn cùng hơn 1.200 diễn viên tham gia.
Bình luận 0

Cúng cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng

Đối với các dân tộc như Hoa, Việt, ngày rằm tháng Giêng (còn gọi là Tết Nguyên tiêu) có một vị trí hết sức quan trọng. Ông La Cường (người Hoa ngụ quận 11) cho rằng: "Tết Nguyên đán là để sum họp gia đình. Còn Tết Nguyên tiêu là để sum vầy với cộng đồng. Thường người Hoa ăn Tết Nguyên tiêu từ mồng 10 cho đến hết tháng Giêng, trong đó cao điểm rơi vào ngày rằm. Trong dịp Nguyên tiêu, đồng bào người Hoa thường đi viếng các chùa, đền, miếu… những mong cầu tài lộc, sức khỏe".

Các trang thiết bị đang được chuẩn bị cho đêm Nguyên Tiêu. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Các trang thiết bị đang được chuẩn bị cho đêm Nguyên tiêu. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

"Người Hoa thường sẽ cầu Phúc Lộc Thọ Khang Ninh. Trong đó, Phúc Lộc Thọ là gì ai cũng biết rồi. Còn Khang tức là sức khỏe, Ninh là an toàn, yên ổn. Trong tất cả 12 ngày rằm trong năm, Rằm tháng Giêng thuộc hàng quan trọng nhất, có lẽ ngang ngửa với Rằm tháng Bảy" – ông La Cường cho biết thêm.

Đoàn diễu hành dài dằng dặc trong ngày Nguyên tiêu

Từ 15h, không khí chuẩn bị đã hết sức khẩn trương. Đạo cụ của các đội lân sư rồng cũng được rục rịch chuyển đến. Các diễn viên tham dự cũng bắt đầu hóa trang, thay y phục. Các kênh mạng xã hội nổi tiếng như Hỷ Khí Dương Dương hay "Cholon Downtown" cũng tập trung đầy đủ nhân sự để chờ quay clip, chụp ảnh, đưa tin về sự kiện này.

Đúng giờ, tất cả các đoàn tập trung về đường Châu Văn Liêm. Địa điểm xuất phát là nhà số 5 Châu Văn Liêm, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu trú trong những ngày sống tại Sài Gòn. Ngoài đường, bà con đứng chật ních 2 bên đường để chào đón đoàn diễu hành.

Người dân dứng chờ đoàn diễu hành Tết Nguyên Tiêu. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Người dân dứng chờ đoàn diễu hành Tết Nguyên tiêu. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Ngồi uể oải chờ đợi, anh Huy Mía (Tân Bình) không khỏi sốt ruột. Anh Trần Nam (quận 10) quay sang trấn an: "Ngồi đó chờ đi. Cứ yên tâm, người Hoa đến đâu náo nhiệt đến đó. Chừng nào nghe thấy tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng phèng la, não bạt… giống tiếng trống múa lân, là biết đoàn diễu hành sắp ngang qua".

Đúng y như lời anh Trần Nam nói, vừa nghe tùng xèng tùng xèng… là đoàn đã đến. Đoàn diễu hành ngoài các đội lân sư rồng, còn có đủ dạng hóa trang theo các nhân vật trong thần thoại Trung Hoa. Điểm danh có thể thấy các nhân vật trong các truyện như: Phúc Lộc Thọ, Thần Tài, Bát tiên quá hải, Ngọc Lộng xuy tiêu, Tiêu Sử thừa long…

Các thiếu nữ xúng xính xiêm y trong ngày diễu hành. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Các thiếu nữ xúng xính xiêm y trong ngày diễu hành. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Quần chúng 2 bên đường lấy điện thoại quay phim, chụp ảnh, livestream… các kiểu. Còn hàng quán gần đó thì chìa ra các bao lì xì đỏ chói, bởi họ quan niệm: "Thần Tài đi ngang nhà thì phải gửi, để có lộc có tài".

Đêm diễn Nguyên tiêu hoành tráng tại Nhà văn hóa quận 5

Điểm cuối cùng của đoàn diễu hành Nguyên tiêu chính là Nhà văn hóa quận 5. Với nhiều người dân, họ lại gọi nơi này bằng cái tên "Đại Thế giới". Trong ngày Nguyên tiêu, Nhà văn hóa quận 5 đã được trang hoàng hết sức lộng lẫy với sân khấu, âm thanh, ánh sáng đầy đủ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh trống khai hội. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh trống khai hội. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Sau phần giới thiệu các đại biểu, quan khách, lần lượt từng đội diễu hành ngang lễ đài để chào bà con. Kèm theo đó là hàng loạt các hoạt động biểu diễn kèm theo. Trong đó, thu hút nhất là phần biểu diễn của các đội lân sư rồng. Các đoàn đã cố gắng thể hiện nhiều tiết mục hết sức kỹ thuật, bắt mắt… khiến khán giả xuýt xoa, trầm trồ.

Một màn trình diễn ngoạn mục của đội lân. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Một màn trình diễn ngoạn mục của đội lân. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Ngoài ra, cũng có biểu diễn thêm các nghệ thuật hát múa, đánh trống, nhạc cụ truyền thống… Có cả những hoạt cảnh như "Ném cẩm tú cầu kén chồng đầu năm". 

Anh Trần Nam cho biết: "Ném tú cầu để kén chồng, coi trong phim Tây du ký có đó. Đoạn mẹ của Đường Tăng ném cho cha của Đường Tăng. Còn ở đây là hoạt cảnh thôi. 2 người ném đều là nam, trong đó có một ông mập như Trư Bát Giới, lỡ ông nào vớ về làm... vợ chắc trốn luôn".

Lễ hội kết thúc trong không khí náo nhiệt, quần chúng tỏa ra khắp nơi. Người đi về, người lại đi viếng đền, chùa… các kiểu để cầu lộc nhân ngày Nguyên tiêu. Những mong lễ hội này luôn được duy trì để phát huy văn hóa truyền thống cùng tình đoàn kết các thành phần dân cư, dân tộc tại địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem