Công nhân mong dịch Covid-19 được khống chế, công việc ổn định, được tăng ca để bù lại thời... khủng hoảng

Chinh Hoàng Chủ nhật, ngày 13/02/2022 16:30 PM (GMT+7)
Sau Tết Nguyên đán, phần lớn công nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã trở lại thành phố làm việc. Chia sẻ với Dân Việt, nhiều công nhân bình dị: Mong dịch bệnh được khống chế, công việc ổn định...
Bình luận 0

Những mong muốn bình dị 

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của các công nhân trên địa bàn TP.HCM. Chính vì thế, khi nhắc đến những mong muốn về công việc của mình đầu năm mới họ đều nói rằng: "Chỉ mong dịch bệnh được khống chế hoàn toàn lúc đó mới an tâm làm việc, chăm lo cho gia đình".

Chị Nguyễn Thị Mận (quê Bình Định, công nhân chuyên mảng in ấn quần áo Công ty Lộc Phát, quận Bình Tân) cho hay: Chị vừa trở lại công ty để làm việc hôm mùng 7/2. Tình hình dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng liền khiến công ty của chị Mận làm ăn thua lỗ. Vậy nên, lương và thưởng Tết chị nhận được vừa qua chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.

Những mong muốn bình dị của nhiều công nhân tại TP.HCM - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Mận cùng chồng của mình đều chung mong muốn: "Dịch bệnh được khống chế, được tăng ca kiếm thêm thu nhập". Ảnh: Chinh Hoàng

Chị Mận kể, trong công ty có 3 chuyền in tổng cộng hơn 60 nhân công. Lúc dịch bệnh bùng phát mạnh công ty chị áp dụng phương pháp "3 tại chỗ", rất vất vả nhưng vì chỉ tiêu nên chị cùng với mọi người ai nấy đều cố gắng hoàn thành công việc được giao. Tuy nhiên, về sau số lượng nhân công trong chuyền bị lây nhiễm chồng chéo nhau buộc lãnh đạo công ty phải đóng cửa tạm thời đến đầu tháng 10/2021 mới hoạt động trở lại.

"Khoảng thời gian trở lại quá ngắn ngủi, chúng tôi chưa kịp định hình công việc, kiểm kê số lượng hàng hóa, thiết bị, vật tư… thì Tết Nguyên đán cận kề. Nói chung, năm 2021 vừa qua dù tôi và chồng có chắt bóp, cần kiệm đến bao nhiêu vẫn không dư nổi".

Chồng của chị Mận, anh Lê Lâm (quê Quảng Nam, công nhân Công ty cơ khí Thành Trung chuyên về Inox, quận Bình Tân) nói rằng: "Nếu không có dịch Covid-19 có lẽ vợ chồng tôi sẽ về quê đón Tết cùng ông bà…".

Anh Lâm cùng chị Mận có 2 con gái hiện đang học trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Lương và thưởng Tết vừa rồi của 2 vợ chồng anh Lâm chỉ đủ để trả những khoản chi tiêu, chi phí sinh hoạt đi học cho 2 con. Vậy nên, vừa qua cả gia đình anh đã quyết định tiếp tục ở lại thành phố đón Tết. 5 năm rồi vợ chồng anh chưa ăn Tết ở quê.

Những mong muốn bình dị của nhiều công nhân tại TP.HCM - Ảnh 3.

Anh Vũ Hải (công nhân Công ty TNHH Cơ điện lạnh Nhật Ánh, quận Bình Tân) mong muốn được tăng ca sau Tết để kiếm thêm thu nhập chăm lo cho gia đình. Ảnh: Chinh Hoàng

Nói về những mong muốn khởi đầu năm mới 2022, anh Lâm bộc bạch: "Tôi chỉ mong dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, tôi được tăng ca và đi nhiều công trình ở các tỉnh để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình".

Tương tự, anh Vũ Hải (công nhân Công ty TNHH Cơ điện lạnh Nhật Ánh, quận Bình Tân) chia sẻ với phóng viên: Ngoài lương tháng 13 (tương đương 3 tháng lương thực lãnh), công ty anh Hải còn thưởng Tết Âm lịch 6 triệu đồng/người; Tết Dương lịch 2,7 triệu đồng/người; lì xì đầu năm 1 triệu đồng/người.

"Đây là mức thưởng lý tưởng đối với người lao động chúng tôi. Mong cho dịch bệnh được khống chế, chúng tôi sẽ cố gắng chung tay, góp sức cùng công ty để hoàn thành kế hoạch mà Ban giám đốc đề ra trong năm mới này", anh Hải bày tỏ.

Ngoài mong muốn khống chế dịch bệnh, anh Hải còn chia sẻ thêm, muốn được tăng ca kiếm thêm thu nhập dể bù lại những ngày dài ngừng việc do dịch bệnh. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn chậm rãi. Công ty anh vẫn chưa đẩy mạnh việc tăng ca, thêm giờ làm phù hợp cho người lao động.

Công nhân mong được hỗ trợ chi phí nhà ở để yên tâm làm việc

Khảo sát của phóng viên tại các khu nhà trọ cho công nhân thuê ở quận Bình Tân, đa phần, những nơi này đều là các khu ẩm thấp, chật chội. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất làm việc họ. Chính vì thế, nhiều người mong muốn được hỗ trợ thêm khoản chi phí thuê nhà để yên tâm làm việc.

Những mong muốn bình dị của nhiều công nhân tại TP.HCM - Ảnh 4.

Chị Cao Thị Bình (công nhân Công ty may mặc Á Hoa, quận Bình Tân) cho biết, chị cùng với những đồng nghiệp của mình mong muốn được hỗ trợ tiền thuê nhà ở. Ảnh: Chinh Hoàng

"Công nhân khi thuê phòng trọ thường không có hợp đồng, nên khi xảy ra các vấn đề ngoài ý muốn, thiệt thòi thường về phía người thuê. Có trường hợp chủ nhà trọ không hài lòng việc gì đó là đuổi ngang không cho thuê", chị Cao Thị Bình (công nhân Công ty may mặc Á Hoa, quận Bình Tân) kể.

Đồng nghiệp với chị Bình, chị Đỗ Vân cho hay, chị cùng chồng đều là công nhân. Tiền thuê nhà là khoản khá lớn khi mức lương của hai vợ chồng chị chỉ ở mức trung bình lại phải nuôi con nhỏ.

Tương tự chị Vân, chị Bình, mong muốn của rất đông người lao động là được tạo điều kiện, hỗ trợ chi phí thuê nhà để không phải thấp thỏm âu lo chuyện bị chủ "đuổi phăng" vì một lý do nào đó.

Gồng gánh nhiều ngày trong mùa dịch Covid-19 hai vợ chồng chị Vân đã khánh kiệt, nợ tiền nhà trong nhiều tháng liền. Được đi làm trở lại chị bảo: "Làm bấy nhiêu thì lo trả nợ tiền nhà, tiền lo cho con đi học... bây giờ mà nói tiết kiệm để dư chút đỉnh là điều không thể".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem