dd/mm/yyyy

Đây là cách chính quyền huyện này ở Lai Châu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP

Phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, các cấp chính quyền huyện Than Uyên, Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích và tạo điều kiện giúp các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nông sản và xây dựng sản phẩm OCOP.

Clip: Huyện Than Uyên, Lai Châu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.

Phát huy tiềm năng, xây dựng sản phẩm OCOP

Xác định mục tiêu của sản phẩm OCOP là gia tăng giá trị cho cộng đồng địa phương, trọng tâm là sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, Phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Than Uyên, Lai Châu đã đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể có sản phẩm tham gia đăng ký, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng trình hội đồng các cấp thẩm định, phê duyệt.

Cùng vào cuộc, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Hướng dẫn chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng phương án kinh doanh, mô hình sản xuất.

Chia sẻ với báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trangtraiviet điện tử, ông Nguyễn Trọng Hưởng, Phó phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết: Những năm qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, huyện Than Uyên đã xây dựng được 30 sản phẩm OCOP.

Đây là cách chính quyền huyện này ở Lai Châu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, các cấp chính quyền huyện Than Uyên, Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích và tạo điều kiện giúp các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: Tuấn Hùng

Rót chén trà mời khách, ông Hưởng cho hay, các sản phẩm sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đều có những chuyển biến tích cực, quy mô được mở rộng, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, thị trường được mở rộng, nhờ đó doanh thu tăng lên rõ rệt; thu nhập của người lao động cũng nhờ đó được nâng cao.

Để có được kết quả như hôm nay, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền huyện Than Uyên, một nguồn lực giữ vai trò quan trọng là chính sách ưu đãi từ Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Lai Châu về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2021 – 2025, sự hỗ trợ từ nghị quyết này đã giúp các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp giảm bớt chi phí, có điều kiện mở rộng sản xuất, xây dựng thành công sản phẩm OCOP.

Thực tế cho thấy, chủ trương xây dựng các sản phẩm OCOP ở huyện Than Uyên không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản còn mở ra thị trường mới, giúp các chủ thể tiếp cận những khách hàng ngoài tỉnh Lai Châu và trong khu vực.

Đây là cách chính quyền huyện này ở Lai Châu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Các sản phẩm OCOP của huyện Than Uyên, Lai Châu được trưng bày, giới thiệu và quảng bá tạo thương hiệu, tăng doanh thu, được nhiều khách hàng ưu chuộng. Ảnh: Tuấn Hùng

Đây là cách chính quyền huyện này ở Lai Châu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay huyện Than Uyên đã xây dựng được 30 sản phẩm OCOP. Ảnh: Tuấn Hùng

Hồ hởi chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hà, khu 4, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên cho biết: Sản phẩm Thịt trâu gác bếp của gia đình tôi sau khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP doanh thu tăng lên rõ rệt, cao gấp 3 – 4 lần. Chúng tôi có nhiều đơn hàng hơn, sản phẩm của gia đình được nhiều khách hàng biết đến thông qua việc tham gia quảng bá, giới thiệu tại các sàn thương mại, hội chợ xúc tiến và giới thiệu sản phẩm.

Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP gia đình tôi cũng được hỗ trợ hoàn thiện bao bì, hộp đựng sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác…

Nhiều giải pháp xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP

Qua câu chuyện với ông Nguyễn Trọng Hưởng, Phó phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Than Uyên, chúng tôi hiểu hơn về những giải pháp được huyện Than Uyên triển khai nhằm đồng hành với các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm OCOP. Công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, hiệu quả của chương trình được huyện thường xuyên tổ chức tại 12 xã, thị trấn với nhiều hình thức phong phú thông qua các cuộc họp, hệ thống loa phát thanh và lồng ghép vào các hội nghị.

Đây là cách chính quyền huyện này ở Lai Châu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Các sản phẩm OCOP của huyện Than Uyên, Lai Châu được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ, sàn thương mại... Ảnh: Tuấn Hùng

Mặt khác, huyện chú trọng ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới, nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản tại địa phương; trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, ngày hội văn hóa, sự kiện của tỉnh, huyện. Quan tâm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; chuẩn hóa sản phẩm thông qua đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn mác; thiết kế website; truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện bao bì, đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện Than Uyên có mặt tại một số thị trường trọng điểm trong và ngoài khu vực. Từ đó, giúp các đơn vị có lượng hàng tiêu thụ nhiều nhất, mang lại giá trị kinh tế cũng như thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm. Trong đó, nổi bật có sản phẩm Gạo đặc sản Séng cù Than Uyên, Thịt trâu sấy Thiết Hà, Mật Ong Thanh Xuân, Thịt trâu sấy Tùng Dương...

Đây là cách chính quyền huyện này ở Lai Châu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Các cơ quan chuyên môn của huyện Than Uyên, Lai Châu rất chú trọng trợ giúp các hợp tác xã, hộ sản xuất, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Tuấn Hùng

Thông qua hoạt động của các sự kiện đã giới thiệu, quảng bá, kết nối giữa các sản phẩm nông sản, OCOP của huyện đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Lai Châu, qua đó tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tìm kiếm đối tác hợp tác liên doanh liên kết phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Hưởng, Phó phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn huyện Than Uyên có 26 sản phẩm được UBND tỉnh Lai Châu công nhận OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 15 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao). Năm 2022, huyện Than Uyên đã thực hiện hỗ trợ cho 9 sản phẩm OCOP của 5 chủ thể.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận tiếp tục duy trì đạt sản lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đây là cách chính quyền huyện này ở Lai Châu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 7.

Chính sách ưu đãi từ Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Lai Châu về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2021 – 2025, đã và đang giúp các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp giảm bớt chi phí, có điều kiện mở rộng sản xuất, xây dựng thành công sản phẩm OCOP. Ảnh: Tuấn Hùng

Doanh thu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất kinh doanh tăng 5% - 10% so với trước khi được chứng nhận OCOP. Doanh số tăng đã làm gia tăng giá trị, sản lượng sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của các địa phương tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo về chất lượng, tăng thu nhập cho người lao động, phát triển vùng nguyên liệu và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tuấn Hùng