10.800 sản phẩm OCOP là cả hơn mười nghìn câu chuyện được kể về giá trị bản địa

Quốc Hải Thứ tư, ngày 15/11/2023 18:20 PM (GMT+7)
Từ tháng 3/2023 đến nay, đã có 10.800 sản phẩm OCOP (tức theo Chương trình Mỗi làng một sản phẩm) của Việt Nam được livestream trên nền tảng TikTok Shop và đã có từng ấy câu chuyện được kể về giá trị bản địa, quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NNPTNT) đã chia sẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2023 do Sở Công Thương TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và VCCI Cần Thơ tổ chức, khai mạc chiều 15/11, tại TP.HCM.

10.800 sản phẩm OCOP là từng ấy câu chuyện được kể về giá trị bản địa - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM quan tâm đến các sản phẩm OCOP của các vùng miền. Ảnh: T.Quỳnh

Theo ông Tiến, đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của thế giới và cả người Việt với nền tảng số. Tuy nhiên, khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đối với nông sản, các sản phẩm OCOP đã gặp những hạn chế về năng lực và khả năng tài chính, chẳng hạn như cạnh tranh về giá, các chương trình khuyến mại...

Để giải quyết vấn đề này, tháng 4/2022 TikTok Shop được cấp giấy phép ở Việt Nam, đến tháng 3/2023, Trung tâm ký hợp tác để có thể trợ giúp hiệu quả cho các chủ thể nhỏ, kết nối thẳng đến người tiêu dùng mà không cần trung gian. 

Kể từ đó đến nay, 10.800 sản phẩm OCOP của Việt Nam được livestream trên nền tảng TikTok Shop đã kể 10.800 câu chuyện về giá trị bản địa, quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và được người tiêu dùng tiếp cận đặt hàng trực tiếp.

"Tôi muốn nhấn mạnh đến việc lần đầu tiên những chủ thể OCOP, những người nông dân, qua kênh livestream đã biết không chỉ sản phẩm, mà còn biết kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất sứ và đặc biệt là bán cảm xúc, bán niềm đam mê, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đã cùng 24 địa phương trong nước tổ chức livestream phiên chợ OCOP vào thứ Bảy hàng tuần. Đến nay, các bên đã tổ chức 700 phiên livestream sản phẩm nông nghiệp với hơn 300 triệu lượt xem, có tổng doanh thu 100 tỷ đồng. 

"Định hướng của Trung tâm là không chỉ mời các người nổi tiếng livestream mà chọn ra 10-15 chủ thể OCOP, để đào tạo trở thành những người livestream bán hàng, chính thức mở kênh bán sản phẩm của mình", ông Tiến chia sẻ.

"Hiện tại đã có nhiều bạn thành công như bạn Đại ở Bắc Kan, bạn Thảo ở Lâm Đồng, Hoa ở Phú Thọ… Khi bắt đầu lên kênh chỉ vài chục, vài trăm lượng xem, nay đã có lượng xem 1.500 đến 2.000. Giá trị doanh số lúc đầu 30-40 triệu đồng nay đã lên tới 150-200 triệu đồng, thậm chí có bạn lên đến 300-500 triệu đồng. Đó chính là các hạt giống chúng tôi đang gieo tại các địa phương", ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nói.

Đặc biệt, theo ông Tiến, hiện nay phát triển thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội cho phép các chủ thể, người bán tương tác trực tiếp với người mua. 

"Chủ thể ngoài doanh thu còn tiếp nhận được rất nhiều phản hồi của người mua, từ đó tiếp tục chuyển mình, nâng cấp về mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, hệ sinh thái sản phẩm, phân khúc được thị trường", ông Tiến nói thêm.

10.800 sản phẩm OCOP là từng ấy câu chuyện được kể về giá trị bản địa - Ảnh 3.

TP.HCM sẽ tăng cường hơn nữa mối liên hệ hợp tác với các tỉnh, thành ĐBSCL sau Mekong Connect 2023

Bạn trẻ Nguyễn Thị Thu Hà – Hana Ban Mê – cô gái "rời phố về quê" lập nghiệp, sở hữu kênh bán hàng "triệu view" thì cho hay, bản thân về quê lập nghiệp với xuất điểm bằng 0, không vốn, không kinh nghiệm, trong tay chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại và chiếc áo của bố khi đi rẫy. Đó là những thứ theo tôi đến bây giờ. 

"Khi đó, tôi chỉ đơn giản đi rẫy và quay và chia sẻ những câu chuyện của bố mẹ con khi làm rẫy, nhưng không ngờ câu chuyện của mình lại thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người xem, đến nay kênh của tôi đã có hơn 1,5 triệu views. Từ đó tôi thấy cơ hội để quảng bá, câu chuyện không chỉ sản phẩm của bố mẹ mà của bà con địa phương cho người xem khắp mọi miền tổ quốc, và các sản phẩm của chúng tôi được mọi người ủng hộ nhiệt tình", Thu Hà tâm sự.

Ông Trần Lâm, Ambassador (đại sứ) của sàn TMĐT Lazada nhận định, các dự án khi mới khởi nghiệp thường nguồn vốn có giới hạn nên kênh TMĐT sẽ là nơi phù hợp để kiểm tra thị trường, cũng như giảm các chi phí vận hành và tồn tại tìm hướng phát triển. 

"Các dự án khởi nghiệp thường mới nên có độ linh động cao, sẽ là cơ hội tuyệt vời nếu biết tiếp cận đúng để có thể tồn tại và phát triển vượt bậc trên sàn TMĐT", ông Lâm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem