Đối thủ mới của đại gia bán lẻ Bách Hóa Xanh, WinMart, Co.opmart...

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 09/12/2021 13:19 PM (GMT+7)
Tiki, Lazada, Shopee… đang là những đối thủ đáng gờm của ngành bán lẻ tại TP.HCM, khi các hệ thống này đang ngày càng mở rộng ngành hàng thực phẩm, hàng thiết yếu và đồ gia dụng.
Bình luận 0

Trong khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch mua hàng từ chợ truyền thống sang các cửa hàng thực phẩm, siêu thị hậu giãn cách xã hội thì các đại gia bán lẻ cũng đang gặp một đối thủ đáng gờm khác, đó là các sàn thương mại điện tử.

Thương mại điện tử mở rộng hàng thiết yếu, thực phẩm

Nhu cầu thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu gần như được nhắc đến nhiều nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP.HCM. Các kênh thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Vỏ Sò đều được người dùng tìm đến để mua hàng trong lúc siêu thị bị tắc nghẽn đơn.

Khi TP.HCM "mở cửa", các sàn thương mại điện tử vẫn tiếp tục vận hành và mở rộng các gian hàng thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu. Thậm chí, các sàn còn tung rất nhiều ưu đãi, mã giảm giá, miễn phí giao hàng để lôi kéo khách hàng trong lúc họ có quá nhiều kênh mua sắm.

Đối thủ mới của đại gia bán lẻ Bách Hóa Xanh, VinMart, Co.opmart - Ảnh 1.

Các sàn thương mại điện tử đang mở rộng nhóm hàng thiết yếu, thực phẩm. Ảnh: Hồng Phúc.

Đại diện Shopee cho biết sự kiện siêu sale ngày 11/11 vừa qua, trung tâm mua sắm hàng bách hóa và nhu yếu phẩm trên sàn với nhiều mặt hàng có mức giá tốt nhất cho người dùng rất được ưa chuộng. 

Thống kê cho thấy, khách ưu tiên chọn mua các sản phẩm bách hóa phổ biến như nước giặt, bánh bích quy và sữa tắm.

Cuối năm cũng là dịp các sàn như Shopee, Lazada, Tiki đẩy mạnh mặt hàng này, khi nhu cầu dọn dẹp, tân trang nhà cửa tăng cao.

Hay tại Tiki, mảng thực phẩm tươi sống vẫn đang được doanh nghiệp rất đầu tư sau đợt dịch Covid-19. Khảo sát cho thấy các mặt hàng tươi sống như rau củ quả đang ngày càng đa dạng hơn, có thêm nhiều nhà cung cấp hơn, phủ rộng hơn không chỉ tập trung vào thị trường TP.HCM và đặc biệt có thêm nhiều mã giảm giá hơn cho khách hàng.

CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn đánh giá hành vi của khách hàng thay đổi rất nhiều trong đợt dịch, thay đổi chóng mặt nhất chính là nhu cầu hàng tươi sống trên các sàn thương mại điện tử.

Đối thủ mới của đại gia bán lẻ Bách Hóa Xanh, VinMart, Co.opmart - Ảnh 3.

Hàng tươi sống trên sàn thương mại điện tử Tiki đa dạng, giá cạnh tranh so với siêu thị. Ảnh chụp màn hình.

Ông nói thêm, ngay khi có Covid-19, Tiki cũng như các sàn đều chuẩn bị bán hàng tươi sống, đợt giãn cách thứ ba là đã vận hành nhưng phải đến đợt dịch thứ tư này thì mới hoạt động trơn tru.

"Một số ngành mất rất lâu để chuyển dịch như hàng tươi sống, thậm chí 10 năm nữa chưa chắc làm được nhưng tất cả đã thay đổi vì dịch", CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn nói.

Ông cũng cho rằng tại Việt Nam, bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm 25%, 75% vẫn thuộc về bán lẻ truyền thống là chợ, tiệm tạp hóa. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này đã nhanh và rõ ràng hơn nhiều khi có Covid-19, bởi trước đây cho dù 10 năm hay thậm chí lâu hơn cũng khó có sự chuyển đổi rõ rệt.

Hàng hóa đa dạng, giao nhanh là lợi thế

Không khó để thấy nhiều nhà cung cấp từ lớn đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng xuất hiện nhiều trên các sàn thương mại điện tử. 

Đại diện các sàn cho biết đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh, nông dân, hợp tác xã ở các tỉnh, thành bán hàng qua kênh này.

Đối thủ mới của đại gia bán lẻ Bách Hóa Xanh, VinMart, Co.opmart - Ảnh 4.

Hậu giãn cách, nhiều nhà bán lẻ mới còn tích hợp cả mua sắm trực tuyến, nhận hàng trực tiếp. Ảnh: Hồng Phúc.

Tại ngày hội kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2021 vừa diễn ra đầu tháng 12, một loạt sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Lazada cũng đã tổ chức các gian hàng, sự kiện để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng tham gia sàn thương mại điện tử, mở rộng kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho hay mới đây, đã tổ chức cho hàng trăm doanh nghiệp đã tham gia các khóa đào tạo do Shopee tổ chức nhằm hướng dẫn chi tiết về cách thức quản lý gian hàng cũng như phương thức gia tăng tương tác với người dùng.

"Hiện nay, Shopee đang có chương trình Shopee Farm, chúng tôi làm việc sát với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Công Thương để giúp người nông dân, hợp tác xã tiếp cận khách hàng trên Shopee. Chúng tôi đang hỗ trợ và huấn luyện cho nông để họ hiểu hơn hình thức bán hàng và công cụ này", ông Tuấn Anh nói.

Không chỉ đa dạng nhà cung cấp để làm phong phú mặt hàng kinh doanh, các sàn thương mại điện tử cũng đang đầu tư hơn cho việc giao nhận, rút ngắn thời gian giao đối với các mặt hàng tươi sống, hàng thiết yếu để vừa đáp ứng nhu cầu của khách, vừa cạnh tranh kênh siêu thị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem