Dự án đường trên cao ở TP.HCM với hơn 15.000 tỷ đồng được đề xuất triển khai giai đoạn 2024 - 2030

Vũ Quyền Thứ tư, ngày 27/12/2023 16:05 PM (GMT+7)
Đầu tư xây dựng đường trên cao số 5, đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương ở TP.HCM có chiều dài 21,5km, rộng 31,5m, quy mô 4 làn xe được đề xuất triển khai trong giai đoạn 2024 - 2030.
Bình luận 0

Trong tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc ban hành kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình trọng điểm, chiến lược ngành giao thông vận tải tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2030, Sở GTVT TP đã đề xuất ưu tiên đầu tư 59 dự án.

Trong đó, duy nhất một dự án đường trên cao được đề xuất là dự án đầu tư xây dựng đường trên cao số 5, đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương.

Theo tờ trình, dự án có điểm đầu từ nút giao trạm 2 trên Xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức) đi trùng quốc lộ 1 đến ngã tư An Sương (quận 12), chiều dài 21,5km, rộng 31,5m, quy mô 4 làn xe. Tổng vốn đầu tư dự kiến 15.400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 2024 - 2030.

Dự án đường trên cao ở TP.HCM với hơn 15.000 tỷ đồng được đề xuất triển khai giai đoạn 2024 - 2030 - Ảnh 1.

Phối cảnh đường trên cao theo trục Bắc - Nam khi hoàn thành. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM đề xuất thực hiện theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

Theo tìm hiểu, TP.HCM được quy hoạch 5 tuyến đường trên cao dài 71 km, tổng mức đầu tư hơn 89.000 tỷ đồng. Trong đó, toàn tuyến trên cao số 5 của TP.HCM dài 34km, quy mô mặt cắt ngang là 31,5m, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức) đến nút giao An Lạc (quận Bình Tân).

Tuyến đường trên cao này gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ nút giao Trạm 2 đến An Sương dài khoảng 21,5km, mức đầu tư hơn 15.400 tỷ đồng.

Khoảng đầu năm 2021, Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO đã đề xuất tự bỏ kinh phí nghiên cứu đầu tư dự án theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Sau đó, ngày 25/6/2021 UBND TP.HCM đã có văn bản số 2124/UBND-DA chỉ đạo chấp thuận giao Công ty IDICO nghiên cứu lập đề xuất dự án theo hình thức PPP (hợp đồng BOT).

Trong buổi chất vấn của HĐND TP.HCM, ngày 11/7/2023, Giám đốc Sở GTVT TP. Trần Quang Lâm cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TP phải xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài gần 71km.

Trước đây, TP cũng đã tổ chức kêu gọi đầu tư các tuyến đường trên cao và có một số nhà đầu tư quan tâm, tổ chức nghiên cứu, nhưng các tuyến đường trên cao tổng mức đầu tư rất lớn, nhất là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, TP phải cần rà soát lại để xem xét tính cấp thiết, khả năng cân đối vốn so với các dự án khác trên địa bàn. Từ đó đề xuất thời điểm đầu tư thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem