Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM (bài 3): Những ngã rẽ vì dịch Covid-19

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 18/11/2021 07:00 AM (GMT+7)
Thời gian đầu khi trường mầm non tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, để có tiền trang trải cuộc sống nhiều giáo viên mầm non đã phải tìm công việc khác. Lâu dần, họ quen với công việc mới và không còn mặn mà với nghề giữ trẻ.
Bình luận 0

Trở thành "con buôn" chính hiệu

Trao đổi với Dân Việt, T.N (27 tuổi) cho biết, sau mấy tháng thất nghiệp về quê tránh dịch Covid-19, giờ N đã trở thành "con buôn" chính hiệu.

N kể, trước đây là giáo viên mầm non tư thục ở quận Tân Phú. Với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, hai mẹ con N vun vén thì cũng đủ trang trải cuộc sống.

 

Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM (Bài 3): Những ngã rẽ vì Covid-19 - Ảnh 1.

T.N đang lựa bơ để gửi cho khách. Ảnh: NVCC

Đầu tháng 5/2021, sau khi các trường mầm non phải đóng cửa, mẹ con chị ráng bám trụ lại TP.HCM để chờ dịch ổn để đi làm lại. Thế mà dịch Covid-19 ngày càng tăng, số tiền tích cóp cạn dần, N buộc phải trả phòng trọ, khăn gói cùng con về huyện Krông Bông (Đak Nông) để sinh sống.

Lúc đầu, thâm tâm N vẫn nghĩ sẽ đợi dịch Covid-19 ổn định để vào TP.HCM tiếp tục làm giáo viên mầm non. Nhưng để có thu nhập lo cho hai mẹ con vì không muốn dựa dẫm vào cha mẹ già, chị bắt tay vào buôn bán các loại trái cây như sầu riêng, bơ… Cũng từ đó, ý định trở lại TP.HCM để làm việc cũng dần thay đổi.

"Vì lấy trái cây ngay tại vườn nên giá cả mềm hơn so với thị trường, đồng thời được bạn bè, phụ huynh ủng hộ, việc buôn bán của tôi khá thuận lợi. Mỗi nghề đều có cái vất vả riêng, nhưng làm công việc này tôi được ở gần gia đình, có thời gian chăm sóc con hơn là làm nghề cũ… Làm mấy tháng mà quen luôn, giờ không còn muốn vào thành phố đi dạy trở lại nữa. Dù vậy, nhiều khi ngồi suy nghĩ cũng thấy buồn, thấy tiếc và nhớ nghề giữ trẻ của mình", T.N nói.


Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM (Bài 3): Những ngã rẽ vì Covid-19 - Ảnh 2.

Chỉ khoảng 4 tháng đổi qua nghề bán trái cây, T.N cho biết mình trở thành "con buôn" chính hiệu. Ảnh: NVCC

Tương tự, H.T (26 tuổi, đồng nghiệp của T.N) cũng thành thạo việc bán hàng online sau nhiều tháng giãn cách.

T. cho biết, hiện chị đang bán hàng online các sản phẩm cho trẻ em như đồ chơi, ba lô, các loại xe… và nhiều sản phẩm gia dụng. 

Cũng như nhiều người khác, ban đầu công việc này với T chỉ để lấp chỗ trống trong thời gian chờ trường mầm non mở cửa, nhưng cuối cùng lại trở thành lựa chọn cho những ngày tháng tiếp theo.

"Tôi suy nghĩ khá nhiều và quyết định sẽ nghỉ dạy mầm non để tập trung kinh doanh. Dù rất yêu nghề, rất đam mê nhưng cũng đành buông tay. Tôi chỉ sợ nhiều trường mầm non sẽ thiếu giáo viên khi trở lại hoạt động, bởi vì rất nhiều người trong chúng tôi đã dần quen với một công việc mới, có thể sẽ đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn nên không còn mặn mà với nghề giữ trẻ", chị thở dài.

Ngã rẽ… từ dịch Covid-19

Trải qua khoảng thời gian dài "chiến đấu" với dịch Covid-19, hầu hết tất cả các ngành nghề tại TP.HCM đã được hoạt động trở lại. Nhưng trường mầm non, giáo viên mầm non thì vẫn mòn mỏi trông chờ, chẳng biết ngày nào được đến lớp.

Suốt 6 tháng dài đằng đẵng ấy, để lo cho cuộc sống của mình, giáo viên mầm non phải loay hoay đủ các công việc khác nhau. Có những người làm việc trong tâm thế chờ đợi, nhưng không ít người quyết định rẽ qua một hướng khác - chia tay nghề giữ trẻ.


Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM (Bài 3): Những ngã rẽ vì Covid-19 - Ảnh 3.

Nhiều giáo viên mầm non chuyển hướng sang ngành nghề khác trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Quỳnh

T.K (28 tuổi, giáo viên mầm non tại quận 1) cho biết, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, chị đã xin được một công việc văn phòng tại công ty bất động sản. Dù rất lưu luyến nghề giữ trẻ của mình, nhưng K buộc phải "chia tay" để ổn định cuộc sống.

"Đi làm những ngành nghề khác mới biết nghề giáo viên mầm non vất vả đến nhường nào – nhất là đối với giáo viên mầm non tư thục. Khi dịch bùng phát, giáo viên công lập còn được hỗ trợ chứ giáo viên mầm non tư thục không có khoản nào cả.

Tôi quyết định xin qua làm văn phòng, mức lương ban đầu tương đương lương giáo viên mầm non nhưng thời gian ít hơn, được nghỉ buổi trưa. Vẫn biết mỗi nghề một đặc thù riêng, nhưng giáo viên mầm non vô cùng vất vả", chị T tâm sự.


Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM (Bài 3): Những ngã rẽ vì Covid-19 - Ảnh 4.

Từ bỏ nghề giáo viên mầm non, cô N.D cho biết sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tương tự, N.D (30 tuổi, quận 12) cũng đưa ra quyết định sẽ từ bỏ nghề giáo viên mầm non, ở nhà để kinh doanh nước uống giải khát với chồng và chăm sóc các con.

Chị D cho biết, trước đây khi làm giáo viên mầm non, sáng 6h đã phải có mặt ở trường, tối cũng 6h mới về đến nhà. Thời gian bỏ ra thì nhiều, vất vả, nhưng thu nhập lại không cao. Ngoài ra, thời điểm nghỉ dịch Covid-19 cũng không nhận được khoản hỗ trợ nào để trang trải cuộc sống, nên khó khăn chồng chất. Trong thời gian này, D phụ chồng buôn bán rồi mạnh dạn quyết định đổi nghề luôn.

"Đúng là từ bỏ nghề nghiệp mà mình yêu thích và gắn bó nhiều năm thật sự rất khó. Tôi cứ đắn đo, suy tính mãi rồi mới quyết định. Mặc dù đang nghỉ dịch không được đến trường, nhưng khi tự quyết định chuyển qua công việc khác tôi cũng bần thần, nhớ nhung... Chỉ mong những giáo viên khác "cầm cự" được, vượt qua thời gian khó khăn này để trở lại công việc", D chia sẻ.

Ngày 15/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xây dựng dự thảo nghị quyết về hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập trình Chính phủ trên tinh thần ưu tiên cho giáo dục nhưng phải bảo đảm cân đối, hài hòa với các đối tượng khó khăn khác; khuyến khích người lao động trong các cơ sở mầm non ngoài công lập tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh Covid-19, nhất là cấp học giáo dục mầm non. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có doanh thu trong thời gian dài do không có nguồn thu từ học phí, trong khi đó vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, mặt bằng, hỗ trợ chi trả tiền lương cho nhân viên trực trường, một phần lương cho giáo viên để ổn định cuộc sống và giữ chân khi mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thể trả lương cho người lao động. Điều đó dẫn đến đời sống giáo viên khó khăn, họ phải chuyển sang các công việc khác. Các trường mầm non tư thục cũng đứng trước nguy cơ thiếu giáo viên sau khi hoạt động trở lại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem