Giới trẻ ngày càng "nghiện" Tiktok: Chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên "vàng"

Khải Phạm Thứ năm, ngày 21/07/2022 06:13 AM (GMT+7)
Mỗi độ tuổi, trẻ em sẽ bị giới hạn thời gian sử dụng điện thoại, thiết bị công nghệ, mạng xã hội nhằm cân bằng sự phát triển.
Bình luận 0

Trẻ em ngày càng nghiện mạng xã hội TikTok

Ngày nay, khi công nghệ phát triển, giới trẻ ngày càng lệ thuộc vào điện thoại, các thiết bị thông minh để sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo... Đặc biệt, so với những mạng xã hội trên, TikTok đang là một trong những ứng dụng gây nghiện nhất cho người dùng.

Trên không gian TikTok, người dùng sẽ được cung cấp nhiều video với nội dung ngắn, thông tin chọn lọc và hữu ích nhất định trong lĩnh vực. Tuy nhiên, mặt trái là TikTok vẫn chưa kiểm soát được hết những nội dung đăng tải trên nền tảng của mình nên vẫn còn những video với nội dung độc hại với giới trẻ, đặc biệt trẻ em, những người chưa tự biết chọn lọc nội dung.

Chuyên gia cảnh báo thời gian sử dụng TikTok mạng xã hội theo từng độ tuổi - Ảnh 1.

Trẻ em ngày càng nghiện mạng xã hội, đặc biệt TikTok. Ảnh KP.

Chị Nguyễn Huệ, có con thường xuyên dùng TikTok chia sẻ: "Trước đây, thời chúng tôi không có điện thoại thông minh, mạng xã hội như hiện nay nên phát triển rất tự nhiên. Tuy nhiên, giờ đây con tôi dù mới được 4 tuổi, nhưng do chiều từ nhỏ nên cho sử dụng điện thoại quá sớm, ngày càng khó rời xa điện thoại. Mỗi khi muốn con ăn hoặc ngồi im để bố mẹ làm việc, tôi thường cho con xe điện thoại. Việc này tạo thành thói quen cho con, thực ra nó ăn nhưng không cảm nhận được vị ngon. Bây giờ, con tôi đã sử dụng điện thoại thường xuyên được hơn 2 năm và ngày càng khó rời xa, đặc biệt thường xuyên xem TikTok và học theo trend ở trên đó, toàn nội dung nhảm nhí, không phù hợp với lứa tuổi".

Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020-2021 (chiếm hơn 70% dân số). Trung bình, mỗi ngày, người Việt dành tới gần 6,3 giờ để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet. Thời gian này đã tăng đến gần 6 lần so với giai đoạn trước năm 2020. Trong đó, 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Chuyên gia tâm lý: "TikTok hướng đến giới trẻ, thanh thiếu niên với nhu cầu học bằng hình ảnh với thời lượng ngắn, những video mới, sinh động. Khi dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội như TikTok sẽ khiến giới trẻ đánh mất thời gian dành cho cuộc sống thực. Ở cuộc sống thực, đương nhiên không thể sử dụng kỹ năng trên không gian mạng”.

Điều đó cho thấy, giới trẻ ngày càng nghiện TikTok và nguy hiểm hơn khi đối tượng sử dụng mạng xã hội này là những trẻ em, những người không biết chọn lọc nội dung khi xem những video trên nền tảng mạng xã hội này.

Chuyên gia cảnh báo thời gian sử dụng TikTok mạng xã hội theo từng độ tuổi. Video KP.

Chuyên gia cảnh báo thời gian sử dụng TikTok theo độ tuổi

Hiện nay, trẻ em là bộ phận không nhỏ tham gia sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Tuy nhiên, phụ huynh lại chưa có biện pháp để giáo dục con cái giúp chúng dần rời xã mạng xã video ngắn phổ biến nhất hiện nay.

“Khi đã nghiện mạng xã hội như TikTok, việc tách những cá nhân ấy không sử dụng nữa sẽ dẫn đến sự ấm ức cao độ, trẻ sẽ có những hành vi hung hăng với những người xung quanh. Đấy là hệ quả của việc quá nghiện TikTok nhưng lại bị tách ra dẫn đến hành vi hung hăng, tấn công người khác”, Tiến sĩ Thành Nam phân tích tâm lý trẻ.

Việc phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội sẽ khiến trẻ thiếu kỹ năng sống thực tế và việc hạn chế thời gian sử dụng điện thoại là yếu tố cần thiết để trẻ phát triển toàn diện.

Theo chuyên gia tâm lý Thành Nam, mỗi độ tuổi, phụ huynh sẽ cần giới hạn thời gian xem các thiết bị điện tử, mạng xã hội cho con mình.

"Trẻ em từ 6 tuổi trở xuống, về cơ bản sẽ không cho tiếp cận với thiết bị điện tử, màn hình hay mạng xã hội. Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển như hiện nay, việc không cho tiếp cận là bất khả thi. Chính vì vậy, các phụ huynh nên giới hạn thời gian xem tối đa 2 giờ/ngày cho con mình. Từ 13 tuổi trở lên, đứa trẻ có quyền truy cập và thành lập các tài khoản mạng xã hội thì thời gian có thể tăng lên. Theo đó, độ tuổi từ 10 - 18 tuổi, thời gian trung bình có thể tăng lên, nhưng không được quá 6 giờ/ngày, đó là tiêu chuẩn cứng.

Trong khi đó, với người từ đủ 18 tuổi trở lên, khi người đó đã trưởng thành sẽ không có tiêu chuẩn giới hạn. Khi đó, người dùng còn phân phối thời gian sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội tùy thuộc vào tính chất công việc cá nhân. Có những người chọn công việc liên quan đến máy tính với thời gian khác nhau thì có thể tự điều phối cho phù hợp".

Như vậy, có thể thấy, trước khi mạng xã hội điều chỉnh những nội dung phù hợp, các bậc phụ huynh hãy tự đưa ra những phương án nhằm hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội của con em mình. Đơn giản, mạng xã hội luôn ưu tiên lợi nhuận, còn việc điều chỉnh nội dung nhằm bảo vệ người dùng, nhất là trẻ em là điều không tưởng và khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn hạn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem