Làm đặc sản, sản phẩm OCOP bền vững, nông dân Sài Gòn làm giàu

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 10/09/2023 09:42 AM (GMT+7)
Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) gắn với xây dựng nông thôn mới được nhiều nông dân TP.HCM kỳ vọng sẽ phát triển bền vững. Để làm được điều này, công tác truyền thông cần được thực hiện mạnh mẽ hơn để người tiêu dùng biết, hiểu và sẵn sàng chi cho sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

TP.HCM hiện có 66 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao và 1 sản phẩm đang được đề xuất T.Ư công nhận OCOP 5 sao. Chương trình OCOP được xác định gắn chặt với chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững kinh tế khu vực nông thôn.

Để OCOP phát triển bền vững

Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu tại huyện Hóc Môn của ông Nguyễn Ngọc Luận mới đây được UBND TP.HCM trao chứng nhận đạt OCOP 4 sao cho 5 sản phẩm: Cà phê hòa tan 4in1 Meet More vị khoai môn, vị dừa, vị bạc hà, vị nhàu và vị đậu xanh. Ông Luận và 20 công nhân những ngày này tất bật tại nhà xưởng để hoàn thành đơn hàng, kịp giao cho khách. Sản phẩm của công ty hiện đã đi khắp các hệ thống siêu thị và được xuất khẩu sang hơn 10 nước.

Giúp OCOP bền vững, nông dân làm giàu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Luận và công nhân sản xuất cà phê nông sản Meet More đạt OCOP 4 sao. Ảnh: H.P

Đi quảng bá, xúc tiến thương mại nhiều nơi, ông Luận nhận thấy người tiêu dùng vẫn chưa biết rõ sản phẩm OCOP là gì. Điều này khiến họ khó bỏ một chi phí lớn hơn chọn mua sản phẩm có gắn nhãn OCOP. Ngoài ra, sản phẩm OCOP vẫn phải chung kệ với nhiều sản phẩm khác tại siêu thị, chưa có sự ưu tiên nhất định để quảng bá đặc sản địa phương.

"Chúng ta nên bắt đầu có lộ trình truyền thông cho Chương trình OCOP. Chương trình tập trung truyền thông về hiệu quả chương trình để doanh nghiệp đầu tư, chú trọng chất lượng sản phẩm. Song song đó, truyền thông tập trung vào người tiêu dùng để người tiêu dùng biết, hiểu và ưu tiên, sẵn sàng mua sản phẩm OCOP" - ông Luận nói.

Ông Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam (huyện Cần Giờ) đang sở hữu hai sản phẩm OCOP 4 sao là mật dừa nước tinh chất và mật dừa nước cô đặc, cũng có cùng quan điểm là chương trình OCOP, sản phẩm OCOP cần được truyền thông mạnh mẽ hơn. Đó là lý do kể từ khi sản phẩm được công nhận OCOP năm 2021, ông thường xuyên có mặt tại hầu khắp các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại TP.HCM để quảng bá, chào hàng.

Hỗ trợ gì cho OCOP?

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết khi triển khai Chương trình OCOP, TP.HCM xác định đi chậm mà chắc, tránh phát triển ồ ạt để hỗ trợ các sản phẩm phát triển theo hướng bền vững.

"Thành phố sẽ tập trung phát triển sản phẩm có thế mạnh, sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề có giá trị, đặc biệt có ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu vốn là thế mạnh của thành phố tham gia vào Chương trình OCOP" - ông Hiệp nói.

Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi chục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết, Chương trình OCOP được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế tại các huyện nông thôn mới, theo hướng phát huy tiềm năng, giá trị nội lực của địa phương. Theo bà Mai, Quyết định 1943 của UBND TP.HCM phê duyệt Chương trình OCOP xác định thành phố sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ chủ thể sản xuất OCOP, trong đó có giới thiệu, xúc tiến thương mại, đầu tư sản xuất… Các chương trình hỗ trợ này đang được các sở ngành của TP.HCM liên tục triển khai và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem