Làm OCOP cà phê nông sản có 1-0-2, ông Việt kiều Úc bán khắp thế giới, qua Mỹ, Hàn Quốc ai cũng khen

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 03/09/2023 07:20 AM (GMT+7)
Nói bán "khắp thế giới" có hơi quá lời nhưng cà phê nông sản thương hiệu Meet More đạt OCOP 4 sao của ông Nguyễn Ngọc Luận đã xuất khẩu sang hơn chục nước trên thế giới. Đây là những sản phẩm OCOP mới nhất của TP.HCM và được nhiều người cho rằng độc đáo, có 1-0-2.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Ngọc Luận là một Việt kiều Úc. Cuối tháng 8/2023, chúng tôi đến nhà máy của ông tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn để tìm hiểu sản phẩm cũng như quy trình sản xuất sản phẩm cà phê nông sản.

Làm OCOP cà phê nông sản có 1-0-2, ông Việt kiều Úc bán khắp thế giới, qua Mỹ, Hàn Quốc ai cũng khen - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Luận (bên phải) tiếp đối tác là nhà mua hàng và phân phối tại thị trường Hoa Kỳ cuối tháng 8/2023. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Luận say sưa giới thiệu sản phẩm mới với đối tác lâu năm chuyên thu mua, phân phối cà phê nông sản sang thị trường Hoa Kỳ. Đối tác của ông tấm tắc khen cà phê nông sản bán rất chạy, hầu như đưa vào chợ lớn nhỏ nào tại Hoa Kỳ cũng được kiều bào yêu thích.

Cà phê nông sản là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu, đang sở hữu tổng cộng 5 sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) vừa được UBND TP.HCM công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Đó là 5 loại cà phê nông sản, gồm cà phê hòa tan 4in1 Meet More vị khoai môn, vị dừa, vị bạc hà, vị nhàu và vị đậu xanh. 

“Sở dĩ gọi là cà phê nông sản vì cà phê được mix (phối trộn) với những loại nông sản khác như khoai môn, dừa, bạc hà, nhàu… tạo ra hương vị độc đáo, mới lạ. Tôi không tạo ra sản phẩm này dành cho những người chuộng cà phê đậm mà là dành cho những ai yêu thích cà phê nhưng không thể uống được vì dễ bị say”, ông Luận nói thêm.

Làm OCOP cà phê nông sản có 1-0-2, ông Việt kiều Úc bán khắp thế giới, qua Mỹ, Hàn Quốc ai cũng khen - Ảnh 2.

Bộ sản phẩm cà phê nông sản Meet More của ông Luận có dạng hòa tan và đóng lon, đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng. Ảnh: Hồng Phúc

Đây là tệp khách hàng mà cà phê nông sản Meet More hướng đến. Một loại cà phê được phối trộn bởi tinh cà phê và các loại nông sản, trái cây, chứa rất ít caffeine. 

“Khi tôi sang Hàn Quốc, người Hàn mời ly nước gạo. Họ rất tự hào về nước gạo, họ nói Việt Nam có nhiều nguồn nguyên liệu, nông sản quý, ngon tại sao các bạn không làm”, ông Luận nói.

Sự gợi ý này dần dà giúp ông có ý tưởng phát triển một sản phẩm đi lên từ các loại nông sản Việt nhưng phải vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa độc lạ. 

Nhìn về Việt Nam, ông thấy nông sản, trái cây Việt Nam rất trù phú, chất lượng cao. Nhưng giá trị nông sản thô thấp, trong khi thị trường lại bấp bênh. Sau khi tìm hiểu nhu cầu, kết hợp kết quả khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, trải qua quá trình nghiên cứu, phát triển, cà phê nông sản Meet More đã ra đời.

Đưa cà phê nông sản đi hơn chục nước

Ý tưởng đưa nông sản Việt, cà phê nông sản Việt trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa giao tiếp “Meet” (gặp gỡ) và “More” (nhiều hơn thế) của các khách hàng quốc tế đang được ông Luận thực hiện bài bản và thành công. 

Làm OCOP cà phê nông sản có 1-0-2, ông Việt kiều Úc bán khắp thế giới, qua Mỹ, Hàn Quốc ai cũng khen - Ảnh 3.

Sản phẩm cà phê Meet More đang được bán tại hơn 10 nước trên thế giới. Ảnh: NVCC

Tính đến nay, các sản phẩm cà phê nông sản Meet More, bao gồm các sản phẩm vừa được công nhận OCOP 4 sao đã xuất khẩu sang hơn 10 nước trên thế giới.

“Các thị trường xuất khẩu tốt nhất của chúng tôi hiện nay là Australia, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Mới đây, chúng tôi cũng đã hoàn tất ký kết với siêu thị lớn nhất Hàn Quốc là Emart, để đưa cà phê nông sản mình vào hệ thống của họ tại Hàn Quốc. Đây là cột mốc rất quan trọng, chứng minh được tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, bởi họ kiểm tra rất kỹ trước khi quyết định ký kết”, ông Luận nói với Dân Việt.

Ông cho biết hiện đang là giai đoạn kinh doanh bận rộn nhất năm cũng như ông chuẩn bị lên đường sang các nước xúc tiến, đưa cà phê nông sản OCOP sang nhiều thị trường mới. “Tự hào về nông sản Việt”, “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là cách mà cà phê nông sản đang làm được tại thị trường nước ngoài. 

“Tôi đi bán dạo khắp nơi trên thế giới, nhờ vậy, mới thấy người Việt mình khắp nơi yêu chuộng nông sản Việt ra sao. Ngoài ra, hương vị của cả phê nông sản ít caffeine cũng được nhiều khách quốc tế yêu thích vì phù hợp khẩu vị, văn hóa của họ”, ông Luận cho hay.

Phải để thế giới biết nông sản Việt rất ngon

Ông Luận mời chúng tôi uống cà phê vị khoai môn, vị dừa rồi cả vị trái nhàu. Đây là những sản phẩm OCOP mới nhất trong bộ sưu tập 66 sản phẩm OCOP đặc sản của TP.HCM. Dừa, nhàu, khoai môn của vùng đất Hóc Môn đã làm nên hương vị đặc biệt cho sản phẩm này, khiến nó hoàn toàn khác với các loại cà phê trên thị trường.

Trong nước, ông cũng đang tích cực đưa vào các hệ thống phân phối bán lẻ lớn nhỏ, kể cả các chuỗi siêu thị đặc sản, siêu thị tại các khu du lịch để quảng bá, giới thiệu tới du khách.

Làm OCOP cà phê nông sản có 1-0-2, ông Việt kiều Úc bán khắp thế giới, qua Mỹ, Hàn Quốc ai cũng khen - Ảnh 4.

Bộ quà tặng cà phê nông sản OCOP của ông Luận chuyển tải câu chuyện, thông điệp nông sản Việt. Ảnh: Hồng Phúc

Gần đây, ông phát triển bộ quà tặng “Quà quý trao tay bạn quý”, đó là sự kết hợp của các loại cà phê nông sản OCOP 4 sao của doanh nghiệp và sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên cả nước. 

Bộ quà tặng đang nhận được sự đón nhận tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị để lan tỏa câu chuyện nông sản Việt, câu chuyện của những sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu của TP.HCM.

Ông đang tiếp tục phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới với đặc trưng chính là phối trộn các loại nông sản với nhau tạo ra những thức uống độc đáo, khác biệt.

Ông Luận kỳ vọng với giá trị, câu chuyện mà mình đang truyền tải cùng với chứng nhận OCOP mà các sản phẩm vừa đạt được, đây sẽ là một bảo chứng để cà phê nông sản được nhiều người Việt ủng hộ và tiếp tục rộng đường ra thế giới.

Chương trình OCOP (viết tắt của One Commune One Product - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) bắt nguồn tại Nhật Bản từ những năm 1970. Đến nay, đã có hơn 40 nước học tập kinh nghiệm và triển khai thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.

Từ hiệu quả triển khai của các nước trên thế giới, Việt Nam chính thức đưa OCOP trở thành chương trình quốc gia năm 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là nhằm tìm kiếm những sản phẩm địa phương nhằm phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế khu vực nông thôn.

Sản phẩm OCOP được xác định sẽ giúp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình OCOP cũng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn bền vững tại các địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem