Làm thế nào TP.HCM phát triển vùng nguyên liệu cho ngành nghề nông thôn, làng nghề?

Trần Đáng Thứ hai, ngày 25/09/2023 10:18 AM (GMT+7)
Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, TP.HCM đã đặt ra bài toán là làm thế nào giữ và phát triển vùng nguyên liệu cho ngành nghề nông thôn, làng nghề.
Bình luận 0
Cần phát triển vùng nguyên liệu cho ngành nghề nông thôn, làng nghề - Ảnh 1.

Một trong những khó khăn của Làng nghề đan giỏ trạc xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) là thiếu vùng nguyên liệu trồng tre cho ngành nghề nông thôn thôn hoạt động. Ảnh: T.Đ

Không chỉ tốc độ đô thị hóa, với việc kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu tinh thần ngày càng cao, người tiêu dùng bắt đầu quay lại việc sử dụng các sản phẩm truyền thống vừa có tính trưng bày, trang trí, vừa có tính sử dụng thân thiện với môi trường ngày càng tăng, đây cũng là nguyên nhân làm tăng việc sử dụng nguyên liệu.

Thực tế hiện nay, tại TP.HCM các vùng nguyên liệu hỗ trợ làng nghề, ngành nghề nông thôn ngày càng teo tóp dần, nhất là vùng nguyên liệu dành cho ngành nghề đan đát. Nguyên liệu cho ngành nghề nông thôn trên địa bàn hoạt động chủ yếu là thu mua từ các tỉnh thành.

Vừa qua, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị "Xúc tiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn", Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, hiện tại các làng nghề, ngành nghề nông thôn việc sử dụng nguyên liệu ngày càng đa dạng và kết hợp nhiều chủng loại trong một sản phẩm đã hình thành sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các đơn vị cung ứng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất của làng nghề.

Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu tập trung thiếu quy hoạch, bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.

 Theo đó, hiện nay cả nước có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận (bao gồm 1.356 làng nghề và 652 làng nghề truyền thống), trong đó có khoảng 600 làng nghề đan đát, với các nguyên liệu sản xuất chủ yếu là tre, song, mây, cói...

Nguyên liệu họ tre có khoảng 1,5 triệu ha; tổng dữ lượng khoảng 9,5 tỷ cây, bình quân khai thác từ 500 đến 600 triệu cây/năm với sản lượng đạt khoảng 2,5-3 triệu tấn; trong khi nhu cầu tiêu thụ từ 900 đến 1000 triệu cây/năm. Do đó, nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất hàng mây tre đan phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Lào và Camphuchia.

Nguyên liệu song, mây có diện tích xen lẫn gỗ là khoảng 382.000ha, sản lượng khoảng 30.000-40.000 tấn/năm. Nhu cầu sử dụng song mây hằng năm của nước ta vào khoảng 80.000 tấn. Nguyên liệu cói có tổng diện tích cói khoảng 13.800ha, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 100.000 tấn. Khoảng 60% sản lượng cói nguyên liệu dùng để xuất khẩu và 40% dùng để sản xuất trong nước…

Bên cạnh đó, cả nước cũng có khoảng 118 làng nghề và 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Trong năm 2022, tổng diện tích rừng trồng là khoảng 4,57/14,74 triệu ha đất rừng. Nhu cầu chế biến gỗ từ 34,2 đến 41 triệu m3/năm, trong khi sản lượng gỗ khai thác là mới chỉ đạt 18,6 triệu m3 và hàng năm phải nhập khẩu gỗ tròn vào khoảng 5 - 6 triệu m3/năm(từ Lào, Nam Phi, Nga...).

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, hiện nay các vùng nguyên liệu khai thác tự nhiên ngày càng cạn kiệt và khó khai thác do không có kế hoạch và chịu áp lực từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Ngoài ra, các địa phương chưa dành quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu, khoa học công nghệ phục vụ sản xuất còn hạn chế, chưa có sự liên kết với chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Cần phát triển vùng nguyên liệu cho ngành nghề nông thôn, làng nghề - Ảnh 3.

Củng do thiếu vùng nguyên liệu cho ngành nghề nông thôn thôn hoạt động mà nghề sản xuất nhang ở TP.HCM phụ thuộc nguyên liệu từ các tỉnh. Ảnh: T.Đ

Thứ trưởng đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm định hướng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với nhà máy sơ chế, chế biến nên tập trung vào công tác nghiên cứu giống, tổ chức lại sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ…

Trong Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ ban hành, trong các giải pháp, có giải pháp về xây dựng vùng nguyên liệu cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn.

Cụ thể, Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có chứng chỉ bền vững, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, khai thác, sơ chế, chế biến; nghiên cứu, chọn tạo, công nhận chuyển giao các loại giống mới, năng suất cao, đảm bảo chất lượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem