Làm vườn mẫu đẹp như mơ, cựu thanh niên xung phong ở Hà Tĩnh nhìn đâu cũng thấy nguồn thu nhập

Tập Thỏa Thứ năm, ngày 27/07/2023 14:28 PM (GMT+7)
Ông Phạm Văn Hoà, trú tại thôn 3, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), sau khi trở về quê hương là chánh văn phòng Hội thanh niên xung phong, trưởng thôn 3 xã Cẩm Duệ, còn người đi đầu trong việc phát triển kinh tế vườn mẫu, từng bước giảm nghèo.
Bình luận 0

Một thời hoa lửa

Lên tuổi 17 tuổi, chàng trai Phạm Văn Hòa, SN 1953 trú tại thôn 3, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) tình nguyện nộp đơn tham gia lực lượng thanh niên xung phong C552-N55-P18 đóng quân tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) với nhiệm vụ xẻ núi, san lấp mặt đường, hố bom và hỗ trợ quân đội bốc hàng hóa, phục vụ chiến đấu trong địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Hòa, trú tại thôn 3, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu. Ảnh: PV

Cựu thanh niên xung phong Phạm Văn Hòa, nhớ lại: "Khi vào đơn vị tôi là người nhỏ tuổi nhất, được các anh, chị thường xuyên quan tâm, yêu thương, giúp đỡ. Tuy nhiên, khi vào làm nhiệm vụ ai cũng phải nhiệt huyết, cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm được giao.

Đóng quân tại đền chợ Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) là con đường vận chuyển hàng hóa chủ yếu để chi viện cho miền Nam nên thường xuyên bị thả bom đánh phá".

Thời gian công tác tại đây, ông Hòa không ít lần đối mặt với lưỡi hái tử thần khi dùng phá bom hoặc dùng mìn phá đá để xe thông tuyến.

Cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu - Ảnh 2.

Sau nhiều năm cống hiến, ông Phạm Văn Hòa, trú tại thôn 3, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nhận được nhiều bằng khen. Ảnh: PV

"Để có thể xẻ núi, san đường tiếp viện, chúng tôi thường xuyên phải đánh bom, phá đá để xe đi. Muốn phá được bom, một đội 2 người sẻ dùng dây thừng dài khoảng 10m, ở giữa có thanh nam châm. Hai người dùng dây kéo sao cho thanh nam châm di chuyển đến sát quả bom là nó sẽ nổ.

Khi bom nổ, có một số tảng đá lớn rơi xuống chắn đường đi. Tôi và các đồng đội lại làm thêm nhiệm vụ phá đá. Để phá đá, tôi dùng thanh sắt đóng mạnh vào đá, đến độ sâu khoảng 60cm. Trên một tảng đá lớn phải đóng nhiều lỗ, tạo thành 1 đường thẳng, sau đó chúng tôi tìm điểm nấp an toàn cách tảng đá hơn 100m để đốt dây cháy chậm", ông Phạm Văn Hoà, bật mí.

Công việc nguy hiểm, lúc nào cũng tiếp xúc "thần chết" nhưng may mắn cả đội hơn 50 người của ông Hòa vẫn đủ.

Ông Phạm Văn Hoà cho biết: "Cả đội không ai được học lái xe bài bản nhưng đơn vị tôi ai nấy cũng là tay lái cừ. Là con đường huyết mạch nên địch thường xuyên đánh phá, nhiều lần lái xe bị thương. Để thông tuyến, tránh thương vong nặng nề chúng tôi phải leo lên xe lái để nơi an toàn ẩn nấp".

Cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Hòa luôn nâng niu những kỷ vật, tấm bằng khen ghi nhận thời hoa lửa của mình. Ảnh: PV

Lý thuyết chẳng được học bài bản, ông Phạm Văn Hòa cùng đồng đội chỉ được các anh lái xe chỉ cho vài câu "khẩu quyết" trước khi lên xe như: Muốn đi phải lấy đà, muốn về phải vù ga mới vào; hay như câu: Đầu gối, chân ga thẳng với tim đường…

Năm 1974, ông Phạm Văn Hòa được cấp trên cử đi học chuyên ngành công nhân xây dựng, học về kỹ thuật xây dựng cấp tỉnh (Nghệ Tĩnh). Một năm sau, kết thúc khóa học ông được đơn vị giao nhiệm vụ tại TP Vinh.

Năm 1978, ông Phạm Văn Hoà được chuyển sang làm thông tin liên lạc tại Quân khu 4, cũng trong năm này ông hòa lập gia đình, lấy bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1959, cán bộ y tế) làm vợ. Năm 1988 ông Hòa về hưu theo chế độ Bệnh binh.

Nói về lương duyên với ông Hòa, bà Xuân cho biết: "Từ năm 1976 đến 1977, tôi và ông Hòa gặp và quen nhau khi tham gia khóa học văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh do 2 đơn vị cử đi. 10 năm công tác xa nhà, tôi phải vừa chăm sóc con cái, gia đình và làm công việc ở trạm y tế.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, không riêng gì tôi mà rất nhiều người vợ, người mẹ vất vả như thế. Chúng tôi trở thành hậu phương vững chắc cho chồng chiến đấu".

Nhiệt tình công tác xã hội, đi đầu phong trào vườn mẫu

Trở về quê hương, ông Phạm Văn Hòa quyết tâm theo hỏi nghề mộc để phát triển kinh tế gia đình. Năm 1992, ông mở xưởng mộc và thuê 2 thợ mộc nổi tiếng ở Nam Định về làm. Xưởng mộc của ông Hòa được đánh giá lớn nhất vùng, sản phẩm đẹp, thợ nhiệt tình, chu đáo.

Cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu - Ảnh 4.

Đi đầu trong phong trào nông thôn mới tại địa phương, ông Phạm Văn Hoà, trú tại thôn 3, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bỏ vườn tạp, đầu tư hàng chục triệu làm vườn mẫu thu về khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: PV

Trong quá trình làm xưởng mộc, ông Hòa miệt mài dạy nghề mộc miễn phí cho hàng chục con, em của đồng đội và thanh niên trong vùng. Nhiều người khi được ông đào tạo đã ra riêng mở xưởng có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao.

Năm 1994, ông Hòa bị bệnh nặng, phải cắt ¾ dạ dày nên ông đóng cửa xưởng mộc. Nhờ có năng khiếu về nghệ thuật, được đào tạo ngành thông tin liên lạc và văn hóa nghệ thuật ở trong quân đội nên ông đã mở dịch vụ loa máy, chuyên tổ chức đám cưới, sự kiện lớn từ xã đến huyện.

Cũng trong năm này, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 3, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên. Năm 1999, UBND xã điều ông Hòa làm cán bộ văn hóa, phụ trách đài phát thanh.

Cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu - Ảnh 5.

Mô hình nuôi ong tại nhà Cựu thanh niên xung phong Phạm Văn Hòa, trú tại thôn 3, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV

Năm 2006, ông Hòa công tác tại phòng Hội Cựu thanh niên xung phong xã Cẩm Duệ; năm 2011 đến nay nhận nhiệm vụ Chánh văn phòng Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Cẩm Xuyên.

Ông Phạm Văn Hòa phấn khởi, cho biết: "Khi được phân công làm công việc này tôi rất vui, những cái này tôi đã được học khi còn trong quân đội. Mỗi tuần tôi làm 2 chuyên đề về các nội dung như: an ninh trật tự, kế hoạch hóa gia đình, nông thôn mới... Ngoài ra, lịch phát thanh những những ngày khác là 5h kém 15 tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, 5h30 tiếp sóng đài huyện, 6h sáng tiếp sóng đài tỉnh.

Sau đó, đến phần phát thanh của xã Cẩm Duệ, phần này do tôi lên kịch bản, tổng hợp và đọc. Các nội dung được phát liên quan đến: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thông báo của ủy ban, đảng ủy; các mô hình phát triển kinh tế hay, nông thôn mới; tấm gương người tốt việc tốt…".

Cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu - Ảnh 6.

Tận dụng hoa vải vải làm thức ăn cho ong, ông Phạm Văn Hoà đỡ công chăm sóc mà hiệu quả mang lại cao. Ảnh: PV

Để theo kịp công nghệ truyền thành hiện đại, ông Hòa thường xuyên được cử đi tập huấn về nghiệp vụ, ông cũng đọc sách, báo, mạng Internet để học hỏi, rèn luyện kỹ năng dựng file phát thanh trên thiết bị máy tính…

Ông Hòa nói: "Trước đây, chưa có cổng thông tin điện tử xã Cẩm Duệ, máy phát thanh là phương tiện để bà con nắm được thông tin về: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thông báo của ủy ban, đảng ủy hay thời tiết, lịch mùa vụ…".

Cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu - Ảnh 7.

Tại vườn mẫu nhà ông Phạm Văn Hoà, trú tại thôn 3, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nhiều gốc cây có múi như: cam, bưởi, chanh phát triển tốt. Ảnh: PV

Năm 2021, ông Phạm Văn Hòa được bà con nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn 3, xã Cẩm Duệ. Nhờ sự chỉ đạo của tân trưởng thôn Hòa, thôn 3 được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu của xã. Tháng 11/2021, được vinh dự được nguyên là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nhà văn hóa cộng động, ngôi nhà trí tuệ thôn 3 do ông hòa phát triển.

Hiện nay, ngôi nhà trí tuệ thôn 3 do ông Phạm Văn Hòa quản lý có hơn 2.000 đầu sách và hơn 600 cuốn sách đọc điện tử. Ngoài ra, ông Hòa đã hỗ trợ bà con truy cập vào ngôi nhà trí tuệ bằng điện thoại thông minh để tiện học tập.

Cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu - Ảnh 8.

Ngôi nhà trí tuệ thôn 3 do ông Phạm Văn Hòa quản lý có hơn 2.000 đầu sách và hơn 600 cuốn sách đọc điện tử. Ảnh: PV

Không chỉ nhiệt tình trong công tác xã hội, ông Hòa còn phát triển kinh tế gia đình rất giỏi. Năm 2019, ông Hòa đã cải tạo khu vườn rộng 2.70m2 của gia đình trở thành 12 trong những vườn mẫu đạt chuẩn của xã Cẩm Duệ.

Gia đình ông Hòa đã cải tạo vườn tạp, quy hoạch thành vườn cây phát triển kinh tế cao. Ông Hòa đã trồng hơn 100 gốc ổi, 40 gốc vải, phía dưới đặt hơn 20 tổ ong. Ngoài ra còn nhiều loại cây khác như: cam, bưởi, chanh, chuối…. Mỗi năm, khu vườn mẫu giúp gia đình ông Hòa bỏ túi hơn 100 triệu đồng, sau khi từ chi phí.

Cựu thanh niên xung phong “một vai hai gánh” đi đầu phát triển kinh tế vườn mẫu - Ảnh 9.

Ông Phạm Văn Hòa đã hỗ trợ bà con truy cập vào ngôi nhà trí tuệ bằng điện thoại thông minh để tiện học tập hơn 600 cuốn sách đọc điện tử. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Kiên – Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Cẩm Xuyên, cho biết: "Cùng một lúc đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, nhưng đồng chí Phạm Văn Hòa vẫn làm tốt mọi nhiệm vụ đảm nhận. Ông Hòa là người nhiệt tình trong công việc, hăng hái tham gia các hoạt động và thường xuyên giúp đỡ mọi người nên ai cũng quý. Ở Hội Cựu thanh. niên xung phong huyện Cẩm Xuyên những công việc liên quan đến máy tính hoặc thư từ, tài liệu online ông Hòa đều hỗ trợ đồng nghiệp hết mình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem