TP.HCM: Việc tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế

Quang Sung Thứ sáu, ngày 23/06/2023 14:32 PM (GMT+7)
Số lượt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn TP.HCM còn ít so với hệ thống sông rạch nội đồng của thành phố, chỉ khoảng 9 đợt/năm. Thực trạng này được ông Lê Tôn Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM cho biết tại hội thảo mới đây.
Bình luận 0

Sáng ngày 23/6, Sở NNPTNT TP.HCM và Chi cục Thủy sản TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Tôn Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM cho biết, hiện nay hệ sinh thái sông Sài Gòn chịu nhiều áp lực từ quá trình đô thị hóa, hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, hoạt động nông lâm sản và thủy sản, du lịch, dịch vụ. Điều này dẫn đến môi trường nước không đảm bảo, nguồn tài nguyên sinh vật ảnh hưởng tiêu cực, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố giảm.

TP.HCM: Lượt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế - Ảnh 1.

Hội thảo chuyên đề Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn. Ảnh: Quang Sung

Thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều hoạt động nhằm duy trì và phục hồi nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn, đặc biệt là đoạn chảy qua TP.HCM. Tuy nhiên việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều hạn chế.

“Công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn thấp so với dân số 10 triệu người của thành phố. Số lượt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn ít so với hệ thống sông rạch nội đồng của thành phố (9 đợt/năm). Chưa có nghiên cứu về chủng loại các loài giáp xác và nhuyễn thể các vùng nước nội địa, chưa đánh giá hiệu quả công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản”, ông Cường nói.

TP.HCM: Lượt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế - Ảnh 2.

TP.HCM thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Sài Gòn. Ảnh: Quang Sung

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trai - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đề xuất nhóm biện pháp kỹ thuật để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông Sài Gòn. Theo ông Trai, nhóm giải pháp này bao gồm: thả cá bổ sung nguồn lợi (chọn loài cá bản địa hay cá ngoại nhập, chọn cỡ cá thả phù hợp); xây dựng vùng cư trú, sinh sản nhân tạo; duy trì môi trường sống tốt cho tôm cá (dọn dẹp thông thoáng cây cỏ thủy sinh; nạo vét nền đáy bùn; duy trì mực nước tối thiểu hữu ích).

Tiến sĩ Thái Ngọc Trí - Viện Sinh học Nhiệt đới khẳng định, tiềm năng về nguồn lợi thủy sản ở lưu vực sông Sài Gòn và đặc biệt đoạn chảy qua TP.HCM là có.

“Kết quả nghiên cứu về hệ thống lưu vực sông Sài Gòn cho thấy, nguồn lợi thủy sản nói chung đa dạng về thành phần loài, phong phú về số lượng. Chúng không chỉ có giá trị về mặt kinh tế thủy sản mà còn có giá trị về chỉ thị môi trường sinh học, liên quan đến chuỗi bậc thức ăn trong một hệ sinh thái thủy vực, xuyên suốt từ thượng nguồn đến hạ lưu cửa sông ven biển là nguồn gen bản địa quý trong kinh tế thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học”, Tiến sĩ Trí cho biết

TP.HCM: Lượt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế - Ảnh 4.

Lượt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế tại TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn tại TP.HCM, các chuyên gia tại hội thảo đều đồng tình về việc cần phải phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra những yếu tố về kỹ thuật, môi trường, xử lý vi phạm.

Sông Sài Gòn được hợp thành từ hai nhánh Sài Gòn và Sanh Đôi, bắt nguồn từ các vùng đồi ở Lộc Ninh và ven biên giới Việt Nam - Campuchia. Đoạn sông Sài Gòn đi qua TP.HCM có chiều dài khoảng 80km (từ xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi đến phường Phú Mỹ, quận 7), chiều rộng trung bình 100-200m. Dòng chảy của sông Sài Gòn đi gần như xuyên suốt TP.HCM và được xem như ôm trọn lấy thành phố.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem