"Miễn học phí - Có thể hay không thể?": Chính sách nhân văn, làm nức lòng dân (bài 1)

Nhóm PV Thứ hai, ngày 16/10/2023 06:05 AM (GMT+7)
Hải Phòng, Quảng Bình, Đà Nẵng là 3 tỉnh, thành miễn học phí cho học sinh trong năm học 2023-2024. Chính sách được đánh giá là nhân văn, thiết thực tại 3 địa phương này làm nức lòng phụ huynh và dư luận ủng hộ…
Bình luận 0

Lời tòa soạn: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 4/7/2022, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. Đề xuất của Bộ trưởng Bộ GDĐT không nằm ngoài những phương hướng, mục tiêu mà Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, hiện nay chỉ có đối tượng học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí và một số đối tượng học sinh khác được miễn học phí. Nhưng một số địa phương trong năm học 2023-2024 như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Bình đã chính thức thông qua nghị quyết về miễn học phí cho toàn bộ các cấp học từ mầm non đến phổ thông công lập. Quyết định này đưa ra được dư luận nức lòng và nhiệt tình ủng hộ, nhất là sau thời gian dịch Covid-19, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Trước câu chuyện học phí "nóng" dịp đầu năm học, Báo điện tử Dân Việt thực hiện loạt bài: "Miễn học phí – Có thể hay không thể?" với các góc nhìn đa chiều từ nhiều phía như phụ huynh, nhà trường, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, cơ quan quản lý, và là diễn đàn để phụ huynh chia sẻ mong muốn, tâm tư nguyện vọng về vấn đề học phí của con em mình.

Chúng tôi trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi, bày tỏ ý kiến đối với loạt bài "Miễn học phí – Có thể hay không thể". Mọi góp ý, bạn đọc có thể để lại bình luận ngay phần bên dưới kết thúc bài viết.

Phụ huynh được "trút bớt" nỗi lo đầu năm nhờ miễn học phí

Theo ghi nhận của Dân Việt, đời sống người dân ở các vùng nông thôn, ngoại thành TP.Hải Phòng còn nhiều khó khăn, nên việc chi tiêu cho con em đến trường vẫn là vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm khi bước vào năm học mới.

Anh Phạm Văn Du (xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) có con học cả 3 cấp học từ tiểu học đến THPT. Cháu nhỏ nhất vừa vào lớp 1, cháu thứ 2 vào THCS và cháu lớn học THPT. Theo chính sách miễn học phí của Hải Phòng, năm nay tất cả các con trong gia đình anh đều không phải đóng học phí.

Mức học phí năm nay được quy định đối với khu vực ngoại thành là 100.000 đồng/tháng/học sinh (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), 200.000 đồng/tháng/học sinh (đối với bậc trung học phổ thông).

Miễn học phí: Có thể hay không thể? - Ảnh 1.

Một tiết học tại trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Ảnh: CTV

Như vậy, năm học này, tính ra gia đình anh Du đã được miễn khoản học phí lên tới 3,6 triệu đồng – một khoản giúp anh đỡ "đau đầu" khi vào năm học. Anh Du cho biết, ngoài học phí còn có những khoản khác như ăn bán trú, nước uống, quỹ hội, quỹ lớp… Mỗi cháu trung bình cả năm học cũng phải đóng từ 7 - 8 triệu. Bởi vậy, với quyết định miễn học phí của TP.Hải Phòng, gia đình anh và nhiều gia đình khác "rất phấn khởi".

Năm 2023 – 2024, trẻ mầm non và học sinh các cấp tại Hải Phòng, Đà Nẵng, được miễn 100% học phí. Học sinh Quảng Bình ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được miễn học phí cả năm; các khu vực còn lại, học sinh được miễn học phí kỳ I. Dự kiến, mỗi tỉnh, thành này dự chi hàng trăm tỷ đồng miễn, giảm học phí trong năm học mới.

 Tại huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, người dân bày tỏ sự ủng hộ nghị quyết miễn học phí các cấp năm học 2023 – 2024. Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Trần Bá Sơn (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, nơi anh ở được gọi là rốn lũ Quảng Bình mỗi khi mùa mưa tới, gia đình anh cũng từng thuộc diện hộ nghèo nhưng nay kinh tế đã khá hơn và thoát nghèo. Hiện anh Sơn có 2 con trong độ tuổi ăn học, 1 cháu học lớp 9 Trường THCS Tân Hóa, cháu còn lại học lớp 5 Trường Tiểu học Tân Hóa.

"Hai con trong độ tuổi ăn học nên đầu năm học chúng tôi rất áp lực về tiền bạc để đóng học phí và các khoản thu khác. Tôi làm hướng dẫn viên du lịch có thu nhập nhưng vừa đủ trang trải cuộc sống, còn vợ ở nhà làm nông, thu nhập không đáng là bao", anh Sơn nói.

Anh Sơn cho rằng, việc tỉnh Quảng Bình miễn học phí kì 1 cho các cấp học rất thiết thực, đồng thời anh kiến nghị tỉnh cần xem xét tới việc miễn học phí lâu dài cho học sinh.

Vượt qua gần trăm km, PV Dân Việt đã tới các bản Ón, bản Mò o ồ ồ, bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình - nơi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sinh sống - để nắm bắt tâm tư của thầy, cô đang công tác trong ngành giáo dục ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh này.

Quảng Bình miễn học phí các cấp học: Thầy, cô, phụ huynh miền núi  - Ảnh 4.

PV Dân Việt trò chuyện với Thầy Đinh Minh Tứ cùng các cô ở điểm Trường Mò o ồ ồ Trường Tiểu học và THCS Thượng Hóa (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Trần Anh

Thầy Đinh Xuân Quý – Tổ trưởng điểm Trường Ón Trường Tiểu học và THCS Thượng Hóa (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Tỉnh nhà miễn học phí cho năm học này là quyết sách hợp lòng dân. Nơi tôi dạy có các học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được miễn học phí theo chủ trương của Đảng, Nhà nước nhiều năm qua, các em tới trường ngày càng đông, chất lượng giáo dục được nâng cao.

Gia đình tôi lại ở dưới xuôi, có 3 người con đang tuổi ăn học nên cũng khá lo về học phí, nhờ nghị quyết miễn học phí học kì 1 năm nay mà vợ chồng tôi đỡ phần nào, mong rằng quyết sách này sẽ được thực hiện trong những năm học tới".  

Tại điểm trường Mò o ồ ồ của Trường Tiểu học và THCS Thượng Hóa, khi được hỏi về chính sách miễn học phí của tỉnh Quảng Bình, thầy Đinh Minh Tứ - Tổ trưởng điểm trường nói: "Tôi mừng lắm".

"Tôi rất ủng hộ việc tỉnh Quảng Bình miễn học phí cho các cấp học. Bản thân tôi là bậc cha mẹ có con trong độ tuổi ăn học nên rất lo về vấn đề học phí", thầy Tứ nói thêm.

Ở "thành phố đáng sống" Đà Nẵng, quyết định miễn học phí cũng làm nức lòng phụ huynh. Anh Nguyễn Văn Tuấn, có con học tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh (quận Cẩm Lệ) cho hay: "Sau dịch Covid-19, nguồn thu nhập của gia đình nào cũng bị ảnh hưởng. Thời điểm này, thành phố miễn tiền học phí cho các con là điều nên làm. Với việc làm này, chính quyền không đơn giản chỉ chia sẻ khó khăn mà còn thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của thành phố đối với người dân".

Tương tự, chị Lê Minh, có 2 con đang học Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu) chia sẻ, vợ chồng chị làm công nhân nhưng sau dịch Covid-19 vì việc ít nên chồng phải nghỉ làm chạy Grab để kiếm thêm thu nhập, học phí của 2 con là một gánh nặng tương đối lớn đối với gia đình chị. Đến năm nay, Đà Nẵng vẫn duy trì chính sách miễn học phí, chị Minh và các phụ huynh hoàn cảnh khó khăn đều thở phào vì bớt một nỗi lo. 

"Cảm ơn thành phố", chị Minh xúc động nói.

Miễn học phí – chính sách nhân văn, cần được nhân rộng

Đã 3 năm, kể từ năm học 2020 - 2021, Hải Phòng thực hiện chính sách miễn 100% học phí cho học sinh mầm non và THCS, riêng học sinh THPT được miễn 100% học phí từ năm học 2021 - 2022. Từ năm học 2020-2021 đến nay, mỗi năm Hải Phòng trích ngân sách trên 400 tỷ đồng để cấp trực tiếp về các trường học.

Không chỉ miễn 100% học phí cho học sinh ở tất cả các cấp học, Hải Phòng còn là thành phố sớm có chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng học sinh giói quốc gia, quốc tế. Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, bên cạnh sự đầu tư của thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo dục, Hải Phòng có truyền thống hiếu học với 24 năm có học sinh đoạt giải quốc tế.


Trong cuộc trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho rằng, thành phố muốn giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, học sinh, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của thành phố luôn sẵn sàng dành nguồn lực thoả đáng để đầu tư cho giáo dục.

"Những năm gần đây, số thu ngân sách của thành phố khá lớn nên việc trích hơn 400 tỷ đồng để cấp cho các trường thực hiện chủ trương miễn học phí đối với chúng tôi không có gì khó. Số tiền đó chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thu ngân sách của thành phố", ông Nam nói và khẳng định thêm: "Sự đầu tư cho giáo dục luôn là sự đầu tư mang tính chiến lược đúng đắn, mang lại quả ngọt cho TP.Hải Phòng".

Là một người đang công tác trong ngành giáo dục, cô Hà Thị Thư, Hiệu trưởng trường THCS Tân Tiến, huyện An Dương, TP.Hải Phòng nhận định, chính sách miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT của Hải Phòng là giải pháp đột phá cho đầu tư và phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục, thể hiện rõ tính chiến lược, sự nhân văn trong việc đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục. Đồng thời, là nguồn động viên, mang thêm nhiều cơ hội đến trường cho trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

Miễn học phí là chính sách đặc thù và nhân văn – theo lời ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng. Chính sách này góp phần hỗ trợ người dân có con đang độ tuổi đến trường, hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học và bỏ học trên địa bàn theo chủ trương của Thành ủy Đà Nẵng.

Miễn học phí: Có thể hay không thể? - Ảnh 5.

Học sinh tại Trường Tiểu học Hòa Bắc, Đà Nẵng. Ảnh: Diệu Bình

2 năm học trước, Đà Nẵng đã miễn học phí 100% cho học sinh các cấp. Năm nay, dự kiến kinh phí hỗ trợ hơn 408,2 tỷ đồng. Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng nói với PV Dân Việt: "Việc miễn học phí nhằm chia sẻ khó khăn của người dân, đặc biệt sau dịch Covid-19, đảm bảo học sinh được hưởng thụ quyền được học tập không phụ thuộc vào tình hình kinh tế gia đình, thực hiện triển khai thành công chủ trương không có học sinh bỏ học vì lý do kinh tế". 

"Hiện nay bậc tiểu học đang được miễn học phí nhưng số tiền phụ huynh đóng mỗi tháng cũng trên dưới 2 triệu đồng, gồm chi phí bán trú và các môn học tự nguyện lẫn bắt buộc. Đối với bậc THCS, THPT, số tiền sẽ cao hơn. Đây là gánh nặng khá cao đối với phụ huynh, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp. Nên chăng TP.HCM cũng hướng đến việc miễn học phí cho bậc THCS, THPT để giảm bớt gánh nặng học phí cho phụ huynh", chị N.H (quận 3, TP.HCM) bày tỏ quan điểm.

Thầy Nguyễn Thế Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, việc miễn học phí đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền trong chính sách hỗ trợ dành cho người dân cũng như ngành giáo dục. Phụ huynh rất phấn khởi, yên tâm cho con học tập. Đây là chủ trương cần được nhân rộng.

Quảng Bình đã miễn, giảm học phí cho học sinh liên tiếp trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023 với số kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Năm nay, tỉnh này tiếp tục thực hiện chủ trương đi vào lòng dân, thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", và được dư luận trong, ngoài tỉnh ủng hộ.

"Đây là sự nỗ lực rất lớn. Mong nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng hành cùng ngành giáo dục - đào tạo và tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng dạy và học", ông Trần Hải Châu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Cùng với sự phấn khởi, ông Đinh Tuấn Anh – Trưởng phòng GDĐT huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ câu chuyện phụ huynh và các thầy cô giáo trên địa bàn đều vui mừng khi biết chính sách miễn học phí tiếp tục được thực hiện trong năm học 2023-2024.

"Miễn học phí cho các cấp học là chủ trương quá tốt. Nhiều xã ở huyện Minh Hóa còn gặp khó khăn, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, thế nên việc miễn học phí giảm gánh nặng cho người dân nơi đây", ông Tuấn Anh mong rằng, chính sách này sẽ được xem xét thực hiện trong những năm học tới.

TP.HCM có thể miễn học phí cho học sinh được không?

TP.HCM là một trong những địa phương có số lượng học sinh đông bậc nhất cả nước. Năm học này, toàn thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh, tăng hơn 35.000 em so với năm học trước. Trước thông tin tỉnh nghèo như Quảng Bình còn có thể thực hiện việc không thu học phí để chia sẻ với khó khăn của người dân thì nhiều người đã đặt ra câu hỏi: "Tại sao một địa phương lớn như TP.HCM không làm được?".

Trao đổi với Dân Việt, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GDĐT TP.HCM cho biết, việc miễn học phí phải thực hiện theo lộ trình của Bộ GDĐT. Trong đó, lộ trình miễn học phí đối với học sinh THCS quy định tại khoản 9 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ là: "Học sinh THCS không thuộc đối tượng quy định tại khoản 8 Điều này được miễn học phí từ năm học 2025-2026 (được hưởng từ ngày 1/9/2025)". Học sinh THCS học tại cơ sở giáo dục phổ thông tư thục được cấp tiền miễn học phí theo mức học phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tương ứng với từng vùng.

Đối với học phí năm học 2023-2024, ông Hồ Tấn Minh cho biết, Sở GDĐT TP.HCM đang có đề xuất về hỗ trợ học phí cho học sinh. Hiện tại, Sở đã hướng dẫn về các khoản thu ngoài học phí.

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM BÀI 2: “Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Không có tiền đóng học phí, phụ huynh cho con nghỉ học 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem