Một tuần có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, nhiều người vẫn chủ quan

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 21/10/2022 15:23 PM (GMT+7)
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM vừa thông tin trong tuần qua, TP có thêm 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay lên 29 trường hợp.
Bình luận 0
Một tuần có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, nhiều người vẫn chủ quan - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: B.D

Trong tuần 42 (từ ngày 10/10 đến 16/10), TP.HCM ghi nhận thêm 1.999 ca sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong ngụ ở quận Bình Tân và TP.Thủ Đức, nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay lên 29 ca, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong tuần 42, toàn thành phố ghi nhận 113 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 76 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, TP.Thủ Đức, tăng 5 ổ dịch mới so với tuần 41.

Hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, khi mắc sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng hết sốt là khỏi bệnh nhưng sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất.

Trong những ngày đầu mắc sốt xuất huyết, bệnh thường có triệu chứng giống với nhiều loại bệnh do virus khác như cúm A, Covid-19… nên người bệnh khó phát hiện, dễ bị nhầm lẫn và bỏ sót chẩn đoán, dẫn tới việc không được điều trị kịp thời, khiến bệnh diễn biến nặng, có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết rất đa dạng, từ nhiễm không triệu chứng, mức độ nhẹ cho đến mức độ nặng và nguy kịch.

Ở mức độ nhẹ, người bệnh sốt cao liên tục kéo dài từ 2 đến 7 ngày, mệt mỏi nhiều kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, đau nhức hốc mắt, đau mỏi cơ và khớp, nổi ban dát sẩn hoặc ban xuất huyết ngoài da…

Người bệnh có thể theo dõi, điều trị ngoại trú tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm mát, uống Paracetamol hạ sốt khi sốt cao, uống nhiều nước oresol hoặc nước hoa quả, nâng cao sức đề kháng bằng các loại vitamin và tăng cường dinh dưỡng hợp lý.

Ở mức độ vừa, người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo như vật vã hoặc li bì, lừ đừ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ban xuất huyết nhiều ngoài da, nôn ói nhiều, đau bụng, gan to, tiêu chảy, nước tiểu ít sẫm màu, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu giảm nhanh, hồng cầu và hematocrit tăng cao. Các dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần nhập viện ngay.

Ở mức độ nặng, người bệnh cần được theo dõi, điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Các dấu hiệu của xuất huyết Dengue nặng bao gồm sốc tụt huyết áp; tràn dịch đa màng như màng tim, màng phổi, màng bụng; rối loạn đông máu gây xuất huyết nặng toàn thân như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, ho ra máu, đái ra máu, máu tụ lớn trong các khối cơ; suy chức năng đa cơ quan như suy hô hấp, suy tim, suy gan, suy thận, có thể dẫn đến tử vong.

Những người có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết Dengue nặng bao gồm trẻ em (đặc biệt là trẻ em dưới 1 tuổi), phụ nữ có thai, người già, người béo phì, người suy giảm miễn dịch). Ngoài ra, cũng cần rất lưu tâm đến nhóm người có nguy cơ bị chảy máu nặng gồm: người đang dùng thuốc chống đông máu, người có bệnh lý về máu, kháng kết tập tiểu cầu, người có viêm loét dạ dày, tá tràng…

Một tuần có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, nhiều người vẫn chủ quan - Ảnh 3.

Số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn đang ở mức rất cao. Ảnh: B.D

Những sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng thậm chí tử vong là sự chủ quan không đi khám bệnh; chủ quan sau khi hết sốt và nghĩ rằng đã từng mắc sốt xuất huyết thì không bị lại.

Trong khi đó, sau giai đoạn sốt cao chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như xuất huyết dưới da, chảy máu cam…

Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc Dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem