Năng lượng mặt trời đang giúp phụ nữ dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị có việc làm, thu nhập, ai cũng vui

Ngọc Vũ - Khánh Hưng Thứ sáu, ngày 01/09/2023 09:01 AM (GMT+7)
Trước đây, phụ nữ Vân Kiều ở xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) phải gùi cõng măng tươi vượt hàng chục km rao bán khắp nơi nhưng chẳng được bao nhiêu tiền. Bây giờ, họ đem măng sấy khô bằng năng lượng mặt trời, thu nhập tốt hơn và nhàn hơn hẳn...
Bình luận 0

Vào mùa này, chị em phụ nữ ở xã Ba Tầng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị đang tích cực thu hoạch măng rừng. Đây là sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Thế nhưng, địa hình rừng núi hiểm trở, giao thương buôn bán còn khó khăn nên việc đem lại nguồn thu nhập ổn định từ măng rừng còn nhiều trăn trở.

Sấy măng khô bằng năng lượng mặt trời, hướng giảm nghèo của phụ nữ Vân Kiều ở Quảng Trị - Ảnh 1.

Trước đây, phụ nữ Vân Kiều ở xã Ba Tầng phải gùi măng tươi đi hàng chục km đem bán, rất vất cả. Ảnh: K.H

Xuất phát từ thực tế đó, tổ chức Plan International Việt Nam và các cơ quan đối tác xã Ba Tầng đã chung tay hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo ở đây thực hiện mô hình sao sấy măng khô nhằm tăng thu nhập.

Chị Hồ Thị Linh (trú thôn Trùm, xã Ba Tầng) cho biết, thời điểm này mọi năm, chị lên rẫy tìm hái măng rồi vượt hàng chục km mang đến các địa phương để bán. Vất vả là thế nhưng trừ chi phí xăng xe, chị Linh chỉ còn lại vài chục ngàn đồng, không đủ đắp đổi cơm áo cho cả gia đình.

Sấy măng khô bằng năng lượng mặt trời, hướng giảm nghèo của phụ nữ Vân Kiều ở Quảng Trị - Ảnh 2.

Từ khi tham gia tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng, phụ nữ Vân Kiều lên rừng hái măng, đem về bản. Ảnh: K.H

Theo chị Linh, một số người đã thử phơi măng khô theo dạng thủ công, dựa vào ánh nắng mặt trời. Thế nhưng, "công nghệ sấy bằng cơm" này không ổn định, dính mưa là măng bị hỏng. Phụ thuộc thời tiết nên chất lượng măng làm ra không đẹp, màu sắc không đều khiến khách hàng chê, tiểu thương ép giá.

2 tháng nay, từ khi tham gia tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng, mỗi ngày chị đều đặn đến tổ hợp tác, cùng với nhiều chị em phụ nữ khác để thực hiện các công đoạn sơ chế, tạo ra sản phẩm măng sấy khô.

Công việc không mấy nặng nhọc mà thu nhập ổn định từ 100.000 đồng  đến 150.000 đồng/ngày.

Sấy măng khô bằng năng lượng mặt trời, hướng giảm nghèo của phụ nữ Vân Kiều ở Quảng Trị - Ảnh 3.

Sau đó, họ rửa măng tươi thật sạch rồi đem luộc chín. Ảnh: K.H

"Từ khi tham gia tổ hợp tác, phụ nữ chúng tôi phơi măng trong lồng kín, nhiệt độ ổn định nên măng khô rất đẹp, màu vàng tươi, đảm bảo an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng" – chị Linh cho hay.

Tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng hiện có 16 thành viên là chị em phụ nữ từ 16 – 50 tuổi, đến từ các gia đình còn nhiều khó khăn trên địa bàn xã Ba Tầng.

Sấy măng khô bằng năng lượng mặt trời, hướng giảm nghèo của phụ nữ Vân Kiều ở Quảng Trị - Ảnh 4.

Sau khi luộc chín, măng được chẻ thành tấm để dễ sấy khô. Ảnh: K.H

Tham gia tổ hợp tác, các thành viên dần thay đổi thói quen phơi sấy măng ngoài trời hoặc trên bếp bằng thực hiện trong nhà sấy năng lượng mặt trời.

Nhà sấy hoạt động với nguyên tắc tận dụng hiệu ứng nhà kính để tạo nhiệt sấy măng khi nhiệt độ ngoài trời cao và chuyển sang chức năng sấy lạnh khi khí hậu không ôn hòa.

Sấy măng khô bằng năng lượng mặt trời, hướng giảm nghèo của phụ nữ Vân Kiều ở Quảng Trị - Ảnh 5.

Măng được mang vào nhà sấy năng lượng mặt trời. Ảnh: K.H

Tại tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng, các thành viên trong tổ chia nhau mỗi người một việc. Người thạo hái măng sẽ vào rừng hái măng. Những người khác sẽ làm khâu sơ chế, ép, đưa măng vào nhà sấy, thu gom măng sấy và đóng gói, vận chuyển, bán hàng…

Sấy măng khô bằng năng lượng mặt trời, hướng giảm nghèo của phụ nữ Vân Kiều ở Quảng Trị - Ảnh 6.

Măng sấy giữ được màu vàng, đều nhau nên khách hàng ưa chuộng. Ảnh: K.H

Mỗi người một phần việc cùng hướng đến mục tiêu tăng thu nhập, dần hướng tới hoàn thiện phương thức hợp tác để có thể tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn, mang lại thu nhập tốt hơn, ổn định hơn cho phụ nữ khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sấy măng khô bằng năng lượng mặt trời, hướng giảm nghèo của phụ nữ Vân Kiều ở Quảng Trị - Ảnh 7.

Măng sấy khô của phụ nữ Vân Kiều hứa hẹn sẽ mở rộng quy mô sản xuất, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, giúp giảm nghèo bền vững. Ảnh: K.H

Ông Lê Quang Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) cho biết, tổ hợp tác nông sản sạch, sấy măng khô bằng năng lượng mặt trời ở xã Ba Tầng là hướng đi mới, đột phá và có tiềm năng mở rộng quy mô. Thời gian tới, UBND huyện đồng hành với đơn vị tài trợ hướng dẫn chị em phụ nữ ở tổ hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

"Tổ hợp tác sấy măng khô này là hướng giảm nghèo có tính hiệu quả, bền vững cho phụ nữ Vân Kiều. Có thu nhập, chị em phụ nữ có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái ăn học, cải thiện cuộc sống" – ông Thuận nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem