Ngành xây dựng cần 400.000 - 500.000 lao động mỗi năm

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 12/06/2022 10:20 AM (GMT+7)
Nhiều công trình xây dựng lớn ở nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực của nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát và vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp…
Bình luận 0
Ngành xây dựng cần 400.000-500.000 lao động mỗi năm - Ảnh 1.

Sinh viên tham gia phỏng vấn tại ngày hội triển lãm công nghệ và tuyển dụng khối ngành kiến trúc - mỹ thuật - nội thất và xây dựng. Ảnh: Q.H

Đây là nhận định của TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (VFCEA), tại ngày hội triển lãm công nghệ và tuyển dụng khối ngành kiến trúc - mỹ thuật - nội thất và xây dựng, diễn ra tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

Ngành xây dựng cần 400.000-500.000 lao động mỗi năm

Theo ông Dũng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều công trình bị đình trệ do bị đứt gãy nguồn nguyên liệu, vật tư, nhân lực, gây ảnh hưởng trực diện đến sự tăng trưởng, phát triển của ngành.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ hội phục hồi và phát triển vô cùng lớn cho tất cả các ngành nghề, trong đó có ngành xây dựng. Thời gian tới, nhu cầu xây dựng của Việt Nam ngày càng tăng cao, số lượng lao động của ngành xây dựng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Dự báo nhu cầu nhân lực của ngành xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000-500.000 lao động mỗi năm.

Với tốc độ phát triển như hiện nay thì số lượng lao động làm việc trong ngành xây dựng vào năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12-13 triệu người. Nhân lực của ngành vật liệu xây dựng dự kiến cũng sẽ tăng lên gần 3 triệu người.

Tuy nhiên, ông Dũng nhận định, chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhiều công trình lớn ở nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực của nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát và vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xây dựng Việt Nam không thể cạnh tranh khi đấu thầu các dự án trong và ngoài nước.

"Trong hoàn cảnh này, nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là rất quan trọng để phát triển năng lực cốt lõi của ngành kiến trúc, mỹ thuật và xây dựng trong thời gian tới", ông Dũng trăn trở.

Ngành xây dựng cần 400.000-500.000 lao động mỗi năm - Ảnh 3.

Hơn 40 doanh nghiệp đồng hành mang đến hơn 2.500 vị trí thực tập, việc làm cho sinh viên...

Trong khuôn khổ ngày hội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam (VFCEA) đã ký kết hợp tác cùng HUTECH trong "Đào tạo nghiệp vụ và cấp Chứng chỉ hành nghề Xây dựng".

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác mở rộng các sân chơi tài năng như Giải thưởng Loa Thành, Festival Sinh viên Kiến trúc toàn quốc; đẩy mạnh các hội thảo chuyên ngành và hoạt động nghiên cứu khoa học; xây dựng diễn đàn học thuật, tạo tiếng nói chung giữa HUTECH và các đơn vị thành viên VFCEA…

Việc ký kết giữa VFCEA và HUTECH được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chất lượng đào tạo nhân lực, nâng cao cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên nhóm ngành Kiến trúc - Nội thất và Xây dựng.

Dịp này, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Công ty Tân Tín Thành (INTOC), Công ty CP Đầu tư Kiến trúc xây dựng Trustarc cũng trao 20 suất học bổng cho sinh viên HUTECH học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem