Người dân sẵn sàng chi tiền vào các dịch vụ thiết yếu, nhà đầu tư bất động sản bán lẻ mở rộng quy mô

Gia Linh Thứ ba, ngày 08/08/2023 11:50 AM (GMT+7)
Hiện nay, người dân có xu hướng tăng chi tiêu vào nhóm hàng hóa thiết yếu. Đây là cơ hội cho lĩnh vực bất động sản bán lẻ, đặc biệt là nhóm các hàng hóa thiết yếu như ăn uống, cửa hàng tiện lợi, dược phẩm, thời trang...
Bình luận 0

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nửa đầu năm 2023, ngành bán lẻ Việt Nam chứng kiến dấu hiệu phục hồi rõ nét với cuộc đua mở rộng thị phần sau dịch của các "ông lớn" nội địa và quốc tế.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy mặc dù nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng 2023 vẫn đạt mức tăng tích cực, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương cùng kỳ năm 2022 (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,44%). Dự báo, quy mô ngành bán lẻ Việt Nam được tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP.

Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu, đồng thời, người dân có xu hướng tăng chi tiêu vào nhóm hàng hóa thiết yếu, giảm chi tiêu dịch vụ xã hội.  

Nếu như năm 2019 (năm trước dịch), doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 75,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thì đến năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên 78,9% (tăng thêm 3%). Trong khi đó, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gồm lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành và các dịch vụ khác) chỉ chiếm 21,2%, giảm 2,4% so với năm 2019 (chiếm 23,6%).

Người dân sẵn sàng chi tiền vào các dịch vụ thiết yếu, nhà đầu tư bất động sản bán lẻ mở rộng quy mô - Ảnh 1.

Người dân có xu hướng tăng chi tiêu vào nhóm hàng hóa thiết yếu như ăn uống, cửa hàng tiện ích... Ảnh: Gia Linh

Đây là cơ hội cho lĩnh vực bất động sản bán lẻ, đặc biệt là nhóm các hàng hóa thiết yếu như ngành hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi, dược phẩm, thời trang bình dân... Qua khảo sát, nhiều "ông lớn" bán lẻ đã mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian qua. Tại TP.HCM, MUJI khai trương cửa hàng thứ 5, có quy mô 2.000m2. Hay WinCommerce cũng đã mở thêm 152 cửa hàng Winmart+ và 2 siêu thị Winmart trong 6 tháng đầu năm, nâng tổng số điểm bán lên 3.511 địa điểm toàn quốc cho cả siêu thị và siêu thị mini.  

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS dự báo, nửa cuối năm 2023, nguồn cung thị trường sẽ dồi dào hơn nhờ các dự án trung tâm thương mại quy mô lớn đáp ứng nhu cầu mở mới, mở rộng địa điểm kinh doanh của các "ông lớn" bán lẻ.

Tại TP.HCM, dự kiến có 3 dự án ở khu vực ngoài trung tâm sẽ đi vào hoạt động với diện tích cho thuê khoảng 66.000m2. Đáng chú ý, nguồn cung phân khúc bán lẻ đến năm 2026 sẽ tăng mạnh, dự kiến đạt 201.000 m2 sàn từ 13 dự án đi vào hoạt động.

Người dân sẵn sàng chi tiền vào các dịch vụ thiết yếu, nhà đầu tư bất động sản bán lẻ mở rộng quy mô - Ảnh 3.

Nhà đầu tư bất động sản bán lẻ mở rộng quy mô kinh doanh tại TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

Một số nhãn hàng trong lĩnh vực bán lẻ cho biết đơn vị đã và đang thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh. Central Retail - nhà bán lẻ Thái Lan đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới, đặt mục tiêu nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước với khoảng 600 cửa hàng.

Ngoài ra, một doanh nghiệp bán lẻ ngoại khác là Tập đoàn Aeon cũng đang lên kế hoạch xây thêm đại siêu thị. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, 100 AEON MaxValu Supermarket tại Hà Nội vào năm 2025. Trong khi đó, WinCommerce dự kiến mở thêm 1.000 cửa hàng, còn Saigon Coop đặt mục tiêu số 1 về mảng bán lẻ siêu thị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem