Nhân viên y tế và bài toán "có thực mới vực được đạo"

Đức Hạnh Thứ ba, ngày 30/11/2021 14:23 PM (GMT+7)
Áp lực công việc nặng nề, cường độ làm việc quá tải, thu nhập không thỏa đáng… vẫn là bài toán muôn đời đối với đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng. Nhưng trải qua đợt dịch Covid-19 vừa qua, những lỗ hổng này càng bộc lộ rõ hơn. Và cũng chính từ đó, không ít người đã quay lưng với những đam mê, tâm huyết của mình.
Bình luận 0

Chỉ trong 10 tháng của năm 2021, số nhân viên y tế xin nghỉ việc tại TP.HCM đã lên đến con số gần 1.000, gần gấp đôi so với cả năm 2020. Theo Sở Y tế TP.HCM, hầu hết các điều dưỡng, bác sĩ khi làm đơn xin nghỉ đều vì lý do cá nhân và gia đình.

Chứng kiến thực tế cường độ công việc của đội ngũ y tế trong suốt thời gian căng mình chống dịch Covid-19 mới thấy áp lực đè lên họ kinh khủng như thế nào. Hầu như các nhân viên y tế đều phải làm việc với 200% sức lực của mình. Với khối điều trị, đó là những ca trực 8-10 tiếng trong bộ đồ bảo hộ cấp 3, cấp 4 liên tục nối nhau ngày này qua ngày khác. Nhiều bác sĩ trực chiến trong các khoa, phòng Covid-19 chưa từng một lần bước chân ra đường phố, vì vòng quay hàng ngày của họ là: Trực – phòng nghỉ - trực. 

Còn ở tuyến cơ sở, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, khối lượng công việc của nhân viên y tế tăng lên gấp nhiều lần; đội ngũ nhân viên y tế còn phải đi sớm về khuya khi tham gia chống dịch như lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, theo dõi và điều trị F0 tại nhà, tiêm vaccine, hướng dẫn cách ly y tế… Trong đó, rất nhiều nhân viên y tế đã 5 - 6 tháng chưa được về nhà.

Theo tính toán của bác sĩ Phan Thanh Tùng, Trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), mỗi nhân viên y tế tại trạm phải gồng gánh trên 17.000 dân. Trước thời điểm có dịch Covid-19, nhân sự đã mỏng, làm việc không có thời gian nghỉ, khi đến thời điểm dịch bùng phát, nhân viên y tế nâng công suất làm việc lên đến 300%. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, một người choàng 10 việc, phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, hiện lương nhân viên y tế tại Trạm y tế chỉ khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.

"Như tôi làm việc tại Trạm y tế khoảng gần 20 năm nhưng mức lương hiện nay khoảng 6 triệu đồng/tháng. Có thể nói, với chế độ như thế, hầu như các nhân viên y tế còn bám trụ lại với nghề, với Trạm y tế đều vì đam mê, vì lương tâm của chính mình với người dân. Đã có những bác sĩ nghỉ việc vì mức lương thấp, không đủ để lo cho gia đình khi họ là trụ cột chính", bác sĩ Phan Thanh Tùng chia sẻ.

Nhân viên y tế và bài toán "có thực mới vực được đạo" - Ảnh 2.

Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 đã cứu sống một bệnh nhân nữ 28 tuổi phải điều trị 91 ngày, trong đó có 53 ngày chạy ECMO liên tục. Ảnh: BVCC

Đã có không ít y, bác sĩ nghẹn ngào nộp đơn xin nghỉ việc sau đợt dịch căng thẳng, vì "không gia đình nào chịu được người vợ, người mẹ 3-4 tháng không về nhà, con ốm không lo".

"Có thực mới vực được đạo" là một chân lý sống trong xã hội. Những người làm ngành y luôn phải đối mặt với sự căng thăng trong việc chữa bệnh, cứu người; những áp lực trong công việc, mối quan hệ giữa đồng nghiêp, nhân viên và quản lý hay lãnh đạo. Thực tế đó luôn hiện hữu trong mỗi bệnh viện, cơ sở y tế... Đương nhiên không thể nói chỉ ngành y mới có áp lực, nhưng áp lực đó rất khác biệt vì liên quan đến sinh mạng con người. 

Thực tế trong cuộc sống đòi hỏi y bác sĩ phải có trình độ học vấn, tay nghề cao. Trong khi đó, mức lương, thưởng của họ lại rất thấp. Đôi khi, lương của nhân viên y tế địa phương còn thấp hơn cả thợ hồ. Họ cũng là con người bình thường như bao người khác, họ cũng biết mệt mỏi, căng thẳng, cũng phải đắn đo, có lúc so sánh chế đội đãi ngộ và áp lực công việc của mình để rồi chạnh lòng. Đó là suy nghĩ hết sức bình thường.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thừa nhận, có những ngày ông phải ký hàng chồng đơn xin nghỉ việc của nhân viên y tế. Họ cũng là con người, có gia đình, cha mẹ già, con nhỏ để chăm sóc nhưng vì công việc, vì trách nhiệm, gia đình con cái họ bị bỏ lại phía sau để nhận được những đồng lương bèo bọt, những áp lực rủi ro nghề nghiệp.

Trong đại dịch, lực lượng lao động y tế phải gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ, mỗi người làm gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày. Đã có rất nhiều mất mát, hy sinh nơi tuyến đầu… Tính đến tháng 10/2021, cả nước đã có hơn 3.200 cán bộ y tế bị lây nhiễm, 6 cán bộ tử vong trong khi đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.

Để giữ chân và thu hút y bác sĩ tại các bệnh viện, trạm y tế, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở và dự phòng từ 3-5 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả đối với những người làm chính sách, đó là hãy đặt mình vào vị trí của các nhân viên y tế để lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của họ; để thấy được thực tế công việc và những áp lực mà họ đang phải gánh chịu một mình. 

Có như vậy mới có thể đưa ra những quyết định hợp tình, hợp lý nhất, vừa giữ chân được các y bác sĩ tuyến đầu, vừa không dập tắt nhiệt huyết với nghề của họ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem