Nhiều mô hình sáng tạo xử lý rác thải tại Cần Giờ

Quang Dương Thứ hai, ngày 17/07/2023 16:24 PM (GMT+7)
Vùng biển Cần Giờ (TP.HCM) đang chịu áp lực rất lớn về rác thải nhựa. Thời gian qua địa phương nỗ lực bảo vệ môi trường, triển khai nhiều hoạt động xử lý rác thải giàu tính sáng tạo, hiệu quả.
Bình luận 0

Hiện, các mô hình xử lý rác thải, bảo vệ môi trường huyện Cần Giờ đang triển khai, như "Cá ăn rác", "Chợ xanh", "Du lịch cộng đồng"…

Nhiều mô hình hay xử lý rác thải

Để triển khai Dự án "Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Cần Giờ", huyện đang khảo sát để lắp đặt 75 mô hình "Ngôi nhà Xanh", "Cá ăn rác" tại các trường học, khu dân cư điểm du lịch sinh thái, bến đò, nhà chờ xe buýt. Đồng thời, lắp đặt 54 pano tuyên truyền về giảm rác thải nhựa phục vụ dự án.

Cũng trong Dự án "Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Cần Giờ", huyện tiếp tục triển khai các mô hình thực hiện, như: "Chợ xanh"; "Du lịch cộng đồng"; "Chương trình giảm túi ni lông tại xã Thạnh An", "điểm du lịch sinh thái Dần Xây"…

Huyện Cần Giờ xử lý rác thải bằng nhiều mô hình sáng tạo - Ảnh 1.

Huyện Cần Giờ xử lý rác thải bằng nhiều mô hình sáng tạo như: "Cá ăn rác", "Chương trình giảm túi ni lông tại xã Thạnh An". Ảnh: Phòng TNMT huyện Cần Giờ

Ngoài ra, huyện Cần Giờ còn chủ trương thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong ngành giáo dục. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học cho các em học sinh. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp thực hiện 9 nội dung liên quan đến công tác giáo dục và truyền thông bảo vệ môi trường trong trường học.

Xử lý rác thải sinh hoạt

Bên cạnh việc xử lý rác thải nhựa, huyện Cần Giờ cũng đang triển khai Đề án xây dựng khu xử lý rác sinh hoạt và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường.

Hiện nay, rác thải trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện được vận chuyển về Khu Liên hợp chất thải rắn của TP để xử lý theo quy định, với khối lượng phát sinh trung bình khoảng 41,55 tấn/ ngày. Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện thực hiện công tác thu gom, quét dọn, vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Giờ, dự án đầu tư lò đốt rác sinh hoạt quy mô 5 tấn/ngày trên địa bàn xã Thạnh An đã được UBND TP chấp thuận chủ trương. Hiện nay, các đơn vị đang triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án.

Huyện Cần Giờ xử lý rác thải bằng nhiều mô hình sáng tạo - Ảnh 3.

Người dân huyện Cần Giờ dọn rác tại khu vực bờ biển. Ảnh: C.G

Đối với dự án Khu xử lý rác xã An Thới Đông, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Giờ đã tham mưu UBND huyện kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về đăng ký danh mục các dự án đầu tư công cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Đồng thời, kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy trình thủ tục mời gọi đầu tư triển khai dự án. Tham mưu bổ sung dự án vào phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 để tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Trong thời gian tới, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện kiến nghị các sở, ngành hướng dẫn quy trình thủ tục mời gọi đầu tư dự án.

Theo kế hoạch của TP.HCM, đến năm 2030 huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường.

Thành ủy TP.HCM đã ban hành Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Mục tiêu là xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường.

Về quản lý môi trường tại thành phố Cần Giờ tương lai, Nghị quyết đặt ra các chỉ tiêu là tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật 40%...

Ngoài ra, Nghị quyết cũng đưa ra một số giải pháp để quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo đó, sẽ triển khai hiệu quả chiến lược phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 - 2040, để Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem