Những công nhân bám trụ thành phố trong đại dịch Covid-19 - Bài 1: Chờ thành phố “hồi sinh”

Chinh Hoàng Thứ hai, ngày 11/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Một số lượng lớn người lao động nghèo, họ chọn ở lại TP.HCM thay vì ùn ùn kéo nhau về quê để tránh dịch Covid-19. Khi được hỏi lý do, họ bảo: “Chờ ngày thành phố “hồi sinh”, để tiếp tục công cuộc mưu sinh trên mảnh đất quá đỗi quen thuộc, thấm đẫm nghĩa tình này”.
Bình luận 0

Lệnh mở cửa, nới lỏng giãn cách TP.HCM được ban hành chính thức vào ngày 1/10. Lúc này, nhiều người đồng loạt kéo nhau về quê.

Tuy vậy, vẫn có một số lượng lớn người dân là những lao động nghèo, họ quyết định bám trụ ở lại Sài Gòn, chờ ngày thành phố "hồi sinh" để trở lại công việc bình thường.

Điệp khúc khó khăn

"Từ đầu mùa dịch đến nay, tiền nhà trọ tôi xin khất đã ba tháng rồi, chưa có một đồng nào để trả. Tôi vẫn thấy may mắn, vì mấy ngày nay chồng tôi đã đi làm lại được rồi, mừng lắm !" - chị Nguyễn Hồng Tuyết mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt.

Chị Tuyết (29 tuổi, trú tại khu phố 6, phường 14, quận Gò Vấp) là công nhân của một công ty may mặc trên địa bàn thành phố. Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát, tính đến nay đã gần 5 tháng chị phải sống trong cảnh thất nghiệp kéo dài, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc vì dịch bệnh Covid-19.

Những công nhân ở lại trong đại dịch Covid-19 (bài 1): Chờ thành phố “hồi sinh” - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Hồng Tuyết là công nhân của công ty may mặc trên địa bàn TP.HCM ;chị tạm trú ở khu trọ, khu phố 6, phường 14, quận Gò Vấp đã được 5 năm. Ảnh: Chinh Hoàng.

Chị Tuyết cho biết: Dịch Covid-19 bất ngờ kéo đến, 2 vợ chồng chị cùng hai đứa con nhỏ chỉ biết cùng nhau gồng gánh chịu đựng suốt thời gian qua. Chị chọn ở lại Sài Gòn, thay vì phải tháo chạy về quê như bao người khác khi thành phố mở cửa. 

Hỏi lý do thì chị bảo: "Tôi đã cực khổ và chịu đựng để vượt qua khốn khó mấy tháng nay rồi. Tại sao lại phải về trong lúc này? Lỡ như về có bệnh, rồi lây cho người thân thì phải xử trí sao?".

Những ngày tháng sống trong đại dịch Covid-19, chị Tuyết cho biết: "Đó là những khoảnh khắc trong đời tôi không bao giờ quên được. Nhiều tháng liền hai vợ chồng tôi cùng những đứa nhỏ chỉ quẩn quanh ở một góc trong căn phòng trọ chật hẹp. Mọi khoản tiền dự trữ trước đó của hai vợ chồng chị đều trượt dài như xe không phanh, dùng để chi ra hết lo toan, cầm cự cho 4 miệng ăn trong gia đình".

Khó khăn càng chồng chéo lên khi cách đây hai tháng, kết quả test nhanh với Covid-19 cho thấy chị Tuyết dương tính và buộc phải đi cách ly tập trung tại một bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố. 

"Tôi đã hoảng hốt, không biết phải tính sao xách đồ đi cách ly mà trong đầu cứ như trên mây nghĩ đến hai đứa con là không thể nào ngủ được lo lắng vì thương chồng, nhớ con. Rất may tôi chỉ bị nhiễm nhẹ được các y, bác sĩ tich cực điều trị và tôi đã hồi phục rất nhanh. Đến giờ tôi nghĩ lại tôi vẫn còn run vì sợ", chị Tuyết tâm sự.

Theo chị Tuyết, khi khỏi hẳn và trở về bên gia đình tuy dịch bệnh thì ai cũng khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhưng điều may mắn đối với gia đình chị nhất, lúc này là ở khu trọ đang sống, chủ nhà trọ  rất quan tâm, san sẻ đùm bọc lẫn nhau.

Những công nhân ở lại trong đại dịch Covid-19 (bài 1): Chờ thành phố “hồi sinh” - Ảnh 3.

Vừa trò chuyện với phóng viên, chị Tuyết vừa vỗ về đứa con nhỏ. Ảnh: Chinh Hoàng.

Nhiều người, chị Tuyết không biết như thế nào, vì trước khi dịch ai nấy đều đi làm hết tối về thì nhà ai ở nhà đó.

Thế nhưng, trong trận đại dịch vừa qua lúc mà tất cả mọi người ở nhà cùng nhau, chính lúc này mới thấy sự ấm áp, chia sẻ tình cảm với nhau trong những lúc hoạn nạn.  Chị bảo: "Nói chung là chia sẻ nhau nhiều thứ lắm. Hỗ trợ thì kiểu người này hỗ trợ gạo thì người khác cho thực phẩm, người cho rau, sữa, có khi còn cho cả tã em bé nữa. Lúc đó tôi vui lắm!".

Chủ trọ nơi chị Tuyết sống cũng hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm, giảm 20% tiền phòng. Và, đồng thời cho chị Tuyết khất nợ đến 3 tháng tiền trọ.

"Ở đây gia đình nào mà chả nợ tiền trọ chị chủ, 3 tháng tiền nhà của tôi là ít đấy. Có nhiều người khất đến 4-5 tháng, nhưng chị chủ vẫn vui vẻ, cảm thông với chúng tôi lắm. Chỉ mong tình hình dịch bệnh nhanh chóng ổn được đi làm trở lại có tiền tôi sẽ trả dần cho chị chủ" - chị Tuyết kể.

Ấm áp tình người

Một lý do khiến vợ chồng chị Tuyết chọn ở lại Sài Gòn là tại khu nhà trọ này có sự sẻ chia đầy ấm áp tình người.

Theo lời chị, nơi đây, khi đại dịch xảy ra phức tạp, mọi người đều đồng sức, đồng lòng hỗ trợ nhau từng miếng ăn, từng chiếc bỉm của trẻ con... Chị Tuyết cũng như tất cả những hộ gia đình trong khu trọ này đều nhận được hỗ trợ của chị chủ trọ Đào Thị Hoa.

Chị Hoa có khu trọ tại khu phố 6, phường 14, quận Gò Vấp. Dãy trọ của chị có tổng 17 phòng, người thuê trả 1 phòng về quê trước khi dịch.

Những công nhân ở lại trong đại dịch Covid-19 (bài 1): Chờ thành phố “hồi sinh” - Ảnh 4.

Bà Đào Thị Hoa - chủ khu trọ khu phố 6, phường 14, quận Gò Vấp. Ảnh: Chinh Hoàng.

Có 36 thành viên trong 16 phòng đều trụ lại với chị Hoa trong suốt nhiều tháng đại dịch . Những người này cho biết họ không muốn về quê ngay lúc này. Thành phố đã mở cửa Họ chỉ chờ ngày thành phố ổn định hơn một tí nữa để bắt tay vào làm lại từ đầu.

Chị Hoa cho hay, số người trong khu trọ này, khi thành phố mở cửa đi làm trở lại chỉ có 8 người. Một số người đi bán hàng rong, hàng dạo vẫn chưa được đi bán trở lại.

Thời gian qua, chị tặng người trọ gạo, mì gói và trứng. Sau đó là giảm 20% tiền nhà trọ tính từ tháng 6 đến nay.

"Không có nguồn thu hàng tháng, nhưng tôi vẫn cho họ thiếu lại và chừng nào họ đi làm được tích lũy được bao nhiêu thì trả dần dần bấy nhiêu. Chứ bây giờ tôi thấy hoàn cảnh ai cũng khổ hết mình giúp được cái gì thì giúp thôi"- chị Hoa chia sẻ.

Theo chị Hoa, riêng bên lãnh đạo phường chị đang sống, họ rất quan tâm đến những anh em công nhân đang thuê nhà trọ. Hiện tại, những anh em công nhân đang sống tại chỗ chị, đều nhận được các gói hỗ trợ an sinh. Và mới đây nhất chị Hoa cho biết, họ đã nhận được gói hỗ trợ đợt 3.

"Vừa qua, tôi thấy mọi người đổ xô về quê rất nhiều khi thành phố mở cửa. Tuy nhiên, tại khu nhà trọ của tôi thì rất ít; thậm chí là không có những trường hợp như vậy. Chính tôi, đã đứng ra khuyên bảo mọi người ở đây nên nán lại, vì khi ùa về như vậy rất là nguy hiểm cho chính bản thân và còn cho người thân nữa. Tiền bạc sẽ có ngày làm ra và trả được, nhưng mạng sống là điều quan trọng nhất. Tôi không muốn mọi người nghĩ sâu xa. Tôi thấy mọi người ai cũng đồng lòng ở lại, như vậy là tôi mừng lắm rồi", chị Hoa xúc động kể.

Chị Hoa là người gốc Sài Gòn, chị nghẹn ngào nói: "Từ nhỏ đến lớn bây giờ, tui không thấy khi nào Sài Gòn như vậy cả. Khi nhìn những đứa trẻ con khóc rống lên vì khát sữa, hay những cụ già không người thân thích, phải chống gậy đi xin cơm ăn trong mùa dịch này tui đau xót lắm! Cầu mong dịch bệnh sớm qua đi. Anh em công nhân ở đây còn nhiều người phải nuôi cha mẹ già ở quê, nuôi con cái ăn học nữa".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem