Nông dân một xã ở Lào Cai khá giả lên nhờ trồng thứ chè đặc biệt, bán sang tận châu Âu

Thanh Tùng Thứ ba, ngày 20/06/2023 06:00 AM (GMT+7)
Là một xã vùng cao khó khăn của huyện Bắc Hà, (tỉnh Lào Cai) cuộc sống người dân xã Bản Liền trước đây còn cực khổ. Từ ngày nông dân trồng, chăm sóc cây chè shan tuyết cổ thụ, chế biến trà xuất khẩu sang thị trường châu Âu thì đời sống bà con đang khá giả lên...
Bình luận 0
Nông dân một xã ở Lào Cai khá giả lên nhờ trồng thứ chè đặc biệt, bán sang tận châu Âu - Ảnh 1.

Cuộc sống đổi thay nhờ cây chè cổ thụ

Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30km, xã Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) được thiên nhiên ưu ái ban tặng khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển cây chè. Những gốc chè cổ thụ tại đây có tuổi đời hàng trăm năm. 

Thậm chí những người cao tuổi nhất ở Bản Liền cũng không biết cây chè shan tuyết có ở mảnh đất này từ bao giờ. Bao đời nay, những gốc chè mọc cheo leo trên sườn núi dốc được người dân vẫn đến thu hái, mang về uống tươi, sao khô bán ra thị trường hoặc làm quà biếu khách quý.

Clip: Quy trình sản xuất chè shan tuyết xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại xã Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Clip: Thanh Tùng.

Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp không ít khó khăn, nhiều hộ ở Bản Liền gần như bỏ hoang nương chè cho cỏ dại xâm lấn. Xác định chè là cây có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nên năm 2004, huyện Bắc Hà đã thành lập Hợp tác xã chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn. 

Khi hợp tác xã được thành lập, người dân đã thay đổi nhận thức và quan tâm phát triển cây chè. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay xã đã có hơn 300 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã chè Bản Liền.

Nông dân một xã nơi cao nguyên trắng Bắc Hà bỗng thoát nhờ xuất khẩu loại chè đặc biệt sang tận trời Âu - Ảnh 2.

Ông Lâm A Tương bán lại số chè sau khi thu hái cho Hợp tác xã chè Bản Liền.

Trở về sau một buổi sáng hái chè trên núi, lão nông Lâm A Tương 82 tuổi, người dân tộc Tày (Bắc Hà, Lào Cai) mang thành quả của một ngày lao động tới bán cho Hợp tác xã chè Bản Liền. Ông cho biết: "Gia đình có 9 người con, là người dân tộc thiểu số nên chủ yếu làm nông. Trước đây chưa có Hợp tác xã thu mua chè chúng tôi bán chỉ được 4-5 nghìn đồng/cân, nay họ thu mua được tới 18 – 20 nghìn nên bà con cũng phấn khởi trồng".

Theo chia sẻ của lão nông này, với khoảng 4 ha cây chè, trồng gần 100 gốc, vào vụ mỗi ngày gia đình ông thu hoạch khoảng 20 – 30 cân búp chè tươi. Công chăm sóc không mấy vất vả, khí hậu lại hợp nên chè cho năng suất cao. Từ ngày làm thành viên hợp tác xã đã theo hướng dẫn đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật chè hữu cơ, chè sạch, không sử dụng hóa chất. Vụ này ước tính gia đình ông thu về 30 – 40 triệu đồng.

Nông dân một xã nơi cao nguyên trắng Bắc Hà bỗng thoát nhờ xuất khẩu loại chè đặc biệt sang tận trời Âu - Ảnh 3.

Chị Lâm Thị Duyên làm việc tại tại xưởng chè của Hợp tác xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Làm việc tại xưởng chè của Hợp tác xã chè Bản Liền đã 4 năm, chị Lâm Thị Duyên, người dân tộc Tày tại xã Bản Liền cho hay: "Người dân ở đây chủ yếu sống nhờ cây chè. Trước đây chủ yếu chỉ trồng ngô, từ khi có Hợp tác xã thu mua, đảm bảo đầu ra nên nông dân chuyển sang trồng chè.

"Ngoài làm việc tại xưởng, gia đình tôi cũng có 2 ha cây chè, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng hơn 4 triệu đồng. Cây chè shan ở đây rất dễ trồng, 2 năm là bắt đầu thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ đi hái chè tươi mang nhập cho Hợp tác xã cũng được khoảng 15 - 20 triệu đồng/vụ".

Nông dân một xã nơi cao nguyên trắng Bắc Hà bỗng thoát nhờ xuất khẩu loại chè đặc biệt sang tận trời Âu - Ảnh 4.

Anh Phạm Quang Thận - Giám đốc Hợp tác xã chè hữu cơ Bản Liền giới thiệu về sản phẩm của địa phương mình.

Tự hào với sản phẩm chè shan nức tiếng của địa phương, anh Phạm Quang Thận - Giám đốc Hợp tác xã chè hữu cơ Bản Liền chia sẻ: "Chè shan hữu cơ Bắc Hà chủ yếu xuất sang thị trường khó tính Pháp và Mỹ từ năm 2010. Mỗi một lô chè thành phẩm, trước khi xuất phải xét nghiệm đảm bảo không khói, không thuốc bảo vệ thực vật. Thị trường chủ yếu của Hợp tác xã chè Bản Liền là Pháp, mỗi năm chúng tôi thu mua khoảng hơn 600 tấn chè tươi, thành phẩm hơn 100 tấn chè khô, 90% xuất sang Châu Âu, còn lại cung cấp thị trường trong nước.

Theo chia sẻ của anh Thận, chè shan tuyết ở Bản Liền ngon nhất là vụ xuân khi sản phẩm búp chè pha nước, màu nước xanh đẹp, vị ngọt hậu và hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hợp tác xã chè Bản Liền đang sản xuất hơn 10 loại chè khác nhau, giá giao động từ 600 – 700 nghìn đồng/cân, loại đắt nhất là chè sen lên tới 5 triệu đồng/cân.

Theo tìm hiểu, Hợp tác xã có khoảng hơn 300 hộ tham gia cung ứng búp chè tươi, thường xuyên tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây chè Shan cho bà con. Giải quyết việc làm cho 12 công nhân đang làm việc trực tiếp tại xưởng.

Thương hiệu chè Bản Liền nức tiếng tại châu Âu

Chia sẻ với Dân Việt, ông Hoàng Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: "Hiện nay địa phương đang định hướng một số sản phẩm du lịch kết nối các địa phương trong thời gian tới kết hợp du lịch cộng đồng tại các bản Nghĩa Đô (Bảo Yên), Bản Liền, Bản Phố, Na Lo (Bắc Hà) – Bản Mế (Si Ma Cai) trong đó chè shan tuyết hữu cơ Bắc Hà là một trong những sản phẩm chủ lực.

Vùng chè Shan tuyết Bản Liền đã và đang khẳng định là cây chủ lực giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào.  Đặc biệt, với truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Tày, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, Bản Liền được tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà lựa chọn là vùng trọng điểm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng homestay, du lịch sinh thái, miệt vườn, trải nghiệm vùng chè Shan tuyết cổ thụ".

Nông dân một xã nơi cao nguyên trắng Bắc Hà bỗng thoát nhờ xuất khẩu loại chè đặc biệt sang tận trời Âu - Ảnh 5.

Thương hiệu chè Bản Liền đủ điện kiện, chứng nhận xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Hiện chè Bản Liền đã có tên trên bản đồ chè quốc tế, được cấp 3 chứng nhận thẩm định chất lượng từ Hoa Kỳ và EU. Từ nhiều năm nay, đã xuất khẩu, chỉ cung ứng một lượng nhỏ cho thị trường trong nước.

Trung bình mỗi năm, người dân Bản Liền xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường nội tiêu trong nước khoảng 600 - 1.000 tấn chè búp tươi, mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Trung bình mỗi ha chè của xã có thể đem lại nguồn thu từ 80 - 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa, trồng ngô.

Bên cạnh việc cung ứng chè cho HTX, doanh nghiệp, nhiều hộ dân ở Bản Liền còn tự sao và chế biến chè búp khô bán phục vụ tại địa phương và tại huyện cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Cùng với việc được công nhận sản phẩm OCOP, chè hữu cơ Bản Liền được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị cao hơn trong tương lai, cải thiện thu nhập cho người dân.

Nông dân một xã ở Lào Cai khá giả lên nhờ trồng thứ chè đặc biệt, bán sang tận châu Âu - Ảnh 7.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem