Phát huy tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Mai Hương Thứ hai, ngày 19/06/2023 06:12 AM (GMT+7)
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, “Bữa cơm yêu thương” luôn là nơi gắn kết, sẻ chia yêu thương, ấm áp như bữa cơm gia đình.
Bình luận 0

Mong ngóng đến ngày thứ 7

Thứ 7 hàng tuần, đội ngũ “Phiên chợ trái tim” lại tất bật chuẩn bị “bữa cơm nhà” dẻo thơm đón những “người nhà” quen thuộc về dùng bữa. Chương trình diễn ra tại địa chỉ quen thuộc số 1 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, thực đơn tuần này gồm có: 400 suất xôi ruốc, chả, trứng vào buổi sáng và cơm trưa cùng thịt kho trứng, tôm rang lá chanh, rau củ luộc, canh ngao và hoa quả tráng miệng.

1.000 suất cơm trưa đã được trao cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Không khí diễn ra chương trình vô cùng sôi nổi và đầy ắp tiếng nói cười.

Bà Nguyễn Thị Thu (70 tuổi, Hà Nam) đã cùng chồng chiến đấu với bệnh tật hơn 3 năm nay tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Tuổi đã cao còn thêm phần đau ốm, chồng nằm viện, mắt bà cũng bị hỏng một bên, bà thường tiết kiệm chi phí ăn uống của mình để lo thuốc thang cho ông. 

Phát huy tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” - Ảnh 1.

Sau khi nhận cơm, bà Thu trở về viện ăn cùng chồng. Ảnh: Mai Hương

Bà Thu chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi đến với chương trình, biết đến chương trình qua chia sẻ của mọi người trong viện nên tuần trước tôi có đi cùng mọi người ra ăn. Tôi cảm nhận được hương vị của bữa cơm gia đình tại đây khi mà tất cả mọi người đều thân thiện, tình cảm và nhiệt huyết. Tôi với ông nhà rất mong đến thứ 7 để có thể tham gia chương trình, được mang cơm về cùng ăn với nhau".

Hơn ai hết, bà Thu hiểu được cảm giác khó khăn của gia đình những bệnh nhân khác, sau lần đầu tiên đến với chương trình, bà đã về chia sẻ và nhiệt tình hướng dẫn những bệnh nhân khác, với tinh thần tương thân tương ái, mong muốn lan tỏa giá trị tốt đẹp của chương trình tới mọi người.

Với bà Nguyễn Thị Nhân (SN 1967, Hà Tĩnh), 15 năm dài đằng đẵng một mình bà đấu tranh với bệnh tật là 15 năm bà gắn bó với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Không có người nhà đi cùng chăm sóc, không có nguồn thu nhập, thêm người cha già  bị tai biến ở quê hương, bà Nhân không đủ điều kiện kinh tế mua thuốc uống để chữa bệnh cũng như có những bữa cơm no. Bà thường xin cơm thừa của những bệnh nhân khác trong phòng hoặc chờ đợi một bữa cơm từ thiện để chia ra ăn cả ngày.

Phát huy tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” - Ảnh 2.

Bà Nhân ngồi buồn bã sau khi chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người. Ảnh: Mai Hương

Đến với “Phiên chợ trái tim”, bà Nhân chia sẻ: “Tôi chỉ mong những chương trình như thế này diễn ra thường xuyên hơn, để những người như tôi có đủ cơm ăn mỗi ngày. Do sức khỏe yếu, đi chậm nên tôi và một số bệnh nhân khác cũng đi bộ ra đây từ rất sớm. Xin gửi lời cảm ơn đến những tấm lòng hảo tâm đã tổ chức được bữa cơm ý nghĩa như thế hàng tuần, cũng mong mọi người giữ gìn sức khỏe để có thể giúp đời, giúp người nhiều hơn nữa".

“Hơn cả một bữa cơm” 

Xuất phát từ sự thấu hiểu với những hoàn cảnh khó khăn mà bệnh nhân cũng như người nhà phải trải qua, chương trình “Bữa cơm yêu thương” luôn mong muốn lan tỏa sự yêu thương, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” qua từng suất cơm.

Phát huy tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” - Ảnh 3.

Không chỉ là một bữa cơm, đó còn là sự chia sẻ, thấu hiểu. Ảnh: Thế Hiển

Nhà báo Tống Hương – Phó Trưởng ban Bạn đọc phụ trách mảng Nhịp cầu nhân ái Báo NTNN/Điện tử Dân Việt chia sẻ: “Đồng cảm với người nhà bệnh nhân và những người bệnh đang từng phút giây chống chọi với bệnh tật, chúng tôi luôn mong muốn mang đến những bữa ăn ấm nóng, đảm bảo chất lượng, giống với bữa cơm gia đình. Tỉ mẩn trong từng khâu chuẩn bị nguyên liệu, đến sơ chế và nấu ăn, chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng, ở đây luôn có chúng tôi ủng hộ, động viên, kề vai sát cánh, sẻ chia như những người trong gia đình".

Phát huy tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” - Ảnh 4.

Dù nắng nóng, nhưng các tình nguyện viên vẫn niềm nở phục vụ "thực khách đặc biệt" của chương trình. Ảnh: Mai Hương

Mặc kệ nắng nóng, các tình nguyện viên của chương trình luôn có mặt từ rất sớm, người vo gạo nấu cơm, người làm rau củ, người chuẩn bị thức ăn. Mọi hoạt động diễn ra một cách nhịp nhàng, nhưng luôn được chăm chút, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ, luôn đảm bảo mọi thứ được sạch sẽ, vệ sinh, để đảm bảo cho sức khoẻ của người bệnh.

Là cộng tác viên mới của “Bữa cơm yêu thương”, bạn Nguyễn Đỗ Thúy Quỳnh (SN 2001, sinh viên Trường Đại học Thuỷ Lợi) biết đến chương trình thông qua các bài đăng của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và các bài chia sẻ trên mạng xã hội, sau khi tìm hiểu các thông tin liên quan, bạn đã liên hệ với mong muốn trở thành tình nguyện viên cùng góp sức giúp đỡ cộng đồng. 

Phát huy tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” - Ảnh 5.

Có mặt từ sáng sớm, bạn Thúy Quỳnh cùng tham gia hỗ trợ phát xôi, phát cơm cho bệnh nhân. Ảnh: Thế Hiển

Có mặt từ sáng sớm, Thúy Quỳnh cùng mọi người luôn chân luôn tay từ phát xôi, chuẩn bị thực phẩm, sắp xếp bàn ghế, khay cơm, Quỳnh chia sẻ: “Mình nghĩ rằng sẽ chỉ có các bà các mẹ, nhưng có những tình nguyện viên bé cũng chỉ mới 4 tuổi, hay những bạn sắp tới thi chuyển cấp, thi đại học cũng tham gia. Mình cảm nhận được đây không chỉ là bữa ăn thiện nguyện thông thường, mà còn chứa đựng sự ấm áp, yêu thương của tất cả mọi người, mình như được tiếp thêm động lực cho những việc thiện nguyện như thế này. Dù không góp phần lớn lao gì, nhưng mình cảm thấy những việc làm nhỏ này của mình vô cùng ý nghĩa, nhìn từng suất cơm được trao đi, nhận lại sự trân quý từ những thực khách tới ăn, mình thấy rất xúc động!”.

Phát huy tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” - Ảnh 6.

Tình nguyện viên trao tặng những phần tráng miệng cho các "thực khách đặc biệt". Ảnh: Thế Hiển


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem