Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Người khó khăn, thu nhập thấp phải được mua hàng bình ổn giá

Bạch Dương Thứ ba, ngày 30/01/2024 13:27 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu các sở, ngành, địa phương chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng, bảo đảm chất lượng, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình bình ổn trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán.
Bình luận 0
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Người khó khăn, thu nhập thấp phải được mua hàng bình ổn giá- Ảnh 1.

Nguồn hàng tại các chợ đầu mối đảm bảo không thiếu hụt. Ảnh: B.D

Đảm bảo tất cả mọi người dân đều có Tết

Trước lo ngại của ông Trần Ngọc Phát, cử tri ở chợ Rạch Ông (quận 8) về việc cận Tết Nguyên đán, các hệ thống phân phối bị quá tải do nhu cầu mua sắm tăng cao, người dân không có được thông tin cụ thể về nguồn hàng, các chương trình bình ổn giá, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, chương trình bình ổn thị trường năm nay doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành, góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra khan hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá. 

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp dành hơn 22.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa phục vụ 2 tháng Tết, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Dự kiến, cận Tết lượng hàng nhập về các chợ đầu mối tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày. Các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị… cũng đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. 

Các đơn vị cũng sẵn sàng tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường, đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động, để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương, từ giữa tháng 11/2023, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó tập trung kiểm tra chặt chẽ các nhóm mặt hàng thiết yếu và có nguy cơ, đặc biệt thường xuyên tập trung kiểm tra tại các khu vực địa bàn nổi cộm, các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại và các nhóm hàng hóa trọng điểm.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu các sở, ngành, địa phương chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng, bảo đảm chất lượng, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình bình ổn. Đồng thời mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, thu nhập trung bình và thấp.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng.

Ông Đức cũng yêu cầu thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho người dân; chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần người lao động, nhất là người lao động không có điều kiện về quê đón Tết, với phương châm không để sót trường hợp nào không có Tết, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có Tết yên vui, đầm ấm.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Người khó khăn, thu nhập thấp phải được mua hàng bình ổn giá- Ảnh 3.

TP.HCM đảm bảo cung ừng đủ hàng hoá dịp Tết. Ảnh: B.D

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM Huỳnh Lê Như Trang cho biết, năm nay TP.HCM tổ chức các hoạt động và kinh phí chăm lo với tổng kinh phí hơn 1.102 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố là 915 tỷ đồng, để chăm lo 625.442 trường hợp các diện chính sách có công, cán bộ hưu trí, diện người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội.

Với thông điệp "không để ai bị bỏ lại phía sau", Sở LĐTB-XH đã rà soát, đề xuất bổ sung các thêm các đối tượng được chăm lo Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, tăng mới diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thật sự khó khăn; trẻ em có cha hoặc mẹ là đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội thật sự khó khăn.

Đồng thời, tăng mới diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo bộ tiêu chí đo lường nghèo đa chiều của thành phố; người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên sống đơn thân, neo đơn…

Theo Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, với tinh thần không để người nghèo, khó khăn nào không có điều kiện đón Tết, từ tháng 11/2023, Ủy ban MTTQ đã rà soát, trong đó, chăm lo hơn 15.000 người bị ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm nhân sự của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dành một phần để tặng quà đến người khó khăn ở các tỉnh thành khác.

Dự kiến tổng kinh phí chăm lo Tết năm nay khoảng hơn 220 tỷ đồng từ các nguồn quỹ và ủng hộ của các doanh nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem