Sản phẩm làng nghề - ứng cử viên sáng giá của Chương trình OCOP TP.HCM

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 08/11/2022 11:51 AM (GMT+7)
Sản phẩm của các làng nghề truyền thống tại TP.HCM như bánh tráng, rổ rá, mành trúc, nhang... đều là những sản phẩm mang lợi thế so sánh của địa phương và là ứng cử viên sáng giá cho Chương trình OCOP.
Bình luận 0

Sản phẩm làng nghề, mang tính địa phương cao

Huyện Bình Chánh, TP.HCM nổi tiếng với làng nghề se nhang tại xã Lê Minh Xuân. Đây cũng là một trong những làng nghề có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao tại TP.HCM và đặc biệt, góp phần giữ gìn làng nghề truyền thống của địa phương. Theo những người cao niên tại xã Lê Minh Xuân, nghề se nhang đã có từ rất lâu trên địa bàn, được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Tổ hợp tác se nhang của bà Nguyễn Cát Bụi Thúy có quy mô lớn nhất tại làng nghề se nhang xã Lê Minh Xuân. Bà Thúy cho biết hiện tổ hợp tác giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 200.000 - 250.000 đồng/ngày, tương đương 6-7 triệu đồng mỗi tháng.

Sản phẩm làng nghề - "ứng cử viên" sáng giá của Chương trình OCOP TP.HCM - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Cát Bụi Thúy - tổ trưởng tổ hợp tác se nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Đ.Thanh

Se nhang từ năm 17 tuổi, bà Thúy hiểu rõ đặc thù của công việc này cũng như có các biện pháp hỗ trợ các gia đình cùng tham gia vào tổ hợp tác làm nhang. Trước đây, người dân thường se nhang bằng tay, bột nhang, bột áo, tăm được trải trên mặt bàn. Việc làm nhang hoàn toàn thủ công nên năng suất khá thấp. Trung bình mỗi người chỉ có thể se được 8.000 - 10.000 cây nhang (8-10 thiên).

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhiều cơ sở đã đầu tư máy se nhang giúp giải phóng sức lao động, sản lượng tăng lên gấp 6-7 lần. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là nhang vòng và nhang cây đủ kích cỡ. Dù năng suất sản xuất tăng mạnh nhưng đầu ra ổn định từ trong nước đến xuất khẩu.

Năm 2022, sản phẩm nhang tại làng nghề se nhang xã Lê Minh Xuân của bà Nguyễn Cát Bụi Thúy được TP.HCM công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM. Bà Thúy đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình, thủ tục, hướng đến đưa sản phẩm của làng nghề tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại TP.HCM.

Nhiều sản phẩm làng nghề tiềm năng

Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2021-2025 xác định sản phẩm của các làng nghề nông thôn, dựa trên các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu và tri thức bản địa là sản phẩm tiềm năng tham gia vào Chương trình OCOP.

TP.HCM hiện có 6 làng nghề truyền thống nằm tại các huyện ngoại thành. Sản phẩm của các làng nghề đều là những sản phẩm mang lợi thế so sánh của địa phương.

Sản phẩm làng nghề - "ứng cử viên" sáng giá của Chương trình OCOP TP.HCM - Ảnh 2.

Sản phẩm bánh tráng của các hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Huyện Củ Chi có 3 làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, rổ rá và mành trúc. Thời gian qua, một số sản phẩm của các làng nghề này đã xuất khẩu đi nước ngoài.

Tại xã Phú Hòa Đông, có làng nghề bánh tráng rất nổi tiếng với 1 HTX, 15 hộ sản xuất thủ công, 59 cơ sở sản xuất bằng máy, 7 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu và 6 cơ sở thu mua. Tổng số lao động tham gia sản xuất thường xuyên trên 3.000 lao động. Làng nghề đan lát Thái Mỹ (huyện Củ Chi) có các sản phẩm nia, tràng, thúng, rổ, rá… Tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) có làng nghề làm mành trúc, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 440 người.

Tại huyện Hóc Môn, làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn có 20 hộ tham gia sản xuất, tổng số lao động khoảng 20 người, sản phẩm đặc trưng là giỏ cần xé. Huyện Bình Chánh, TP.HCM nổi tiếng với làng nghề se nhang tại xã Lê Minh Xuân.

Huyện Cần Giờ với điều kiện tự nhiên đặc trưng của vùng duyên hải ven biển, có làng nghề làm muối Lý Nhơn. Làng nghề có 480 hộ sản xuất, năng suất muối bình quân đạt 89 tấn/ha/năm, tổng sản lượng đạt trên 88.000 tấn/năm.

Sản phẩm làng nghề - "ứng cử viên" sáng giá của Chương trình OCOP TP.HCM - Ảnh 4.

Nghề làm muối tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: C.L

Đại diện Sở NNPTNT TP.HCM cho biết thời gian qua, một số HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tại các làng nghề đã chủ động, sáng tạo phát triển sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho những sản phẩm làng nghề.

Chẳng hạn, tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, một số doanh nghiệp sản xuất đã làm thành công bánh tráng dưa hấu, bánh tráng thanh long, bánh tráng khoai lang tím, bánh tráng từ các loại củ, hạt… Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm này khá tốt.

Các doanh nghiệp tại làng nghề còn phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, độc lạ như bún, hủ tiếu mì làm từ bột gạo, trộn với các loại nông sản làm bún, hủ tiếu, mì khoai lang tím, dưa hấu, ống hút thân thiện môi trường... được đánh giá cao, người tiêu dùng ưa chuộng. 

Đây là những sản phẩm rất tiềm năng của Chương trình OCOP, góp phần phát huy giá trị sản phẩm địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển bền vững kinh tế khu vực nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem