Sản phẩm OCOP TP.HCM đẩy mạnh xúc tiến thương mại sau đại dịch Covid-19

Quang Sung Thứ bảy, ngày 10/09/2022 06:30 AM (GMT+7)
Sau đại dịch Covid-19 là thời điểm các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, đẩy nhanh quá trình đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Bình luận 0

Thời điểm ngặt nghèo

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi, TP.HCM) là đơn vị có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Trong đó có một sản phẩm đang được đề cử lên trung ương công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao. Tuy nhiên để đạt được thành quả như hôm nay, doanh nghiệp đã trải qua một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Sản phẩm OCOP TP.HCM đẩy mạnh xúc tiến thương mại sau đại dịch - Ảnh 1.

Sản phẩm bột rau má uống liền của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt hiện là sản phẩm duy nhất của huyện Củ Chi đạt OCOP 4 sao. Ảnh: Quang Sung

Bà Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt cho biết, năm ngoái việc đánh giá sản phẩm OCOP diễn ra vào lúc cao điểm dịch Covid-19, do đó có nhiều bất cập. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên chúng tôi không được trực tiếp nghe những đánh giá khách quan từ hội đồng cơ sở. Chúng tôi cũng không có cơ hội được kể câu chuyện về sản phẩm, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sản phẩm OCOP và bảo vệ trước hội đồng”, bà Hương cho biết.

Đại dịch Covid-19 đã làm cho việc đứt gãy chuỗi cung ứng ở TP.HCM trở nên nghiêm trọng. Thành phố đã phải hoãn chương trình OCOP để tập trung chống dịch. Chính vì vậy công tác đánh giá sản phẩm OCOP ở TP.HCM có phần chậm hơn các địa phương khác. 

“Các doanh nghiệp ở TP. HCM như chúng tôi cũng bị đánh giá trễ hơn so với các tỉnh thành khác. Điều đó cũng làm cho chúng tôi giảm cơ hội quảng bá OCOP so với nhiều địa phương khác”, bà Hương nói.

Tại địa bàn Củ Chi, có 8 đơn vị đang chờ phê duyệt các sản phẩm đăng ký OCOP năm 2022. Trong đó gồm Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huynh Đệ Tề Hùng, Công ty TNHH Tập đoàn năng lượng 102, Công ty TNHH kinh doanh Thịnh Phát Đạt, Công ty TNHH Chánh Phong, Công ty cổ phần MeKong Herbals, HTX Một thoáng Việt Nam, Cơ sở bánh tráng Thành Danh và Cơ sở sản xuất chả lụa Duyên.

Sản phẩm OCOP TP.HCM đẩy mạnh xúc tiến thương mại sau đại dịch - Ảnh 3.

Sản phẩm snack nấm của HTX Một thoáng Việt Nam đang chờ phê duyệt OCOP. Ảnh: Quang Sung

Bà Lý Dương Hà - đại diện HTX Một thoáng Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã gửi hồ sơ đăng ký OCOP cho sản phẩm snack nấm, hiện đang chờ phê duyệt. “Việc xét chuẩn OCOP ở TP.HCM có thể sẽ lâu hơn các địa phương khác, do số lượng sản phẩm tham gia đông. Đồng thời thành phố vừa trải qua đợt giãn cách lịch sử, nên việc xét OCOP cũng bị ảnh hưởng phần nào”, bà Hà nói.

Đi sau, càng phải đi nhanh

Nhận thấy sau đại dịch, đây là thời cơ để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến với người tiêu dùng, đồng thời tác động, đẩy nhanh tiến độ OCOP hóa các sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Tại huyện Củ Chi, nơi có nhiều sản phẩm đang chờ được công nhận đạt OCOP, các đơn vị tích tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Vừa qua UBND huyện Củ Chi đã tổ chức Ngày hội văn hóa, ẩm thực và du lịch huyện Củ Chi năm 2022, tại đây có khu vực gian hàng trưng bày dành riêng cho các sản phẩm đã và sắp đạt OCOP. Trong đó có thể kể đến các sản phẩm như: Bột sả gừng chanh, bánh tráng, trái cây sấy, chả lụa, bánh tráng,...

Sản phẩm OCOP TP.HCM đẩy mạnh xúc tiến thương mại sau đại dịch - Ảnh 4.

Tại Củ Chi có 2 đơn vị sản xuất trái cây sấy gửi hồ sơ đăng ký OCOP là Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huynh Đệ Tề Hùng và Công ty TNHH kinh doanh Thịnh Phát Đạt. Ảnh: Quang Sung

“OCOP là một chương trình mục tiêu quốc gia dài hạn, chúng tôi cũng đang rất nỗ lực cùng với các ban ngành ở thành phố thúc đẩy toàn diện, quảng bá sản phẩm OCOP. Chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành của tất cả các cấp chính quyền”, bà Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt bày tỏ.

Đầu tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg. Trong đó có những quy định cụ thể về quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, như:

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.

Xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam (nhãn hiệu chứng nhận); tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường.

Thử nghiệm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; các tuyến phố OCOP; hệ thống phân phối sản phẩm OCOP trên các phương tiện giao thông; các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số (Làng thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hội chợ và triển lãm thực tế ảo OCOP); các Trung tâm giới thiệu OCOP đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn.

Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.

Xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế; nâng cao năng lực hệ thống logistic trong thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP quốc gia.

Xây dựng Không gian triển lãm và phát triển sản phẩm OCOP quốc gia nhằm quảng bá, giới thiệu, đào tạo, kết nối cung - cầu và thị trường sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại nhằm phát triển sản phẩm OCOP ra thị trường nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem