TP.HCM: Sẽ xây dựng bộ tiêu chí OCOP cho sản phẩm cây kiểng, cá cảnh

Mai Ánh Chủ nhật, ngày 04/09/2022 15:16 PM (GMT+7)
Các sản phẩm cây kiểng, cá cảnh được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương về tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm đối với những sản phẩm này.
Bình luận 0

Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết, Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới TP.HCM đã tham mưu cho UBND Thành phố về việc xây dựng tiêu chí OCOP cho sản phẩm cây kiểng và cá cảnh.

OCOP - Động lực để phát triển kinh tế

Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP ở TP.HCM đã gia tăng về số lượng, đa dạng về chủng loại, nâng cao về chất lượng, hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền.

Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tạo liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đạt Butter là doanh nghiệp xã hội đồng hành nhằm giúp nông dân cải thiện thu nhập bằng cách hướng dẫn họ trồng và sản xuất các sản phẩm từ hạt thuận tự nhiên. Năm 2021, Đạt Butter có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao là bơ đậu phộng mịn và bơ đậu phộng hạt. 

Ông Bùi Thăng Long -  Đại diện Công ty TNHH Đạt Butter chia sẻ: “Đạt Butter là doanh nghiệp xã hội nhằm giúp nông dân cải thiện thu nhập bằng cách hướng dẫn họ trồng và sản xuất các sản phẩm từ hạt hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất”. Thị trường của Đạt Butter là các cửa hàng thực phẩm sạch, các tiệm bánh cao cấp trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. 

Theo ông Bùi Thăng Long, chương trình OCOP đã giúp các cá nhân, doanh nghiệp truyền thông quảng bá các sản phẩm đặc trưng của từng vùng, miền đến người tiêu dùng. 

TP.HCM: Sẽ xây dựng bộ tiêu chí OCOP cho sản phẩm cây kiểng, cá cảnh   - Ảnh 2.

Cơ sở sản xuất bơ đậu phộng đạt chuẩn OCOP 4 sao Đạt Butter (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: Mai Ánh

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình OCOP, ông Lưu Cẩm Hùng - Giám đốc HTX Hoa lan Đa Phước (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết: “Chương trình OCOP góp phần hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Các sản phẩm hoa kiểng, cá cảnh thiên về nghệ thuật và tùy thuộc vào tư duy thẩm mỹ của từng người, vì thế để có bộ tiêu chí để đánh giá hoa kiểng rất khó. Tuy vậy, tôi vẫn mong muốn sớm có bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm hoa kiểng cho nông dân theo tiên chuẩn OCOP”. Hiện, ông Hùng đang sở hữu vườn lan 12.000m2 với hơn 200.000 loài hoa dòng dendro, doanh thu trung bình 5,5 tỷ đồng/năm. 

"Để khách hàng tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp, công ty thì phải có chứng nhận của cơ quan nhà nước hay một tổ chức uy tín. Như thế doanh nghiệp, công ty mới tự tin làm chủ thị trường", ông Hùng chia sẻ thêm.

 Sẽ xây dựng bộ tiêu chí OCOP cho sản phẩm cây kiểng, cá cảnh

Mặt hàng cá cảnh ở TP.HCM có thị trường tiêu thụ lớn, kể cả xuất khẩu, được nuôi nhiều tại Củ Chi và Bình Chánh. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 1 HTX và 4 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nuôi cá cảnh. HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn (huyện Củ Chi) có hoạt động chính là nuôi trồng và mua bán cá cảnh, hiện có 50 hộ sản xuất và cung cấp cá cảnh cho HTX. Doanh thu đạt 84 tỷ đồng/năm, thị trường tiêu thụ chính của HTX là xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á. 

Về sản phẩm hoa, lá kiểng, trên địa bàn Thành phố đã sưu tập, lưu trữ được 273 giống hoa, cây kiểng. Đồng thời, tiếp tục duy trì, bảo dưỡng vườn sưu tập hoa, lá kiểng; duy trì giống bằng phương pháp lưu nguồn mẫu in vitro; tạo cơ sở dữ liệu bằng file điện tử lưu trữ nguồn gốc, mô tả đặc điểm nông sinh học và hình ảnh các giống hoa, cây kiểng. 

TP.HCM: Sẽ xây dựng bộ tiêu chí OCOP cho sản phẩm cây kiểng, cá cảnh   - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân mong muốn sớm ban hành bộ tiêu chí chứng nhận OCOP cho sản phẩm cây kiểng, cá cảnh để tạo niềm tin, uy tín với khách hàng. Ảnh: Mai Ánh

Sản phẩm cây kiểng, cá cảnh là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá và phân hạng đối với những sản phẩm này.

Theo bà Hoàng Thị Mai, sản phẩm cây kiểng, cá kiểng phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, có giá trị kinh tế rất cao, được xác định là sản phẩm OCOP của TP.HCM. Vì vậy, TP.HCM có thể xây dựng riêng tiêu chí đánh giá cho những sản phẩm này. “Hiện, Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới của Thành phố đã kiến nghị với Trung ương về việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cho sản phẩm cây kiểng, cá cảnh”, bà Mai nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem