"Sự nghiệp tình thương" của người phụ nữ mang bệnh hiểm nghèo

Bảo Yến Thứ sáu, ngày 09/02/2024 07:58 AM (GMT+7)
Dù mang trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung, nhưng trái tim của người phụ nữ ấy vẫn đong đầy sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thu Phương (SN 1976) Tổ dân phố Yên Nội, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội).
Bình luận 0

Xuất phát từ sự đồng cảm và thấu hiểu

Chúng tôi gặp bà Phương trong một buổi từ thiện, khi bà và các nhà hảo tâm trao tặng những suất bún miễn phí và quà Tết cho bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Viện Huyết học). Ít ai biết rằng, người phụ nữ với gương mặt phúc hậu, luôn nở nụ cười và truyền nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người vẫn đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.

Năm 2017, trong một lần đi khám định kỳ, bà được chẩn đoán là bị ung thư cổ tử cung. Đang là một người khỏe mạnh, thông tin này như tiếng sét đánh ngang tai, khiến bà khó lòng chấp nhận. Bà liên tiếp đi kiểm tra sức khỏe tại các bệnh viện nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Khi đã chấp nhận sự thật về tình trạng bệnh tật của mình, bà Phương bắt đầu tự mình sắp xếp và chuẩn bị tất cả mọi thứ để phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

"Sự nghiệp tình thương" của người phụ nữ mang bệnh hiểm nghèo- Ảnh 1.

Mặc dù mang trong mình căn bệnh ung thư nhưng trái tim bà Phương vẫn ấp áp sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Vì không muốn người nhà lo lắng, bà một mình âm thầm điều trị tại Bệnh viện K1 (TP.Hà Nội). Thế nhưng, trải qua hơn 2 tháng điều trị, những đợt hóa trị, truyền thuốc đã khiến cho người phụ nữ tràn đầy sức sống trở nên gầy rộc, xanh xao, yếu ớt. Lúc đó, bà mới thừa nhận với người thân rằng mình đang bị bệnh ung thư. Ngày gia đình biết tin, nỗi lo lắng bao lâu chất chứa thành dòng nước mắt lăn dài trên má. Cũng kể từ đó, bà có thêm sự đồng hành của những người thân yêu trong cuộc chiến với bệnh tật.

Từ những ngày tháng điều trị tại bệnh viện, bà thấu hiểu thêm sự vất vả, tốn kém trong hành trình tìm lại sự sống của những bệnh nhân ung thư. Ở đây, bà nhận được sự quan tâm từ những người xa lạ thân thương bằng những bát cháo, hộp cơm, hộp sữa... Những hành động nhỏ, ấm áp đó đã trở thành niềm động viên, an ủi dành tặng cho mỗi bệnh nhân như bà.

"Sự nghiệp tình thương" của người phụ nữ mang bệnh hiểm nghèo- Ảnh 2.

Bằng sự nỗ lực, kiên trì của mình, bà Phương đã lan tỏa lòng nhân ái đến với rất nhiều người để đồng hành cùng bà trong hành trình thiện nguyện.

"Khi bị bệnh tật phải vào viện thì không chỉ có sự mệt mỏi, đau đớn về thể chất mà còn rất tốn kém tiền bạc. Mỗi một sự giúp đỡ của mọi người dù nó rất nhỏ chỉ là bát cháo, hộp sữa thôi đều rất đáng trân quý" – Bà Phương chia sẻ về những sự giúp đỡ mình được nhận trong quá trình điều trị.

Bà Phương đã tự hứa với mình rằng, nếu sau này khi căn bệnh thuyên giảm, bà sẽ gây dựng bếp ăn để nấu tặng những bệnh nhân đang mỏi mòn chiến đấu với bệnh ung thư giống như mình. Dường như sự chân thành ấy đã cảm thấu tận trời cao, sức khỏe của bà Phương dần ổn định. Tháng 6/2019, bếp cháo 0 đồng dành tặng bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội) chính thức đỏ lửa.

"Mong rằng sự nghiệp từ thiện sẽ thất nghiệp"

Những ngày bắt đầu nấu cháo tặng bệnh nhân ung thư là một giai đoạn gian nan đối với bà Phương. Nhớ lại những ngày đầu mở bếp bà Phương không khỏi xúc động nói: "Lúc mở nồi cháo, kinh phí không có nhiều, sức khỏe vẫn còn yếu nên tôi không được sự ủng hộ của gia đình, khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tôi đi chợ buôn bán rau củ, có được đồng tiền lời lãi nào cũng đều dành để nấu cháo tặng mọi người".

Mỗi nồi cháo trao tặng được khoảng 300 suất với trị giá khoảng 3,5 triệu đồng. Sự kiên trì của bà trong hoạt động thiện nguyện đã khiến cho gia đình dần mở lòng ủng hộ, đồng thời cũng lan tỏa đến rất nhiều nhà hảo tâm. Với sự đồng hành của mọi người, giờ đây, mỗi tuần căn bếp từ thiện của bà đều đặn đỏ lửa vào thứ Sáu và Chủ nhật để vừa nấu cơm, vừa nấu cháo tặng bệnh nhân ở Viện Huyết học và Bệnh viện K3.

"Sự nghiệp tình thương" của người phụ nữ mang bệnh hiểm nghèo- Ảnh 3.

Bà Phương ân cần hỏi thăm, động viên và tặng quà bé Lương Thị Nga.

Đã hơn nửa năm nay, anh Lương Hữu Ngọ (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cùng con gái Lương Thị Nga (12 tuổi) chiến đấu với căn bệnh ung thư máu tại Viện Huyết học. Đều đặn mỗi tuần, bố con anh lại được nhận những suất ăn miễn phí từ bếp cơm, cháo của bà Phương. 

Đón nhận suất quà từ bà Phương, anh Ngọ xúc động nói: "Căn bệnh của con tôi phải điều trị lâu dài, tốn kém, khó khăn trăm bề. Nhờ những bữa cơm từ thiện như của bà Phương bố con tôi cũng cảm thấy được động viên, quan tâm và tiết kiệm được chút tiền ăn".

"Sự nghiệp tình thương" của người phụ nữ mang bệnh hiểm nghèo- Ảnh 4.

Với những hoạt động của mình, bà Phương được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2023.

Không chỉ dừng lại ở đó, bà Phương còn đứng lên kêu gọi, tổ chức những chương trình thiện nguyện đến với người dân vùng cao, vùng khó khăn hay cứu trợ khẩn cấp bão lũ. Trên từng chuyến hành trình có rất nhiều hiểm nguy nhưng vẫn không cản được trái tim nhân ái của bà.

"Năm 2020, miền Trung ngập lụt nặng nề. Tôi và mọi người đi trao quà cứu trợ cho người dân ở Bản Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế - PV). Sau khi vượt qua chặng đường hơn 700km, đoàn đến địa điểm trao quà nhưng đã muộn nên xin ngủ nhờ nhà dân. Thế nhưng, nửa đêm mọi người đang ngủ thì mưa gió đã thổi nóc nhà bay mất. Vì vậy mọi người lại phải di tản đi chỗ khác xin ở nhờ" – Bà Phương bồi hồi nhớ lại.

"Sự nghiệp tình thương" của người phụ nữ mang bệnh hiểm nghèo- Ảnh 5.

Theo bà Hậu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Liên Mạc (váy đỏ), bà Phương là một hội viên tích cực, tấm gương sáng trong phong trào thiện nguyện.

Khi nhắc đến bà Phương - một hội viên tích cực, bà Nguyễn Thị Hậu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Liên Mạc luôn bày tỏ sự tự hào: "Mặc dù bị mắc bệnh hiểm nghèo nhưng chị Phương luôn có tinh thần lạc quan, giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác giống như mình. Chị luôn đi đầu trong các phong trào nhân đạo từ thiện tại địa phương, là tấm gương sáng trong phong trào thiện nguyện".

Từ những đóng góp của mình, bà Phương đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen các cấp như: Danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2023 của UBND TP. Hà Nội, Danh hiệu Gia đình Chữ thập đỏ TP. Hà Nội năm 2022...

Các danh hiệu danh giá đó là sự ghi nhận cho những tâm huyết và là sự nghiệp của bà trong suốt thời gian qua. Thế nhưng tận sâu thẳm trái tim bà Phương vẫn có một điều ước: "Mình mong rằng mọi người sẽ không còn nghèo khó, bệnh tật để mình được "thất nghiệp" từ thiện".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem