Tây Ninh lồng ghép nhiều mô hình hiệu quả để giảm nghèo đa chiều cho vùng nông thôn

Trần Đáng Thứ ba, ngày 14/11/2023 06:38 AM (GMT+7)
Nhằm tăng cường giảm nghèo đa chiều cho người dân trên địa bàn, tỉnh Tây Ninh đã ban hành, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và nhiều mô hình hiệu quả trong những năm qua.
Bình luận 0

Tại Tây Ninh, thị xã Hòa Thành là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo đa chiều. Thị xã không chỉ triển khai dự án hỗ trợ về thu nhập mà còn kịp thời thực hiện các chính sách về BHYT, miễn giảm học phí, tiền điện, hỗ trợ cho vay ưu đãi về hộ nghèo, cận nghèo; vận động các nguồn quỹ để hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp ổn định cuộc sống.

Tây Ninh lồng ghép nhiều mô hình hiệu quả để giảm nghèo đa chiều cho vùng nông thôn - Ảnh 1.

Hộ chị Lâm Thị Hồng Điệp (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) đang là hộ được chính quyền địa phương giảm nghèo đa chiều. Ảnh: T.Đ

Nỗ lực giảm nghèo đa chiều

Theo chị Phạm Thị Thùy Trang (xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành), chị có tay nghề may quần áo, nhưng không có vốn mua máy để mở tiệm may. Do là hộ cận nghèo, nên gia đình chị Trang được hỗ trợ máy may làm dịch vụ may mặc từ dự án xóa nghèo của địa phương. Nhờ siêng năng, chịu khó làm lụng, hộ chị Trang đã thoát nghèo. Bên cạnh đó, con chị Trang cũng được chính quyền hỗ trợ dụng cụ học tập.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Hòa Thành Nguyễn Đức Hảo cho biết, ngoài việc thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, Hoà Thành đã tập trung triển khai các dự án hỗ trợ phát triển đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên địa bàn.

Qua đó, tập trung các nguồn lực từ ngân hàng CSXH, cơ sở kinh doanh, nguồn lực từ các hội, đoàn thể vận động mạnh thường quân chăm lo cho hộ nghèo. Các dự án hỗ trợ phát triển đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn thị xã Hòa Thành được phê duyệt đáp ứng tình hình địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.

Tại huyện huyện Dương Minh Châu, theo UBND huyện, sau nhiều biện pháp nỗ lực giảm nghèo đa chiều, tính đến cuối năm 2022, hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện chỉ còn 1,21%.

Bà Lâm Thị Loan (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) chia sẻ, trước đây vợ chồng bà làm thuê kiếm sống. Năm 2020, do gia đình thuộc diện hộ nghèo nên được chính quyền hỗ trợ tham gia dự án giảm nghèo với việc hỗ trợ vay vốn nuôi bò sinh sản. Nhờ vậy, hiện nay gia đình bà đã ra khỏi diện hộ nghèo và đang phát triển ổn định.

Bên cạnh đó, hộ bà Loan còn được Hội LHPN xã, Quỹ Vì người nghèo xã tặng Mái ấm tình thương, các con chị được quan tâm hỗ trợ học hành.

Tây Ninh lồng ghép nhiều mô hình hiệu quả để giảm nghèo đa chiều cho vùng nông thôn - Ảnh 3.

Để xóa nghèo đa chiều, chính quyền thị xã Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) đã hỗ trợ hộ chị Phạm Thị Thùy Trang (xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành) phương tiện sản xuất để cải thiện thu nhập. Ảnh: T.Đ

Nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều

Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Tây Ninh, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh là 1,09% với 3.999 hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 0,32% với 1.037 hộ và hộ cận nghèo là 0,77% với 2.462 hộ. Với kết quả này, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm 0,74%, đạt vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao so với năm 2021.

Nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo đa chiều, tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Tây Ninh khoá X đã ban hành Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐND về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Trước đó, HĐND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND về việc quy định chuẩn hộ nghèo tỉnh và chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo tỉnh; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2025.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành quyết định kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nhằm hướng đến mục tiêu chung là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% và bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định.

Tây Ninh lồng ghép nhiều mô hình hiệu quả để giảm nghèo đa chiều cho vùng nông thôn - Ảnh 4.

Tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ vốn cho rất nhiều hộ nghèo thông qua Ngân hàng CSXH nhằm xóa nghèo đa chiều. Ảnh: T.Đ

UBND tỉnh cũng đưa ra các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT.

Về giáo dục, đào tạo, phấn đấu trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp. Phấn đấu trên 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 95% (đối với khu vực thành thị), trên 90% (đối với khu vực nông thôn) sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet. 

Tỉnh Tây Ninh đang thực hiện 5 dự án giảm nghèo đa chiều

Dự án thứ nhất: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Mục tiêu nhằm hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo…

Dự án thứ 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Mục tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Dự án thứ 3: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Mục tiêu nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo…

Dự án thứ 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Mục tiêu nhằm tăng cường thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cho người dân sinh sống ở các xã biên giới, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao…

Dự án thứ 5: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình.

Tổng nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc chương trình dự kiến là 81 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các nguồn vốn huy động, lồng ghép hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động của dự án và chăm lo đời sống cho người nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem