Thấy gì qua con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm của "đầu tàu" TP.HCM?

Mặc dù đơn hàng xuất khẩu sụt giảm 70% so với cùng kỳ năm trước nhưng ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty May mặc Dony (TP.HCM) lại từ chối một số đơn hàng may mặc ở thị trường nội địa. Lý do là các đơn hàng này của một số DN bất động sản, xây dựng… và đã có "lịch sử cò cưa" không chịu thanh toán, chậm trễ trả nợ.

"Chúng tôi có một số đơn hàng nội địa liên quan đến may đồng phục cho các DN xây dựng, bất động sản… nhưng có nhiều công nợ từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa thu hồi được. Nếu tiếp tục nhận đơn hàng, bỏ vốn ra làm thì sợ bị nợ tiếp, hết dòng tiền hoạt động", ông Quang Anh lý giải.

Từ chối các đơn hàng của các DN xây dựng, bất động sản "nợ dai" nhưng CEO của Dony lại phải cạnh tranh với các DN trong ngành để tìm kiếm các đơn hàng nhỏ lẻ khác, thậm chí chấp nhận "vác ba lô lên để đi" ra nước ngoài để tìm kiếm các đối tác, đơn hàng mới.

"DN dệt may giờ phải ăn đong đơn hàng trong ngắn hạn để cầm cự qua giai đoạn khó khăn", ông chủ của May mặc Dony tâm sự.

Thấy gì qua con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm của “đầu tàu” TP.HCM? - Ảnh 1.

DN dệt may giờ phải tranh thủ từng đơn hàng để cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Quốc Hải

Tháng trước, trong buổi gặp gỡ truyền thông dịp 21/6, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex thừa nhận, ngành Dệt may Việt Nam đã trải qua 5 tháng đầu năm trầm lắng, với kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may.

"Chưa bao giờ có tiền lệ DN may quy mô vài nghìn lao động phải nhận đơn hàng đơn vị 500 - 700 chiếc áo jacket, nhưng bây giờ phải làm, bởi nếu không nhận thì sẽ không có đơn hàng", ông Hiếu nói.

Tình hình khó khăn của ngành dệt may cũng là khó khăn chung của nhiều ngành kinh tế khác ở TP.HCM trong 6 tháng đầu năm.

Thấy gì qua con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm của “đầu tàu” TP.HCM? - Ảnh 2.

Các DN tại TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn khi đơn hàng sụt giảm. Tại Sông Hương Foods, đơn hàng nội địa hiện đang sụt giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Quốc Hải

Theo báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm của Cục Thống kê TP.HCM,  tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 5,87%, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 0,7% của quý đầu năm 2023. Ước tính GRDP của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, với GRDP chỉ 3,55% thì nếu so với 5 thành phố trực thuộc trung ương, "đầu tàu" kinh tế TP.HCM vẫn ở chót bảng (quý thứ 2 liên tiếp) và đứng thứ 15 từ dưới lên trong 63 địa phương cả nước (có cải thiện so với quý I khi TP.HCM xếp thứ 8 tính từ dưới lên).

Các trụ cột kinh tế của TP. HCM vẫn còn "lao đao"

Trong báo cáo về số liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM trong quý II của Sở Xây dựng TP. HCM vừa công bố, hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng âm (-11,58%) so với cùng kỳ (bất động sản chiếm tỷ trọng 3,5% GRDP của thành phố), trong khi quý I tăng trưởng âm (-16,2%).

Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản cũng giảm 8,3% so với cùng kỳ (4 tháng đầu năm giảm 14,6%, 5 tháng đầu năm giảm 11,5% so với cùng kỳ).

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dữ liệu trên cho thấy, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã có dấu hiệu hồi phục, giảm đà rơi, kéo theo ngành xây dựng hồi phục dần (quý I tăng trưởng âm 19,8%), nhưng 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm chỉ còn -8,45%.

Mặc dù chỉ chiếm 3,5% GRDP thành phố nhưng bất động sản là ngành có tác động lan tỏa. Lĩnh vực này gặp khó sẽ kéo theo nhiều ngành sản xuất "chịu trận" theo. Bằng chứng là làn sóng sa thải công nhân lao động bắt đầu xảy ra nhiều ở lĩnh vực BĐS và lan nhanh sang các lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm của TP.HCM như dệt may, da giày…

Tính đến cuối tháng 6, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng trong quý II, TP.HCM có tới 30.400 lao động mất việc, tập trung ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ.

Thấy gì qua con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm của “đầu tàu” TP.HCM? - Ảnh 3.

Quàng cáo rao bán nhà "cắt lỗ" xuất hiện ở mọi nẻo đường TP.HCM. Ảnh: Quốc Hải

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho hay, kết quả khảo sát hội viên trong tháng 6 cho thấy có đến 30-50% DN thiếu đơn hàng mới, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là ngành da giày, may mặc với doanh thu giảm từ 30-50%; sản xuất kinh doanh ngành gỗ giảm 31%; ngành cao su-nhựa giảm doanh thu 20%, giảm lao động 30% do đơn hàng giảm sâu.

Đặc biệt, ngành thép khó khăn nhất khi có tới 95% số doanh nghiệp báo lỗ, doanh thu giảm từ 40-50% và hàng tồn kho ngày càng tăng lên, sức mua nội địa giảm.

img
img
img
img
img

Các DN tìm kiếm đơn hàng nhỏ, lẻ để duy trì hoạt động và nuôi bộ máy công nhân, chờ cơ hội khi kinh tế phục hồi. Ảnh: Quốc Hải

Ngoài bất động sản, 2 trụ cột kinh tế khác của TP.HCM phải kể đến là khu vực công nghiệp, xây dựng. Tuy nhiên, trong quý II, cả 2 trụ cột này cũng gặp nhiều khó khăn khi chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ và đóng góp tương ứng 5,1% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong khi tỷ trọng theo giá hiện hành chiếm đến 20,7% GRDP.

Dù vậy, một số lĩnh vực khác đã có tín hiệu hồi phục. Chẳng hạn như doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 36,2%; đặc biệt chi ngân sách tăng mạnh 70,9%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 90,4%, nhiều dự án được khởi công.

Đặc biệt, việc khách du lịch quốc tế đến thành phố tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ đã góp phần thúc đẩy tăng cầu nội địa và tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế "khó tiêu tiền" và những điểm nghẽn

Từ cuối năm 2021 đến nay, làn sóng trả mặt bằng đã diễn ra âm ỉ khắp các tuyến đường buôn bán sầm uất khu vực nội thành như quận 1, quận 3, quận Tân Bình, quận 10… Và từ cuối năm 2022 đầu năm 2023, làn sóng này càng lan rộng ở cả khu vực ngoại thành.

Chưa kể, mặt bằng lãi suất sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành là nhằm góp phần giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, nhưng trên thực tế các DN vẫn "đói vốn".

img
img
img
img
img

Mặt bằng bỏ trống hàng loạt ở TP.HCM, đặc biệt là các tuyến đường quận trung tâm TP. Ảnh: Quốc Hải

"Đói vốn ở đây không phải là không vay được tiền ngân hàng mà DN không dám vay. Bởi, lãi suất vẫn cao trên 10%-12% (sau thời gian ưu đãi) thì DN làm sẽ không có lời. Nếu thực sự giảm về mức 8%-9% thì DN mới dám vay để phục hồi sản xuất", ông Phạm Quang Anh, CEO May mặc Dony nói thẳng.

Trong khi người dân dè sẻn chi tiêu, DN đói vốn, đầu tư công vẫn khá ì ạch khiến dòng tiền không thể chảy vào nền kinh tế.

Trong quý I, TP.HCM chỉ giải ngân được 4% vốn đầu tư công, với khoảng 1.608 tỷ trong tổng số 43.450 tỷ đồng vốn phải tiêu trong năm 2023.

Để đảm bảo năm 2023 sẽ giải ngân ít nhất đạt 95% theo yêu cầu của Thủ tướng, TP đặt mục tiêu giải ngân vốn hết quý II được 35%, hết quý III được 58%, hết quý IV đạt 91,5% và hết tháng 1/2024 cố gắng ít nhất đạt 95%.

Tuy nhiên, tính đến hết ngày 23/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP đã giải ngân chỉ là 10.244 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% tổng số vốn giao (hơn 68.490 tỷ đồng), chưa đạt được con số 35% như mục tiêu đề ra.

Thấy gì qua con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm của “đầu tàu” TP.HCM? - Ảnh 6.

Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM

Một trong những nguyên nhân khiến việc giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng là do thủ tục lòng vòng, mấy năm chưa xong; công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ; thậm chí còn do tâm lý 'sợ trách nhiệm' của cán bộ thực thi…

Có thể thấy, suốt nhiều tháng qua, hàng loạt cuộc họp tháo gỡ, khơi thông vướng mắc các dự án bất động sản được UBND TP.HCM tổ chức, nhưng hiệu quả chưa thực sự cao. 

Thấy gì qua con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm của “đầu tàu” TP.HCM? - Ảnh 7.

Đầu tư hạ tầng giao thông là giải pháp gỡ "nút thắt" cho TP.HCM phát triển. Ảnh: Quốc Hải

Gỡ các "nút thắt" để TP.HCM lấy lại vị thế "đàu tàu", khó hay dễ?

Để lấy lại vị thế "đầu tàu" cho TP.HCM, các chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách cho rằng, TP nên tập trung vào gỡ khó cho các "nút thắt" phát triển mà TP gặp từ nhiều năm nay.

Thứ nhất, là "nút thắt" về hạ tầng. Không nói quá khi TP.HCM đang "tụt hậu" về hạ tầng. Chẳng hạn, việc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20km đã kéo dài cả thập kỷ, cũng chưa hoàn thành. Trong khi tuyến Metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) dài 11km cũng chỉ mới khởi công.

"Mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM dài hơn 220 km là đến năm 2035. Tuy nhiên, thành phố chỉ mới chuẩn bị hoàn thành tuyến Metro số 1 và vừa khởi động tuyến Metro số 2. Ước tính, còn khoảng 200km nữa phải hoàn thành trong 12 năm tới là một thách thức rất lớn", KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhận định.

img
img

Hạ tầng tuyến đường sắt đô thị vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: Quốc Hải

Tuyến đường sắt đô thị đã vậy, việc quá tải về hạ tầng, kẹt xe, ngập nước… xảy ra thường xuyên, càng cản trở năng lực kết nối TP.HCM với các đô thị vệ tinh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhận định tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP mới đây đã nhận định, nguồn vốn đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn TP là rất lớn.

"Nếu tổng hợp đầy đủ thì đến năm 2030, TP cần 960.000 tỷ đồng để đầu tư", ông Mãi nói và cho biết do vậy ngân sách TP không thể đảm bảo được mà cần kết hợp đầu tư công và phát huy nguồn vốn xã hội qua hình thức PPP mà Nghị quyết 98 đã cho cơ chế.

Thứ 2, là "nút thắt" tiêu tiền. Trong đó chi ngân sách nói chung, đầu tư từ ngân sách nói riêng đang là điểm nghẽn rất lớn.

Bằng chứng là trong quý I, chi ngân sách của TP.HCM đạt 9.600 tỷ đồng, đạt 7,6% dự toán và giảm 8,5% so với cùng kỳ. 

Bước sang quý II, tình hình đã cải thiện rất nhiều khi chi ngân sách của TP đạt trên 34.000 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng năm 2023, tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 32.553 tỷ đồng, đạt 29,4% dự toán và tăng 29,7% so với cùng kỳ.

Việc giải ngân cho kinh tế TP chỉ đạt gần 30% dự toán trong 6 tháng đầu năm là rất thấp, có thể do nhiều nguyên nhân như xuất khẩu khó khăn, sức mua sụt giảm, thị trường bất động sản khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp… nhưng không thể không nói đến nguyên nhân nguồn vốn đầu tư công vẫn khó giải ngân, thiếu "vốn mồi" cho phát triển.

Và cuối cùng, một "nút thắt" trong yếu khác là cơ chế phát triển. Từ lâu nay, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều có chung nhận định: "TP.HCM đang mặc một chiếc áo quá chật".

Có thể thấy, giai đoạn từ 1991-2010, tốc độ tăng GDP trên địa bàn TP.HCM bình quân 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần. Nhưng đến giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ còn 7,2%/năm. Càng sốc hơn, đến quý I/2022, TP.HCM cũng là một trong 10 địa phương tăng trưởng GDP thấp nhất cả nước.

Sang quý I và quý II/2023, "đầu tàu" kinh tế TP.HCM xếp ở chót bảng (quý thứ 2 liên tiếp) trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, và lần lượt xếp thứ 8 và thứ 15 về tăng trưởng GDP tính từ… dưới lên trong 63 địa phương cả nước (trong 2 quý).

Rất may, từ ngày 1/8/2023, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM bắt đầu có hiệu lực. Đây được xem là cơ hội, là động lực mới để TP.HCM bứt phá trở lại vị thế "đầu tàu" kinh tế của cả nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tin tưởng và kỳ vọng, với việc thí điểm Nghị quyết 98, thành phố sẽ giải quyết những tồn đọng thời gian qua về cơ chế, tạo chính sách đặc thù phát triển cho TP.HCM. Đặc biệt, ông Mãi khẳng định TP sẽ sớm đưa nghị quyết đi vào thực tiễn, phát huy tối đa nguồn lực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết 98, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem