Thuốc nam gia truyền có gì đặc biệt mà người Chăm ở Ninh Thuận vẫn dùng trị bệnh hàng trăm năm qua?

Đức Cường Thứ hai, ngày 30/10/2023 18:30 PM (GMT+7)
Hàng trăm năm nay, người Chăm ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) vẫn lưu giữ nghề thuốc nam truyền thống của dân tộc. Đây là những bài thuốc gia truyền được người Chăm bào chế từ cây cỏ thành thuốc nam trị bệnh rất hiệu nghiệm. Nghề thuốc nam cũng là một trong ba nghề truyền thống lâu đời nhất của người Chăm ở Ninh Thuận.
Bình luận 0

Hiện nay, nghề thuốc nam được lưu giữ và truyền nghiệp nhiều nhất ở làng Chăm Phước Nhơn và An Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Toàn làng có hơn 70% người Chăm hành nghề thuốc nam gia truyền.

Nghề thuốc nam lâu đời của người Chăm ở Ninh Thuận

Một ngày cuối tháng 8/2023, chúng tôi có dịp về làng Chăm An Nhơn và Phước Nhơn nằm ở phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm TP Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km. Đây là làng Chăm còn lưu giữ nghề thuốc nam lớn nhất ở Ninh Thuận.

Nghề thuốc nam gia truyền của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Ông Tài Rài (lương y người Chăm) ở thôn Phước Nhơn 2, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Vừa vào làng, chúng tôi cảm nhận được sức sống của vùng nông thôn đang chuyển mình. Rõ nhất là các công trình giao thông, cổng làng, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng... được xây dựng khang trang. 

Khắp đường làng ngõ xóm phảng phất hương thơm cây thuốc nam gia truyền của người Chăm nơi đây.

Theo các vị cao niên sống ở đây, làng Chăm An Nhơn tiếng Chăm gọi là Palei Pamblap Klak, làng Pamblap cũ. 

Làng Phước Nhơn gọi là Palei Pamblap Barau, làng Pamblap mới. Nghề thuốc nam được các thế hệ cha ông người Chăm đi trước truyền lại cho con cháu lưu giữ đến ngày hôm nay.

Ông Tài Rài (71 tuổi), lương y có tiếng ở làng Chăm Phước Nhơn cho biết, từ khi lập làng đã có nghề thuốc nam và cứ thế truyền nghiệp từ đời này sang đời khác.

Theo ông Tài Rài, xưa kia người Chăm đa phần là cư dân nông nghiệp, trải qua cuộc sống gắn bó với thiên nhiên họ đã khám phá ra những công dụng chữa bệnh của một số loài cây cỏ. 

Những hiểu biết đó được người Chăm sử dụng để trị bệnh và đúc kết thành những bài thuốc nam truyền dạy cho con cháu cho đến ngày hôm nay. Hiện nay, hầu như nhà nào cũng có người biết bốc thuốc chữa bệnh, cứu người.

Nghề thuốc nam gia truyền của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 3.

Các vị thuốc nam của người Chăm ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

"Đời ông nội tôi đã hành nghề thuốc, đến đời tôi đã là đời thứ 3 trong tộc họ giữ nghề thuốc nam. Ngoài các bài thuốc thông thường, mỗi gia đình người Chăm đều có một bài thuốc riêng (tiếng Chăm gọi là Trù Thinh), tuyệt đối không truyền cho người ngoài…", ông Tài Rài cho hay.

Cầm trong tay cây mắc cỡ (cây cỏ ngủ) đã phơi khô, ông Tài Rài cho hay, đây là cây dược liệu thuốc nam được người Chăm dùng để trị các bệnh về xương khớp, cột sống, giúp an thần. Dược liệu này khi sử dụng được đun với nước rồi uống trị bệnh rất hiệu quả.

Ngoài ra, các bài thuốc nam của người Chăm sử dụng các loại cây cỏ khác như: Cỏ tranh giúp mát gan, lợi tiểu; cây chùm ngây giúp giải nhiệt, điều kinh; cây chó đẻ để bệnh gan, giúp lợi sữa; gừng gió chữa cảm lạnh; cây lô hội chữa thông tiểu, giải nhiệt; Rễ nho rừng chữa viêm thấp khớp và trị bệnh hoa liễu… và nhiều cây cỏ, hoa lá khác cũng được người Chăm sử dụng làm dược liệu trị bệnh rất hiệu quả.

Nghề thuốc nam gia truyền của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 4.

Rễ tranh giúp mát gan. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo ông Tài Rài, các dược liệu trong bài thuốc nam đa phần đều được phơi khô để dễ bảo quản và đảm bảo công dụng chữa bệnh. Khi bốc thuốc phải căn cứ vào tình trạng bệnh, thể trạng và lứa tổi mà bốc lượng thuốc cho phù hợp. Bệnh nào chữa khỏi, bệnh nào chưa không khỏi đều được ghi chú cẩn thận để theo dõi và điều chỉnh lượng thuốc, loại thuốc. 

"Cây thuốc nam như một món quà của thiên nhiên ban tặng cho người Chăm ở Ninh Thuận. Hiện nay, con cháu trong làng đều được học làm thuốc từ cha mẹ, ông bà. Ban đầu bà con theo cha mẹ lên rừng hái thuốc, học cách phân biệt các loại cây rừng dùng để chữa bệnh…", lương y tài Tài Rài cho hay.

Clip: Nghề thuốc nam của làng Chăm ở Ninh Thuận. Thức hiện: Đức Cường

Thoát nghèo nhờ xuất ngoại bán thuốc nam

Theo lương y Tài Rài, trước đây người Chăm chỉ quen bốc thuốc để trị bệnh cho người trong gia đình, chòm xóm. Nhưng từ khi công dụng chữa bệnh được lan truyền, nhiều người đã tìm về mua thuốc nên họ mới bắt đầu nghĩ đến việc lấy nghề bốc thuốc làm kế sinh nhai.

Nghề thuốc nam gia truyền của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 6.

Bà Tài Thị Ngà (người Chăm) là đại lý thuốc nam ở làng Phước Nhơn. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Tài Rài, nhờ hiệu quả chữa bệnh mà tiếng lành đồn xa, hiện nay, bệnh nhân của ông có cả người trong Nam lẫn ngoài Bắc, có người ở tận nước ngoài như Mỹ, Canada… 

"Họ uống thuốc thấy bớt bệnh thì lại tìm về mua thuốc, hoặc tôi sẽ gửi đi bằng đường bưu điện. Cũng nhờ nghề thuốc nam mà nhiều hộ nuôi con ăn học Cao đẳng, Đại học. Nhiều gia đình có con làm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… Riêng gia đình tôi có 2 đứa tốt nghiệp Đại học, 2 đứa Cao đẳng đều nhờ vào thu nhập của nghề thuốc nam…", Lương y Tài Rài cho hay. 

Theo thống kê của UBND xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải), có đến hơn 70% hộ gia đình người Chăm ở thôn Phước Nhơn và An Nhơn hành nghề thuốc nam chữa bệnh ở xa. Bà con trong làng đi bán thuốc từ Nam ra Bắc, sang cả Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia. Mỗi lần như vậy phải mấy tháng trời mới quay về, đó có thể là dịp lễ tết, hoặc khi đã bán hết số thuốc đem theo.

Nghề thuốc nam gia truyền của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 7.

Các cây cỏ thuốc nam của người Chăm đa phần được phơi khô. Ảnh: Đức Cường

Bên cạnh đó, trong xã có đến 13 hộ mở đại lý thuốc nam, một năm đưa đi tiêu thụ khoảng 100 tấn, tương đương 300 tấn dược liệu tươi. 

 Bà Tài Thị Ngà chủ đại lý thuốc nam ở thôn Phước Nhơn 2 cho hay, cũng nhờ nghề thuốc mà bà nuôi con ăn học thành tài. Đứa lớn đã làm ở đại lý ô tô, đứa nhỏ cũng đang theo học Đại học ở TP HCM.

"Chính sự phát triển của nghề thuốc gia truyền đã tạo ra nguồn thu ổn định cho người dân nơi đây. Trước đây chỉ có vài hộ làm đại lý, dần dần số đại lý cũng nhiều hơn…", bà Ngà cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Dịp – Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho biết, nhờ nghề thuốc nam mà nhiều hộ cũng có thêm thu nhập để vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc toàn xã giảm còn 29 hộ, chiếm tỉ lệ 0,53%; hộ cận nghèo giảm còn 56 hộ, chiếm tỉ lệ 1,03%.

Nghề thuốc nam gia truyền của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 8.

Cây cù gia đất (tỏi dương) được người chăm dùng trị đau dạ dày. Ảnh: Đức Cường

Bảo tồn cây thuốc nam của người Chăm ở Ninh Thuận

Trò chuyện hồi lâu với chúng tôi, lương y Tài Rài cho biết, hiện nay nhiều loại cây thuốc nam không còn nhiều như trước, nhiều cây hầu như không còn ở đất Ninh Thuận.

Nghề thuốc nam gia truyền của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 9.

Ông Kiều Anh và cây Cây vú bò, tiếng Chăm là Pach chữa phông thấp, tắc sữa. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Người Chăm hành nghề thuốc, hoặc đại lý thu mua phải thuê người qua các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận để thu hái. 

"Lương y còn nhưng hết cây thuốc thì nghề thuốc nam gia truyền cũng sẽ mai một dần…", lương y Tài Rài thở dài lo lắng.

Lo lắng của lương y Tài Rài cũng giống như hầu hết những người theo nghề thuốc trong làng. Bởi điều đáng báo động hiện nay là nguồn dược liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt bởi cách khai thác "đào tận gốc, trốc tận rễ" của bà con.

Để bảo tồn cây thuốc quý, nhiều gia đình người Chăm đã tận dụng đất trống sau nhà để trồng cây thuốc. Trong đó, có lương y Kiều Anh, một trong những người nặng lòng với việc bảo tồn và phát triển nghề thuốc nam của đồng bào Chăm địa phương.

Nghề thuốc nam gia truyền của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 10.

Cây Sung, tiếng Chăm gọi là Phun Pọh Dà trị nhức đầu, tê thấp. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Đưa chúng tôi đi thăm vườn thuốc nam rộng 3.000 mét vuông của mình ở vùng núi xã Phước Trung (huyện Bác Ái), lương y Kiều Anh cho biết, vườn thuốc nam của ông đang bảo tồn 100 cây thuốc với khoảng 50 loài quý hiếm.

Trong đó có các loại cây thuốc như cây xáo tam phân (tiếng Chăm gọi là Phun Jham Jhak) chữa đau nhức, phong thấp, kinh nguyệt không đều. Cây vú bò (tiếng Chăm là Pach), chữa tắc tia sữa, phong thấp. Cây sào dông (tiếng Chăm là Gamengi Glai) chữa đau nhức xương khớp, ho hậu sản. Cây nhàu (tiếng Chăm là Phun Njaw) chữa cao huyết áp, băng huyết, bạch đới, đau nhức…

Nghề thuốc nam gia truyền của người Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 11.

Cây Xáo tam phân tiếng Chăm gọi là Phun Jham Jhak chữa kinh nguyệt không đều. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Ông Nguyễn Xuân Tuyển – Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận cho biết, Hội sẽ huy động các nguồn lực xã hội chung tay tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng, thu hái, chế biến, sử dụng cây thuốc nam. Qua đó, bảo tồn cây thuốc quý nói chung và thuốc nam của người Chăm nói riêng.

Theo Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, Hội viên đông y tập trung nhiều ở hai thôn vùng bào Chăm Phước Nhơn và An Nhơn xã Xuân Hải.

Trong hơn 30 năm qua, các cơ quan chức năng chưa nhận được bất kỳ một thông tin nào phản ánh tình trạng bị phản ứng hoặc tác hại không mong muốn do sử dụng nguồn thuốc nam của đồng bào Chăm.

Các lương y Chăm sử dụng khoảng 300 cây thuốc với trên 600 bài thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh thông thường trong cộng đồng. Tập trung một số bệnh chủ yếu như xương khớp, đau nhức cơ thể có 106 bài thuốc, đau thần kinh tọa có 49 bài, các bệnh về phụ nữ có 32 bài, đau bao tử có 40 bài.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem