Tiểu thương treo bảng phản đối giá thuê sạp tăng gấp 2 lần

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 07/06/2022 10:59 AM (GMT+7)
Tiểu thương chợ Đại Quang Minh (quận 5) và đơn vị sở hữu quầy sạp cho thuê tại chợ này là Satraseco không tìm được tiếng nói chung về giá thuê mới.
Bình luận 0

138/150 tiểu thương trung tâm thương mại Đại Quang Minh (người dân hay gọi là chợ Đại Quang Minh) chuyên kinh doanh nguyên phụ liệu ngành may mặc tại quận 5 đang bức xúc về việc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Sài Gòn (Satraseco) thông báo tăng giá thuê sạp giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022 và tiếp tục tăng giá giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023.

Tiểu thương chợ Đại Quang Minh: Tăng giá thuê sạp gấp đôi trong 1 năm là không hợp lý

Chiều 5/6, tiểu thương chợ Đại Quang Minh vừa kinh doanh vừa nhấm nhổm trao đổi về việc giá thuê mặt bằng sắp tới. Họ treo bảng không đồng tình mức giá thuê sạp mới mà Satraseco đưa ra.

Theo các tiểu thương chợ Đại Quang Minh, tổng mức tăng tiền thuê sạp mà Satraseco đưa ra trong một năm tới lên đến hơn gấp đôi mức giá mà họ phải trả hiện nay.

Tiểu thương chợ căng băng rôn, treo bảng phản đối tăng giá thuê sạp hơn gấp đôi - Ảnh 1.

Tiểu thương chợ Đại Quang Minh treo bảng không đồng tình mức tăng giá thuê sạp mới. Ảnh: Hồng Phúc

Ngoài ra, trong thông báo do Satraseco gửi tiểu thương hồi cuối tháng 3, công ty cho biết sẽ ký lại hợp đồng mới với khách hàng cũ, thời hạn hợp đồng là 1 năm (từ ngày 1/7/2022 đến 30/6/2023), tiểu thương đặt cọc 3 tháng tiền thuê sạp. Nếu không thực hiện theo thông báo trên, sau ngày 31/5, công ty sẽ thu lại mặt bằng.

Bà Thức Minh (thuê quầy D1) cho biết 32 năm kinh doanh nguyên phụ liệu ngành may mặc tại chợ Đại Quang Minh, với mức tăng giá thuê sạp này, tiểu thương "không thể chịu nổi".

Sạp của bà có diện tích hơn 8m2, hiện tiền thuê sạp mỗi tháng phải trả là 8,03 triệu đồng. Theo lộ trình tăng giá mà công ty đưa ra, từ ngày 1/7, bà phải đóng 14,74 triệu đồng/tháng (tức tăng hơn 80%); giai đoạn hai từ ngày 1/1/2023 là 19,65 triệu đồng/tháng (tức tăng gấp 2,4 lần so với giá thuê hiện nay).

"Mức giá mới quá cao, tăng gấp hơn 2 lần trong một năm thì tôi không thể đóng nổi. Giá thuê khiến tôi rất áp lực. Bán lại sau Covid-19, sức mua chưa hồi phục, bữa nào đắt thì được vài ba triệu, bữa nào ế chỉ vài trăm nghìn", bà Minh nói với Dân Việt.

Tiểu thương chợ căng băng rôn, treo bảng phản đối tăng giá thuê sạp hơn gấp đôi - Ảnh 2.

Theo các tiểu thương, sức mua yếu, tăng giá thuê sạp lên hơn gấp đôi chỉ trong vòng 1 năm là không hợp lý. Ảnh: Hồng Phúc

Bà Đỗ Thị Dinh - người cũng có hơn 30 năm kinh doanh tại chợ Đại Quang Minh, nói thêm các tiểu thương mong muốn được họp tập thể, nói khó khăn của mình với phía công ty, nhưng công ty chỉ chấp nhận họp từng tiểu thương.

"Chúng tôi mong muốn được ký hợp đồng ít nhất từ 2 năm trở lên để yên tâm kinh doanh, vẫn chấp nhận tăng giá thuê nhưng phải hợp lý chẳng hạn ở mức 10%, chứ không thể tăng bất hợp lý như vậy", bà Trần Thị Minh nói.

Theo bà Minh, chợ Đại Quang Minh đang xuống cấp. Mùa mưa, nhiều khu vực bị dột. Cả chợ chỉ có một nhà vệ sinh. Khu vực trong chợ sóng điện thoại khá yếu gây khó khăn cho mua bán. Bà nói mức tăng giá hiện không tương xứng với cơ sở vật chất.

Satraseco: Giá thuê phù hợp với giá thị trường

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Thế Hanh - Tổng Giám đốc Satraseco, cho biết việc công ty đưa ra mức giá cho thuê, thời hạn thuê và đặt cọc trong hợp đồng mới là phù hợp với thị trường và đúng với quy định của pháp luật.

Theo ông Hanh, hợp đồng cho thuê cũ của công ty và các tiểu thương có thời hạn từ ngày 1/1/2018 - 31/12/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, nên công ty đã gia hạn hợp đồng với mức giá cũ thấp hơn nhiều so với thị trường, kể từ ngày 1/1/2021 đến tháng 6/2022. Đến nay, tình hình kinh tế đã được phục hồi, công ty mới tiến hành giao kết hợp đồng mới và đề xuất mức giá thuê mới.

Tiểu thương chợ căng băng rôn, treo bảng phản đối tăng giá thuê sạp hơn gấp đôi - Ảnh 3.

Chợ Đại Quang Minh là một trong số ít những chợ nguyên phụ liệu ngành may mặc lớn nhất tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Hanh nhấn mạnh giá thuê của công ty hiện nay thấp rất thấp so với mặt bằng chung. Công ty đã giữ nguyên và không tăng giá trong nhiều năm. Thực tế, công ty đã có lộ trình tăng giá từ năm 2020 nhưng do Covid-19, kế hoạch tạm hoãn và vẫn hỗ trợ tiểu thương. Việc tăng giá lần này là phù hợp với thị trường và đảm bảo hoạt động của công ty được diễn ra bình thường.

Satraseco đưa ra lộ trình hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là 6 tháng cuối năm 2022, tăng từ 40-60%, giai đoạn hai là tăng từ 40-50%. Theo ông, thực tế, số tuyệt đối tăng chỉ khoảng một vài triệu đồng.

Về việc đề xuất kéo dài thời hạn hợp đồng cho thuê, lãnh đạo Satraseco cho biết công ty phát hiện rất nhiều tiểu thương cho thuê lại hoặc sang nhượng, trong khi hợp đồng lại không cho phép, gây mất trật tự, khó kiểm soát. Do đó, công ty chỉ cho thuê ngắn hạn nhằm tránh các trường hợp cho thuê lại.

Ông cũng xác nhận cơ sở vật chất của chợ Đại Quang Minh hiện nay đang xuống cấp. Hiện công ty đang triển khai sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Với tiền đặt cọc 3 tháng, ông cho rằng hợp lý để đảm bảo các tiểu thương thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong quá trình thuê. Ngoài ra, giao dịch liên quan đến bất động sản thì đều có điều khoản đặt cọc và điều này phù hợp với Bộ Luật Dân sự 2015.

Satraseco tiền thân là Công ty Vải sợi May mặc thành phố, thành lập năm 1976 trực thuộc Sở Thương Nghiệp. Cuối năm 2003, công ty cổ phần hóa và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hiện Satraseco hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là dịch vụ, thương mại và đầu tư, khai thác bất động sản. Trung tâm thương mại Đại Quang Minh là một trong những đơn vị trực thuộc Satraseco.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem