Tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân thoát nghèo, đẩy lùi “tín dụng đen”

Trang Trung Thứ tư, ngày 16/08/2023 07:00 AM (GMT+7)
Các chương trình tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tập trung cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển.
Bình luận 0

Vốn tín dụng chính sách triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng

Hiện nay, Ngân hàng CSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác với 4 tổ chức hội đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.

Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, đã đẩy lùi nạn "tín dụng đen" thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; không bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng.

Giúp hội viên thoát nghèo và đẩy lùi “tín dụng đen” - Ảnh 1.

Gia đình anh Giàng My Páo (dân tộc Mông) ở thôn Sán Trù, xã Bát Đại Sơn đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trần Việt

Giúp hội viên thoát nghèo và đẩy lùi “tín dụng đen” - Ảnh 2.

"Đây là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua Ngân hàng CSXH, với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng", Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ.

Đến 31/7/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325.000 tỷ đồng, tăng hơn 190.000 tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị 40, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.

Hàng triệu hội viên thoát nghèo bền vững

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2023 đạt trên 305.000 tỷ đồng, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%.

Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109.000 tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30.000 tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75.000 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 -2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Đồng thời, góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh).

Ngày 16/8 tới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội".

Hội thảo có sự tham dự của các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà khoa học, chính quyền địa phương cùng trao đổi, bàn luận về những yêu cầu cấp thiết đặt ra, những quan điểm luận chứng mới về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Thông qua Hội thảo nhằm đúc rút, khái quát những luận điểm cốt lõi, cần thiết, phục vụ trực tiếp cho việc tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem