Tỉnh Gia Lai ưu tiên xây dựng mã số vùng trồng cho 5 loại cây hàng hoá chủ lực nào?

Thiên Ngân Chủ nhật, ngày 10/12/2023 14:54 PM (GMT+7)
Việc xây dựng mã số vùng trồng thời gian qua không những giúp truy xuất nguồn gốc nông sản, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và cán bộ cơ sở trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị.
Bình luận 0

Thay đổi tư duy, nhận thức về tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị 

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai) tại diễn đàn "Tăng cường liên kết vùng để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu nông sản" tổ chức tại TP.HCM mới đây, trồng trọt là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp tỉnh, với những cây trồng chính như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều và nhiều loại cây ăn quả. Giá trị sản xuất của ngành trồng trọt chiếm khoảng 83,0% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút một số doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, đầu tư liên kết phát triển diện tích một số loại cây trồng chất lượng cao, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic…và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong sản xuất như: Tưới nước tiết kiệm, công nghệ giám định bệnh virus, công nghệ bảo quản trái cây, công nghệ bảo quản trái cây bằng màng MAP (hay còn gọi là túi thay đổi khí quyển), công nghệ xử lý hơi nước nóng cho trái cây, sản xuất rau trong nhà kính, nhà màng, trồng rau thủy canh, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM… 

Tỉnh Gia Lai ưu tiên xây dựng mã số vùng trồng cho 5 loại cây hàng hoá chủ lực nào? - Ảnh 1.

Hơn 1.153ha chanh leo tại tỉnh Gia Lai đã được cấp mã số vùng trồng với 48 mã số. Ảnh: Trồng chanh leo tại gia đình anh Lê Đình Tứ, thôn 4, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Nguyễn Thảo

Trong đó, việc xây dựng mã số vùng trồng là tiền đề quan trọng cho xuất khẩu chính ngạch nông sản, góp phần rút ngắn các khâu trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân; góp phần phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai luôn “đồng hành, sát cánh” hỗ trợ, hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu cho những cây trồng hàng hóa chủ lực. 

Theo đó, tính đến 21/11/2023, tỉnh Gia Lai đã được cấp 33 mã số cơ sở đóng gói nông sản (công suất 1.345-1.495 tấn quả tươi/ngày) và 209 mã số vùng trồng (với tổng diện tích 9.281,09 ha) xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ,... 

Trong đó, chuối 26 mã số; chanh leo 48 mã số; sầu riêng: 41 mã số; ớt: 20 mã số; khoai lang: 38 mã số; hồ tiêu: 3 mã số; Dưa hấu: 9 mã số; Xoài: 6 mã số... 

Ông Ngô Duy Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai cho biết, qua kiểm tra thực tế ở cơ sở cho thấy, việc xây dựng mã số vùng trồng trong thời gian qua không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã và cán bộ cơ sở trong việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản.  

Đồng thời, thông qua đó đã góp phần định hướng cho người dân thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường tiêu thụ. 

Ưu tiên đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho 5 loại nông sản hàng hóa có thế mạnh

Tuy nhiên, cũng theo ông Ngô Duy Đông, vẫn còn không ít cơ sở chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng; chưa có sự chủ động trong công tác kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người dân xây dựng mã số vùng trồng - còn để doanh nghiệp tự tìm tòi, liên hệ, làm việc, thỏa thuận với từng hộ nông dân. 

"Doanh nghiệp không thể tự đi liên hệ với từng hộ dân để thỏa thuận, làm mã số vùng trồng ở các vùng nguyên liệu, trong khi hơn ai hết địa phương nắm rõ vùng nguyên liệu của từng cây trồng hàng hóa có thế mạnh của địa phương mình” - đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai nói. 

Do đó, theo ông Đông, chúng ta cần xác định rõ công tác thiết lập, xây dựng và quản lý mã số vùng trồng không phải là công việc riêng của nông dân hay doanh nghiệp, cũng không phải việc riêng của ngành nông nghiệp. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương nắm giữ vai trò rất quan trọng. 

Mặt khác, qua kiểm tra, làm việc thực tế ở cơ sở cho thấy: Nông dân và doanh nghiệp, Hợp tác xã còn thiếu các thông tin, kiến thức về quy trình đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Nhiều người dân còn chưa hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại nên còn ngại thực hiện, chưa mặn mà với việc xây dựng mã số vùng trồng; còn có tư tưởng “Tự sản xuất, tự đi bán”. 

Thêm vào đó, phần lớn diện tích cây ăn quả của bà con trồng phân tán, nhỏ lẻ, xen canh..., chưa đảm bảo các tiêu chí, quy định của thị trường tiêu thụ nhiều nước... 

"Vì vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục và tập trung tham mưu, đề xuất, ưu tiên đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với 5 loại nông sản hàng hóa có thế mạnh và lợi thế về xuất khẩu của tỉnh, gồm có: Sầu riêng, chanh dây, chuối, ớt, khoai lang. 5 loại cây này đang được trồng tập trung ở các địa phương: Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Đak Đoa, Mang Yang, An Khê, Đăk Pơ, Kong Choro… và TP.Pleiku" - Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Gia Lai cho biết. 

Tỉnh Gia Lai ưu tiên xây dựng mã số vùng trồng cho 5 loại cây hàng hoá chủ lực nào? - Ảnh 3.

Sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: TGTT

Để làm tốt vấn đề này, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá, phân tích các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, cơ sở hạ tầng, nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, khả năng thực hiện của người dân… để xác định, xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển sản xuất với quy mô hợp lý, phù hợp với lợi thế của từng địa phương. 

Chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ sở, nhà máy chế biến trong tỉnh rà soát, đánh giá, xác định, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở, nhà máy. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, nhà xưởng, kho bảo quản, chế biến theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt...

Các quy định cần biết khi xây dựng mã số vùng trồng

Ðể thiết lập, xây dựng và được cấp mã số vùng trồng, cán bộ của ngành nông nghiệp và nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về diện tích canh tác - đối với cây ăn quả, diện tích tối thiểu phải là 10 ha. Ðồng thời, phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu.

Thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng hệ thống quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM (quản lý cây trồng thông qua các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm thiểu những tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy các yếu tố nội tại). Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu.

Có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đồng thời phải đảm bảo các điều kiện như "vùng trồng phải là vùng sản xuất tập trung, trồng duy nhất 01 loại cây trồng, không trồng xen các loại cây trồng khác", "vùng trồng phải cách xa nguồn ô nhiễm, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng"…

Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ trong vùng trồng phải có 01 quyển sổ ghi chép. Người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi nông sản có vấn đề về rào cản kỹ thuật ở nước nhập khẩu...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem