TP.HCM: Chủ đầu tư tái cấu trúc mặt bằng kinh doanh "phá băng" thị trường bán lẻ

Gia Linh Thứ năm, ngày 05/10/2023 12:52 PM (GMT+7)
Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM đã tiến hành tái cấu trúc mặt bằng kinh doanh. Dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn tại một số trung tâm thương mại cũ trong thời gian tới.
Bình luận 0

Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, thị trường bán lẻ tại TP.HCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.

Theo đó, trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi, khu vực dịch vụ vẫn tăng trưởng 6,3% trong 9 tháng đầu năm 2023. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng (khoảng 190,3 tỷ USD), tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu từ bán lẻ hàng hóa chiếm hơn 78% tổng mức doanh thu.

Trong quý III/2023, thị trường đón nhận làn sóng cải tạo và tái cơ cấu mặt bằng của các dự án cũ. Theo đó, dự án Hùng Vương Plaza (25.000 m2) tại quận 5 trở lại thị trường, thu hút đa dạng khách thuê, trong đó gồm những thương hiệu mới đến với thị trường Việt Nam như Jin Din Rou, Charles Tyrwhitt, Lush, v.v.,

Bên cạnh đó, xu hướng tái cấu trúc mặt bằng kinh doanh cũng đang diễn ra tại một số trung tâm thương mại cũ, hứa hẹn mang đến một trải nghiệm mua sắm mới đến với khách hàng.

TP.HCM: Chủ đầu tư tái cấu trúc mặt bằng kinh doanh "phá băng" thị trường bán lẻ - Ảnh 1.

Xu hướng tái cấu trúc mặt bằng kinh doanh bán lẻ đang diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

Đáng chú ý, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt được ghi nhận ở mức 52 USD/m2/tháng, tăng 1,9% theo quý và 7,3% theo năm, chủ yếu do sự ra mắt các nguồn cung mới và nguồn cung được cải tạo trong các quý gần đây.

Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 89,5%, giảm 0,3% theo quý và 3,6% theo năm, do các nguồn cung mới chưa hoàn toàn lấp đầy, quá trình cải tạo và tái cơ cấu mặt bằng cho thuê tại một số trung tâm thương mại vân đang diễn ra, cũng như do sự thay đổi của một số khách thuê có diện tích lớn.

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá nhìn chung Việt Nam hiện được xem là một thị trường bán lẻ đầy hứa hẹn. Trong thời gian gần đây, nhiều thương hiệu quốc tế đã khai trương cửa hàng đầu tiên, cửa hàng flagship tại các thành phố lớn, cũng như mở rộng về các tỉnh thành khác trên cả nước.

Nguồn cung mới tại TP.HCM được ra mắt trong quý này đã đạt được tỷ lệ lấp đầy cao, cho thấy thị trường vẫn có nhu cầu cao đối với mặt bằng bán lẻ được phát triển và quản lý tốt, nhằm đáp ứng những thương hiệu lớn đang muốn mở rộng tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong quý III/2023, công suất hoạt động của mặt bằng bán lẻ cho thuê diễn ra ổn định, duy trì ở mức 91%, không thay đổi theo quý. 

TP.HCM: Chủ đầu tư tái cấu trúc mặt bằng kinh doanh "phá băng" thị trường bán lẻ - Ảnh 3.

Các trung tâm thương mại tại quận 1. Ảnh: Gia Linh

Hầu hết chủ nhà tại các khu vực trung tâm vẫn tự tin với giá thuê cao ổn định ở mức 3,3 triệu đồng/m2/tháng, cao gấp 3 lần so với ngoài trung tâm. Giá thuê khu vực ngoài trung tâm cũng tăng nhẹ 1% theo quý lên mức 1 triệu đồng/m2/tháng

Theo khảo sát của Savills về các giao dịch thuê trong quý vừa qua, khách thuê ngành dịch vụ ăn uống (F&B) chiếm 37% tổng diện tích thuê, nhóm ngành thời trang chiếm 24% thị phần, các lĩnh vực còn lại như sức khỏe, làm đẹp và giải trí chiếm 13% mỗi ngành.

Trong quý cuối năm, nguồn cung mới dự kiến là 82.227 m2 đến từ 4 dự án. Trong năm 2024, các dự án lớn như Vivo City, Giga Mall và Vincom 3/2 cũng có kế hoạch cải tạo và thay đổi cơ cấu khách thuê để làm mới chu kỳ bán lẻ.

Bà Cao Thị Thanh Hương - Quản lý Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills TP.HCM cho biết nền kinh tế trong nước duy trì đà tăng trưởng tích cực, thúc đẩy các thương hiệu mới tiếp tục gia nhập và mở rộng ở khu vực ngoài trung tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem