Đến năm 2050, TP.HCM có khoảng 70% diện tích bị ngập vì biến đổi khí hậu

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 10/11/2023 14:30 PM (GMT+7)
TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng bởi nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Dự báo đến năm 2050, khoảng 70% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM chia sẻ như thế tại Hội thảo Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu do Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp báo Dân Trí tổ chức ngày 10/11, tại TP.HCM.

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, bất thường

TP.HCM nằm ở cửa ngõ sông Sài Gòn - Đồng Nai, có địa hình thấp. Những năm qua, tình trạng nước biển dâng gây ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân Thành phố.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá, TP.HCM là 1 trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Với hơn 10 triệu người dân sinh sống, là trung tâm kinh tế của cả nước, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề môi trường đang là thách thức lớn với TP.HCM.

Ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM chia sẻ về tác động của biến đổi khí hậu đối với Thành phố. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM chia sẻ về tác động của biến đổi khí hậu đối với Thành phố. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, Thành phố có tổng diện tích hơn 2.000km2, có khoảng 30km đường bờ biển.

Theo ông Minh, thời tiết ở TP.HCM tương đối mưa thuận gió hòa. Chỉ vài năm trở lại đây, xâm nhập mặn và nước biển dâng do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Đặc biệt là nhu cầu xây dựng tăng cao, khó kiểm soát hết; hoặc nhiều khu vực xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn thoát nước nên nhiều nơi bị ngập do triều cường.

Dự báo đến năm 2050, khoảng 70% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Dự báo đến năm 2050, khoảng 70% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Dự báo đến năm 2050, khoảng 70% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

"Trước đây, khi trời mưa lớn, người dân ở lại chỗ làm để trú mưa, hết mưa mới túc tắc ra về. Còn hiện nay, cứ hễ mưa là người ta lo về ngay vì đợi hết mưa thì tắc đường, ngập nước, kẹt xe, còn tệ hơn", ông Minh chia sẻ thêm.

Vai trò cần thiết của công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu

Theo TS. Nguyễn Trung Hải, Trường Đại học Lao động - Xã hội, việc trải qua các sự kiện thời tiết cực đoan hay chứng kiến người thân qua đời trong những thiên tai cũng đã gây ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của người dân, làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng, xung đột và vi phạm lợi ích, cũng như tạo ra những thách thức, rủi ro mới.

Do đó, TS. Nguyễn Trung Hải cho rằng, nhân viên công tác xã hội có vị trí đặc biệt để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với cá nhân, nhóm và cộng đồng.

Công việc này có thể bao gồm tư vấn tâm lý cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc kết nối các thành viên cộng đồng với dịch vụ hỗ trợ cũng như biện hộ chính sách.

Nhiều chuyên gia, đại biểu khẳng định vai trò cần thiết của công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhiều chuyên gia, đại biểu khẳng định vai trò cần thiết của công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyên Vỹ

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra kiến nghị bổ sung, tăng cường kiến thức liên quan đến công tác xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu vào chương trình cử nhân công tác xã hội nhằm giúp sinh viên sau ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng để thực hiện đầy đủ vai trò của mình.

Theo ông Tô Đức - Cục Trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do vị trí địa lý đặc thù và sở hữu bờ biển kéo dài, Việt Nam đã và đang hứng chịu tác động bất lợi của các hình thái thời tiết cực đoan gây ra.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, hàng loạt thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại đáng kể, ước tính 1,5% GDP/năm. Mỗi năm, Chính phủ chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.

Nông dân tỉnh Phú Yên xót xa nhìn tôm hùm chết hàng loạt do mưa lũ. Ảnh: Dũ Tuấn

Nông dân tỉnh Phú Yên xót xa nhìn tôm hùm chết hàng loạt do mưa lũ. Ảnh: Dũ Tuấn

Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.

Theo đó, công tác xã hội song hành đóng vai trò quan trọng việc giúp đỡ người dân thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Công tác này được thực hiện thông qua các hoạt động như nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và các tác động; hỗ trợ người dân xây dựng các kế hoạch thích ứng; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân bị ảnh hưởng; thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu là hoạt động trợ giúp, hỗ trợ người dân, các nhóm yếu thế đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu, giúp họ nâng cao khả năng thích ứng, giảm thiểu rủi ro, vượt qua khó khăn, ôn định cuộc sống.

"Vai trò đóng góp của công tác xã hội nhằm ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu là rất cần thiết", ông Tô Đức chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem