Nông dân trồng lúa An Giang học cách làm đất khỏe, thích ứng biến đổi khí hậu

Quang Sung - Trần Đáng Thứ hai, ngày 28/08/2023 12:48 PM (GMT+7)
Tại hội thảo khoa học “Đất khỏe - Cây trồng khỏe” với chủ đề “Quản lý dinh dưỡng cân đối, hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu”, các chuyên gia đã chia sẻ đến nông dân An Giang cách làm cho đất khỏe, tăng năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bình luận 0

Sáng ngày 28/8, tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II - Thương hiệu 2 Phong tổ chức hội thảo khoa học “Đất khỏe - Cây trồng khỏe” với chủ đề “Quản lý dinh dưỡng cân đối, hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu”. 

Mục tiêu hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm về quản lý dinh dưỡng và sử dụng phân bón phù hợp có hiệu quả cho cây lúa, hướng đến giảm phát thải CO2.

Canh tác lúa hướng đến đất khỏe, cây trồng khỏe

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, An Giang là một tỉnh nông nghiệp, trong đó cây lúa là cây trồng chủ lực. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang định hướng phát triển theo “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh”.

Nông dân trồng lúa An Giang học cách làm "đất khỏe", thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Sung

“Nông nghiệp sinh thái là nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, quá trình canh tác phải giảm CO2. Trong đó, để giảm CO2 nông dân có thể ứng dụng những quy trình kỹ thuật để giảm giống, giảm lượng nước. Nhưng nếu như chúng ta không có những giải pháp hiệu quả để sử dụng phân và đất thì việc giảm CO2 sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Thọ cho biết.

Ông Thọ cho biết thêm, hiện nay mong muốn của ngành nông nghiệp An Giang là tìm giải pháp canh tác giúp đất khỏe, phát triển cây lúa an toàn, kháng dịch bệnh và đạt năng suất cao.

“Việc ứng dụng công nghệ nano cũng như kết hợp phân hóa học và phân hữu cơ sẽ là hướng đi đúng cho ngành nông nghiệp tỉnh An Giang và các tỉnh ĐBSCL trong thời gian tới. Việc sử dụng phân bón công nghệ nano giúp người nông dân giảm lượng bón, giảm chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao”, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết.

Giảm lượng phân bón, nông dân vẫn thu lời cao

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Phương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho biết, lâu nay nhiều nông dân lạm dụng phân bón trong sản xuất dẫn đến tăng chi phí đầu vào, và giảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Trước thực trạng đó, TS Phương đề xuất những giải pháp, như: Sử dụng phân hỗn hợp NPK tan chậm; ứng dụng công nghệ Nanozyme trong sản xuất phân…

Nông dân trồng lúa An Giang học cách làm "đất khỏe", thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

TS Nguyễn Thanh Phương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Quang Sung

“Công nghệ nano như một enzym đánh thức các vi sinh vật bất hoạt hoạt động trở lại. Phân NPK thường, sau 7-10 ngày sử dụng, nông dân phải bón lại bởi phân bị mất do bốc hơi, rửa trôi. Khi có công nghệ này, lượng phân được giữ lại trong đất 15-20 ngày. Do đó, nông dân chỉ cần bón 2 lần/vụ. Công nghệ này giúp cây hấp thu tối ưu lượng phân, tạo rễ, bông lúa dài hơn. Mặc dù, dù bón ít lượng phân, giảm lần bón nhưng năng suất vẫn tương đương”, TS Phương nhấn mạnh.

Nông dân trồng lúa An Giang học cách làm "đất khỏe", thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Những mô hình canh tác lúa dùng phân bón thế hệ mới công nghệ Nano đang cho thấy hiệu quả kinh tế. Ảnh: Quang Sung

Báo cáo về kết quả sử dụng phân bón NPK thế hệ mới công nghệ Nanozyme (Eco-Nanomix) trên cây lúa vụ đông xuân 2022-2023 tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ và ĐBSCL, TS. Phương cho biết, đối với mô hình tại Bình Định cho thấy giảm 20% lượng phân và giảm 1 lần bón; năng suất tăng 7,2% so với ruộng đối chứng.

Trong khi đó, tại Kiên Giang, lượng phân bón sử dụng giảm 22% (chỉ bón 2 lần); năng suất tăng 6,6% so với ruộng đối chứng. So với ruộng đối chứng, lãi ròng tại ruộng Bình Định tăng 20,1% và tại Kiên Giang tăng 26,2%.

“Tổng kết những mô hình này cho thấy giảm lượng bón 20-22%; giảm lần bón 4-5 lần còn 2-3 lần; giảm được 1-2 lần phun thuốc BVTV. Do đó, góp phần giúp đất khỏe, cây trồng khỏe, giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí và tăng năng suất, hiệu quả kinh tế”, TS Phương cho hay.

Nông dân trồng lúa An Giang học cách làm "đất khỏe", thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Các chuyên gia trả lời câu hỏi tại hội thảo khoa học “Đất khỏe - Cây trồng khỏe” với chủ đề “Quản lý dinh dưỡng cân đối, hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu”. Ảnh: Quang Sung

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Quốc Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II - Thương hiệu 2 Phong cho biết, hiện công ty của ông đang cung cấp ra thị trường những sản phẩm phân bón thế hệ mới, sử dụng công nghệ Eco-Nanomix. Trong đó, có hai sản phẩm phân bón “Lúa xanh”, “Chắc hạt” được sản xuất chuyên dụng cho cây lúa.

“Để giảm lượng phân bón cần có quá trình, cần thời gian thay đổi để bà con thích nghi. Chúng tôi đang khuyến cáo bà con bón 2 lần/vụ; sắp tới chúng tôi hướng đến chỉ bón 1 lần/vụ. Mục tiêu là giúp bà con giảm lượng phân, giảm lượng bón, giảm chi phí đầu tư, đồng thời hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí CO2, giúp đất khỏe, cây trồng khỏe”, ông Phong chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem