TP.HCM điều chỉnh quy hoạch chung theo hướng nào?

Bạch Dương Thứ hai, ngày 27/11/2023 11:46 AM (GMT+7)
Liên danh tư vấn cho rằng qua nghiên cứu và các ý kiến đánh giá, mô hình tập trung - đa cực là khó khả thi. Do đó, đơn vị đề xuất phát triển theo mô hình tập trung - đa trung tâm.
Bình luận 0
Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM sẽ theo hướng nào? - Ảnh 1.

Vùng đô thị trung tâm TP.HCM. Ảnh: P.V

Tại Hội nghị báo cáo kỳ 2 về điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 mới diễn ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng cần xác định những trọng tâm, chiến lược cần điều chỉnh cho đồ án quy hoạch chung tới đây. Phải xác định được điểm mới hay giá trị mới trong quy hoạch chung TP,HCM lần này, kiến tạo những không gian mới, từ đây đề xuất chính sách, cơ chế mới để thực hiện đồ án quy hoạch.

Theo liên danh tư vấn, qua nghiên cứu và các ý kiến đánh giá, mô hình tập trung - đa cực (khu vực nội thành trung tâm với bán kính 15km và 4 cực phát triển) là khó khả thi. Do đó, đơn vị đề xuất phát triển theo mô hình tập trung - đa trung tâm.

Theo dự thảo quy hoạch của đơn vị tư vấn, TP được tổ chức gồm 5 vùng đô thị:

Vùng đô thị trung tâm hiện hữu là khu hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo… gồm vùng Sài Gòn, vùng Chợ Lớn, khu vực Bình Thạnh, nam sân bay, tây sân bay, khu sân bay, Bình Quới - Thanh Đa, đông nam quận 12, phía đông quận Gò Vấp, phía tây quận Gò Vấp, phía tây nam quận 12, vùng phía tây khu đô thị trung tâm.

TP.Thủ Đức với trọng tâm là đô thị sáng tạo, giáo dục, đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, y tế, du lịch sinh thái…

Thành phố phía bắc là đô thị dịch vụ giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp dẫn dắt, hỗ trợ và đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường… bao gồm khu vực Hóc Môn, Củ Chi, một phần quận 12.

Thành phố phía tây là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo... gồm Tân Nhựt - Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Bình Lợi, Phạm Văn Hai, Tân Túc, phía nam đường vành đai 3.

Thành phố phía nam là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển… gồm khu vực phía nam kênh Đôi, phía đông sông Cần Giuộc đến rạch Ông Lớn, quận 7, đường Nguyễn Hữu Thọ, khu Long Thới, Hiệp Phước, Bình Khánh, khu sinh thái nông nghiệp - du lịch, khu đô thị Cần Thạnh, khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Theo đơn vị tư vấn, hiện tại, TP.HCM có 5 khu vực có sẵn sự tập trung của doanh nhân và lực lượng lao động trình độ cao, có thể phát triển đặc biệt nhằm thu hút thêm các đối tượng chiến lược này, đó là khu vực quận 1 và quận 3; Thủ Thiêm; Thảo Điền - Thanh Đa - Trường Thọ; khu vực Phú Mỹ Hưng mở rộng xuống vùng đầm lầy phía Nam; khu vực Chợ Lớn. Do đó, sẽ ưu tiên chuyển đổi các quỹ đất thành đất đô thị để nhanh chóng gia tăng không gian phát triển cho thành phố.

Thiết kế đô thị nên dựa trên bản sắc sinh thái đặc trưng của 7 khu vực tiêu biểu của thành phố nhằm đảm bảo sự liên tục của các chức năng sinh thái trong không gian đô thị, tạo ra những trải nghiệm đô thị mới, độc đáo để phục vụ người dân và thu hút du khách. 7 loại hình định cư đặc trưng chủ yếu ở TP.HCM gồm đô thị lịch sử, đô thị tự phát, đô thị ven sông, đô thị vùng ngập nước, đô thị kênh đào, đô thị nông nghiệp, đô thị biển.

Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM sẽ theo hướng nào? - Ảnh 3.

Nhiều ý kiến lo ngại quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Ảnh: P.V

Góp ý về kết nối giao thông đến khu đô thị Cần Giờ, KTS Ngô Viết Nam Sơn lo lắng khi mọi phương án đều lấy trục Rừng Sác là trục chính.

"Chắn chắn 100% khi đô thị và cảng Cần Giờ hình thành sẽ phá hỏng khu dự trữ sinh quyển. Nên đánh vòng qua khu đô thị ở phía tây Cần Giờ và đây phải là trục chính, đi xa hơn phải chấp nhận. Đường Rừng Sác chỉ có thể là du lịch cảnh quan với mật độ ít", ông Sơn gợi ý.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng đơn vị tư vấn tổng hợp, phân nhóm các ý kiến đóng góp. Những ý kiến áp dụng được thì cập nhật trong quá trình hoàn thiện đồ án, những nội dung cần nghiên cứu tiếp thì có thông báo cho các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia góp ý. Trong đó, những vấn đề liên quan đến tầm nhìn cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp.

Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết cố gắng đảm bảo tiến độ, hoàn thiện đồ án quy hoạch trên tinh thần tiếp thu các ý kiến góp ý và chuẩn bị hồ sơ để báo cáo cuối kỳ cho Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, HĐND TP.HCM dự kiến vào cuối tháng 12 tới. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ Xây dựng, dự kiến trong tháng 1/2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem