TP.HCM phát triển ngành nghề hoa, cây kiểng thông qua bảo tồn nguồn gen cũ và nhân giống mới

Quang Dương Thứ hai, ngày 09/10/2023 14:46 PM (GMT+7)
Dự kiến trong năm 2024, TP.HCM sẽ nhân giống 400 - 800 chậu hoa, kiểng lá mới, đồng thời duy trì và bảo tồn nguồn gen các giống hoa, cây kiểng đã sưu tập.
Bình luận 0

Hoa, cây kiểng đang là loại cây trồng đem lại kinh tế cao cho nông dân TP.HCM. Đây là một trong những nghề nông thôn tiêu biểu của thành phố. Trong số những ngành nghề nông nghiệp được TP.HCM khuyến khích người dân chuyển đổi có lĩnh vực trồng hoa, cây kiểng.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng đạt 2.092ha, giảm 1,8% so cùng kỳ. Dự kiến, đến hết năm 2023, diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng đạt 2.335ha, tăng 0,4% so cùng kỳ. Trong đó, hoa lan 305ha, hoa nền 620ha, cây kiểng - bonsai 600ha và hoa mai 810ha.

Anh Bùi Anh Tin bắt đầu làm nghề kinh doanh cây kiểng ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh từ năm 2010. Sau thời gian nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc và tìm hiểu thị trường, anh chuyển sang tự trồng bonsai và hoa kiểng các loại.

Anh Tin có tổng diện tích sản xuất 5.000 m2, với nhiều loại kiểng tiểu, trung, đại. Sản phẩm của anh được tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận, với doanh thu bình quân 1,5 tỷ đồng/năm.

Tại địa phương, anh Tin thường xuyên tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều chủ vườn kiểng và nhận bao tiêu đầu ra cho các vườn kiểng.

Anh Tin đánh giá hoa kiểng mang lại giá trị cao, phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị ở TP.HCM. Nhưng để nghề trồng hoa kiểng mang lại giá trị cao hơn thì bản thân người làm hoa kiểng phải không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật.

TP.HCM phát triển ngành nghề hoa, cây kiểng thông qua bảo tồn nguồn gen cũ và nhân giống mới - Ảnh 1.

TP.HCM phát triển ngành nghề hoa, cây kiểng thông qua bảo tồn nguồn gen cũ và nhân giống mới. Ảnh: Q.S

Được biết, TP.HCM đang duy trì bộ sưu tập hoa, kiểng lá, gồm: 398 giống hoa lan, 176 giống kiểng lá, 44 giống hoa hồng và 137 giống hoa nền.

Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2024 của Sở NNPTNT TP.HCM đặt mục tiêu đưa diện tích diện tích canh tác, gieo trồng hoa, kiểng ứng dụng công nghệ cao đạt 200ha.

TP.HCM đặt mục tiêu sưu tập giống hoa kiểng, giống lá kiểng mới có tiềm năng giá trị kinh tế cao trên thị trường; khảo sát các đặc tính sinh học và đánh giá tính thích nghi các giống sưu tập; chăm sóc duy trì và bảo tồn nguồn gen các giống hoa, kiểng đã sưu tập; nhân giống một số giống hoa kiếng sưu tập có tiềm năng kinh tế cao phục vụ sản xuất thương mại. Dự kiến, trong năm 2024, nhân giống thành công 400 - 800 chậu hoa, kiểng lá mới sưu tập.

Thành phố cũng sẽ thực hiện trồng thử nghiệm và đánh giá tính thích nghi của một số giống hoa mới. Dự kiến, trong năm 2024, xây dựng quy trình canh tác phù hợp, đưa ra khuyến cáo giống cho người dân sản xuất đạt hiệu quả cao nhất; chọn lọc được 1 - 2 giống hoa mới phù hợp với điều kiện gieo trồng trong nhà kính ở TP.HCM.

TP.HCM phát triển ngành nghề hoa, cây kiểng thông qua bảo tồn nguồn gen cũ và nhân giống mới - Ảnh 3.

Hoa, cây kiểng nằm trong danh sách các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM. Ảnh: Q.A

Sở NNPTNT TP cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác chuyển giao giống hoa mới phù hợp điều kiện và nhu cầu sản xuất của TP. Điều tra, khảo sát thu thập số liệu về nhu cầu về giống hoa của thành phố.

Được biết hoa, cây kiểng là cây trồng chủ lực được ưu tiên phát triển trên địa bàn TP.HCM. Nếu năm 2010, diện tích trồng hoa, cây kiểng là 1.900ha, thì đến năm 2020 diện tích này đã tăng lên 2.510ha. Tổng giá trị sản phẩm hoa kiểng phục vụ tết Nguyên đán năm 2020 so với năm 2016 tăng 8,3%.

Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha hoa, kiểng năm 2020 đạt khoảng 820 triệu đồng/năm. Tương ứng ngành hoa, kiểng tạo giá trị sản phẩm trên 2.510 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 11,06% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (22.692 tỷ đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem