TP.HCM sẽ có hàng trăm ca nô, tàu, du thuyền trên sông Sài Gòn, phát triển du lịch đường thủy

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 11/08/2023 13:40 PM (GMT+7)
Theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, TP.HCM đặt mục tiêu tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.
Bình luận 0

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025. 

Mục tiêu đến năm 2025 của TP.HCM là sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy, khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.

TP.HCM sẽ có hàng trăm ca nô, tàu, du thuyền trên sông Sài Gòn phát triển du lịch đường thủy - Ảnh 1.

Du lịch đường thủy tại TP.HCM: Du khách chuẩn bị lên tàu du lịch trên sông Sài Gòn. Ảnh: Hồng Phúc

TP.HCM cũng kỳ vọng năm 2023-2024, số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố đạt khoảng nửa triệu lượt khách mỗi năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. 

Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. 

Số lượng khách quốc tế đến bằng đường tàu biển đến thành phố trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100.000 lượt khách và tăng khoảng 12-15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.

TP.HCM đặt mục tiêu tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.

Đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố.

Làm gì để đạt mục tiêu trên?

Giai đoạn 2023-2024, TP.HCM sẽ cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có, gồm nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn dưới 10km và nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung 10-60km.

TP.HCM sẽ có hàng trăm ca nô, tàu, du thuyền trên sông Sài Gòn phát triển du lịch đường thủy - Ảnh 2.

Du lịch đường thủy được kỳ vọng trở thành một trong những điểm nhấn của TP.HCM. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM

Nhóm sản phẩm du lịch tầm ngắn gồm tuyến đi Bình Quới, tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung gồm tuyến du lịch đi Củ Chi và Cần Giờ.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng tập trung xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy nhằm cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hoá, nét đặc trưng về các hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn.

Giai đoạn này, TP.HCM đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới. 

Ở nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn là tuyến du lịch đi quận 7, bổ sung các bến thủy nội địa trên tuyến: Bến Cù Lao Nguyễn Kiệu, bến Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bến Khu dân cư Trung Sơn, bến Công viên Him Lam…, xây dựng chương trình du lịch mới trên tuyến.

Nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung là tuyến du lịch đi TP.Thủ Đức. Nhóm các sản phẩm du lịch tầm xa xuất phát từ khu vực trung tâm thành phố đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc - An Giang để kết nối qua Campuchia.

Giai đoạn 2024-2025, TP.HCM tập trung hút khách quốc tế về khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, phát triển các tour về nguồn, văn hóa lịch sử kết hợp thưởng ngoạn sông Sài Gòn, tham quan các làng nghề, nhà vườn, sinh thái với khách nội địa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem