Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp: Tiếp sức để nông dân ấp đảo Thiềng Liềng phát triển du lịch cộng đồng

Quang Sung Thứ năm, ngày 20/07/2023 11:21 AM (GMT+7)
Mô hình du lịch cộng đồng tại Cần Giờ đang được các hộ nông dân tại đây hưởng ứng, dù lượng khách còn ít do mô hình còn mới và đường đi trắc trở. Rất cần giải pháp tiếp sức để các mô hình này tiếp tục phát triển, giúp nông dân ấp đảo phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả, tăng thu nhập.
Bình luận 0

Ở ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, khoảng 70 - 80% hộ dân sống bằng nghề làm muối. Tuy nhiên, diêm dân làm muối ở đây hết sức vất vả vì sản lượng muối phụ thuộc thời tiết, thu nhập bấp bênh.

Mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) là sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên của TP.HCM. Tại đây có 16 hộ tham gia vào mô hình này đều là những nông dân.  Tất cả các sản phẩm du lịch này do chính bà con nông dân và cư dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng thực hiện. Mô hình này được Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng UBND huyện Cần Giờ công bố vào cuối tháng 12/2022. 

Có du lịch, đời sống của người nông dân nơi đây chắc chắn sẽ thay đổi. Người dân sẽ thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, nhất là lúc nông nhàn.

Mỗi gia đình một sản phẩm du lịch đặc trưng

Bà Bùi Thị Giạ - chủ hộ du lịch Mười Giạ (tổ 37, ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), cho biết mô hình du lịch cộng đồng của gia đình bà được triển khai từ đầu năm 2023 đến nay.

Tiếp sức để mô hình du lịch cộng đồng tại Cần Giờ phát triển hơn nữa - Ảnh 1.

Du khách tham gia đạp xe quanh ấp đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

“Được chính quyền địa phương khuyến khích làm du lịch, gia đình tôi tham gia ngay với mô hình homestay và nước mát. Hiện tại gia đình trồng được một một số cây siro, nên kinh doanh nước siro và các sản phẩm chế biến từ cây siro. Du khách đến đây có thể trải nghiệm tự làm nước từ trái siro tươi”, bà Giạ cho biết.

Gia đình bà Giạ đã đầu tư khoảng 40 triệu đồng để xây một chòi mái lá, trang trí không gian để phục vụ du khách. Do những loại cây trái tại đây phụ thuộc vào thời tiết, nên mỗi mùa, gia đình bà sẽ phục vụ mỗi loại thức uống khác nhau.

“Vào mùa trái siro thì mình phục vụ nước siro, sau khi hết trái thì mình đổi qua cây nha đam. Nếu hết mùa nha đam thì mình đón khách bằng chè dưỡng nhan. Hộ mình đăng ký mô hình cung cấp các loại nước mát, nên chỉ tập trung vào các sản phẩm này”, bà Giạ nói thêm.

Nằm cách hộ du lịch Mười Giạ khoảng 50m là hộ du lịch Hai Loan, do bà Nguyễn Thị Kim Loan làm chủ. Hộ bà Loan chuyên cung cấp dịch vụ trải nghiệm làm bánh và thưởng thức bánh dân gian.

Tiếp sức để mô hình du lịch cộng đồng tại Cần Giờ phát triển hơn nữa - Ảnh 3.

Du khách thưởng thức bánh dân gian tại hộ du lịch Hai Loan. Ảnh: Quang Sung

Bà Loan cho biết: “Được chính quyền khuyến khích làm du lịch để phát triển kinh tế, nên mình cũng tham gia. Mình có sẵn kinh nghiệm làm bánh dân gian, nên đăng ký tham gia mô hình du lịch trải nghiệm này. Trước khi làm mô hình thì mình được chính quyền cho đi trải nghiệm ở Cồn Chim, tỉnh Trà Vinh. Tại đó cảnh quan cũng tương tự ở đây, mình học hỏi kinh nghiệm của bà con ở đó, để về áp dụng tại mô hình của mình”.

Ngoài hai mô hình trên, tại ấp Thiềng Liềng còn có các mô hình du lịch cộng đồng khác như: trải nghiệm làm muối, thưởng thức đờn ca tài tử, thưởng thức kem dừa… Điểm đặc trưng của các mô hình này là mỗi hộ chỉ tập trung phát triển một sản phẩm du lịch nhất định.

Tiếp sức để du lịch ấp đảo Thiềng Liềng phát triển 

Theo nhận định chung của các hộ dân ở đây, hiện lượng khách đến du lịch tại ấp Thiềng Liềng vẫn còn hạn chế. Thu nhập chính của những hộ đang làm du lịch vẫn dựa vào các nghề nông truyền thống.

Chủ hộ du lịch Hai Loan nhận định hiện nay khó khăn lớn nhất của du lịch tại ấp Thiềng Liềng là giao thông. Do nằm cách xa đất liền, muốn di chuyển ra ấp Thiềng Liềng phải đi đò, nhưng phương tiện này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và di chuyển mất thời gian.

Tiếp sức để mô hình du lịch cộng đồng tại Cần Giờ phát triển hơn nữa - Ảnh 4.

Du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng vẫn đang chờ đà phát triển. Ảnh: Quang Sung

Đồng tình với ý kiến trên, chủ hộ Mười Giạ bày tỏ: “Tôi mong muốn có một chuyến tàu từ đất liền sang đây, khi đó khách mới đến du lịch đông được, chứ đường đi còn trắc trở quá. Nếu đi bằng tàu từ thành phố xuống thì chi phí cao, di chuyển bằng đò thì rẻ, nhưng mất thời gian, đi trong ngày về không kịp, phải ở lại. 

Đa số khách đến đây là sinh viên đi trải nghiệm, nên chi phí càng rẻ thì càng thu hút họ”.

Các hộ là du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng đều bày tỏ mong muốn mở rộng quy mô các mô hình mà họ đang triển khai, với điều kiện lượng khách đến đây phải tăng lên.

Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến - Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, nhận định ấp Thiềng Liềng là một điểm du lịch cộng đồng có nhiều nét đặc trưng, độc đáo; có những sản phẩm đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển, như ẩm thực và thức uống vùng biển, không gian nghề muối, đờn ca tài tử…

Việc phát triển du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng là một cách làm nhằm triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025” đã được UBND thành phố phê duyệt.

Theo chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, tổng diện tích đất nông nghiệp của TP.HCM là 89.612ha. Nếu được sử dụng khoa học và hiệu quả thì đóng góp của nhóm sản phẩm nông nghiệp cho kinh tế thành phố vẫn được duy trì và tăng trưởng.

Giải pháp TP đưa ra là cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở khu vực ngoại thành - nơi quỹ đất nông nghiệp còn nhiều - theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp thông minh kết hợp với các loại hình du lịch học tập, nghỉ dưỡng. 

TP.HCM có nhiều lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Ngành nông nghiệp cũng đã xác định có thể gắn kết những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái với các đơn vị làm du lịch, để hình thành các tour, tuyến du lịch mới. Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành và thực hiện chương trình OCOP đến năm 2025, trong đó có những giải pháp cần triển khai để phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Điều này là lợi thế cho du lịch tại ấp đảo Thiềng Liềng. Khi được tiếp sức, chắc chắn việc phát triển nông nghiệp đô thị tại đây sẽ đi đúng hướng.

Ngày 20/4/2023, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1524/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân, gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025”. Mục tiêu như sau:

- Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, ý nghĩa và vai trò của du lịch nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

- Phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề nông thôn, sản phẩm đặc trưng khu vực (sản phẩm OCOP); góp phần nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho người dân.

- Quảng bá, kết nối thị trường cho sản phẩm chủ lực đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP, phát triển đa dạng chủng loại quà lưu niệm do chính người nông dân làm ra trong việc kết hợp lồng ghép trong chương trình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái trên địa bàn TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem