TP.HCM thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển mạng lưới đường sắt đô thị

Gia Linh Thứ năm, ngày 29/02/2024 14:51 PM (GMT+7)
Lãnh đạo TP.HCM vừa quyết định thành lập Tổ công tác có nhiệm vụ hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, thúc đẩy việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại địa phương.
Bình luận 0

Tổ công tác thúc đẩy việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) trong phát triển mạng lưới đường sắt đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) tại địa phương.

Theo đó, Tổ công tác gồm 15 thành viên, do ông Phạm Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, làm Tổ trưởng.

Được biết, Tổ công tác có nhiệm vụ thảo luận và thống nhất với JICA để xác định các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ phát triển mạng lưới đường sắt đô thị và cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); tổ chức họp định kỳ, đột xuất với JICA để thống nhất các nội dung báo cáo UBND TP xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, Tổ công tác còn trao đổi về các khó khăn vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm và giải pháp hiệu quả, đề xuất các cơ chế chính sách, các giải pháp kỹ thuật, tài chính để tạo thuận lợi trong quá trình đầu tư, phát triển đô thị tích hợp theo định hướng TOD.

TP.HCM thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển mạng lưới đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Tổ công tác có nhiệm vụ đề xuất các cơ chế chính sách, các giải pháp kỹ thuật, tài chính... để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

Tổ công tác cũng tiến hành trao đổi với JICA trong quá trình đề xuất lựa chọn vị trí, tổ chức điều chỉnh quy hoạch các khu đất thuộc vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị để thực hiện phát triển đô thị theo định hướng TOD trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, kiến thức của các chuyên gia, doanh nghiệp Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Tổ công tác sẽ cùng với JICA tổ chức mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố và các dự án phát triển đô thị tại các vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị theo cơ chế quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trước đó, lãnh đạo TP.HCM cho biết thành phố đang đề xuất Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách thí điểm phát triển, trong đó có đề xuất thí điểm phát triển đô thị theo định hướng TOD, tập trung vào hệ thống đường sắt đô thị như tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Khi được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình TOD, trong đó hệ thống đường sắt đô thị là hạt nhân của mô hình này.

TP.HCM thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển mạng lưới đường sắt đô thị- Ảnh 3.

Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vẫn đang chờ chính thức vận hành. Ảnh: Sỹ Như

Được biết, theo điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị của TP.HCM bao gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên kết nối các trung tâm chính. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị khoảng 220km, tổng vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem